Người phụ nữ dám nghĩ dám làm
- Cập nhật: Thứ hai, 9/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi đã từng gặp và viết khá nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi. Họ đều giống nhau ở chỗ, từ nghèo khó vươn lên không cam chịu đói nghèo.
Chị Thúy (bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng giống chè Bát tiên với chị em trong thôn.
|
Có người thì chọn mô hình nuôi nhím, có người nuôi ong, nuôi tằm hay chăn nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng... Chị Bùi Lệ Thuỷ ở thôn Hồng Hà, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên là một trong những người như thế!
Thật thú vị khi trao đổi với chị - người phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa và dáng người nhỏ nhắn nhưng ý chí làm giàu thì thật quyết liệt. Chẳng thế mà, chị đã được UBND, Ban chấp hành Hội Phụ nữ, Câu lạc bộ Khuyến nông của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Nga Quán đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen. "Đã là nông dân việc gì đến tay mình cũng phải thực hiện cho bằng được!" - chị nói. Còn nhớ lắm, khi mới xây dựng gia đình, tài sản duy nhất mà vợ chồng chị có được là ngôi nhà gỗ đơn sơ. Vậy là đã có chỗ che mưa, che nắng, còn ngần ngại gì không làm mà kiếm miếng cơm! Và anh chị đã bắt tay vào công việc: nhận đấu thầu ao cá, lên rừng trồng keo, quế và cấy thêm lúa... Thắng lợi lứa cá đầu, anh chị tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn nái; lúc nông nhàn, anh đi lái xe thuê, chị ra chợ lấy bánh mỳ về giao cho các quán.
Đến năm 2001, gia đình chị đã bán đồi keo và thu được hơn 3 triệu đồng. Từ những đồng vốn ấy, chị tiếp tục đầu tư vào đàn lợn nái. Nhưng sự thay đổi thật sự là từ năm 2002, khi tỉnh đã chọn huyện Trấn Yên và trực tiếp là xã Nga Quán được trồng giống chè Bát Tiên. Trong khi một số hộ dân còn nghi ngờ về chất lượng và hiệu quả kinh tế đem lại của giống chè này, thì chị đã bàn bạc với chồng và mạnh dạn nhận giống về trồng. Với lợi thế không mất tiền cây giống, gia đình chị chỉ phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng đầu tư phân bón, công thuê lao động, và các chi phí khác trong quá trình chăm sóc.
Đến năm 2005, khi giống chè Bát Tiên thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, UBND và các ban ngành, đoàn thể xã đã đứng ra vay vốn từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội cho người dân có điều kiện để đưa giống chè mới vào trồng. Gia đình chị đã không phải vay thêm vốn mà tự chủ động được vốn để đưa thêm 8 sào chè Bát Tiên vào trồng mới... Đến nay, gia đình chị đã có 6 sào ruộng lúa, cho năng suất từ 180-200kg/sào; một ao thả cá, chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ngoài ra, mỗi năm chị cho xuất chuồng 2 lứa lợn nái, thu được 12 triệu đồng/năm; là 16 sào chè Bát Tiên mỗi năm cho thu từ 15- 16 triệu; đồi keo, quế cũng cho thu nhập từ 5-7 triệu/năm; kinh doanh dịch vụ gia đình thu thêm 50 triệu đồng/năm. Hạch toán kinh tế năm 2007, gia đình chị thu nhập trên dưới 80 triệu đồng/năm.
Đời sống gia đình đã từng bước nâng lên, một ngôi nhà gỗ 4 gian khang trang với đầy đủ tiện nghi đắt tiền phục vụ trong sinh hoạt, hai cô con gái được chăm sóc và học hành tiến bộ. Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình chị còn luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, chia sẻ những khó khăn; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, như: ủng hộ đồng bào miền Trung gặp bão lũ, ủng hộ xây dựng nghĩa trang, ủng hộ hội viên phụ nữ gặp khó khăn...
Nói về những gì chị Thuỷ đã và đang làm hiện nay, chị Trần Kim Nga- Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Nga Quán khẳng định: "Chị Thuỷ là một tấm gương sáng không chỉ chị em trong Hội và nhân dân trong xã học tập và noi theo. Gia đình chị đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội địa phương".
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Đó là gia đình ông Trần Minh Đức ở thôn 9, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Vợ chồng ông luôn có tâm niệm, dù khó khăn đến đâu vẫn phải quyết tâm nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.
YBĐT - Đó là gia đình ông Trần Thanh Hải ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn, ruộng vườn không có, 6 khẩu ăn chỉ trông chờ vào một suất lương hưu của vợ. Để có thêm tiền chi tiêu hàng ngày và tiền học cho các con, vợ chồng ông làm đủ nghề từ cửu vạn, lao công, trông xe đạp cho các trường học...
YBĐT - Trong phong trào thi đua sản xuất và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, có hai anh em Hoàng Thanh Hùng và Hoàng Văn Doanh ở thôn 6, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã thể hiện rõ là người năng động.
YBĐT - Nhắc đến tên người bí thư chi bộ thôn 11B, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn (Yên Bái) - ông Phạm Quốc Triệu, nhiều cán bộ và người dân trong thôn, trong xã đều kính phục và nể trọng.