Lương Viết Huấn người con trung hiếu của quê hương, đất nước
- Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi tự thấy xấu hổ với bản thân mình khi gặp người thương binh nặng Lương Viết Huấn tại nhà riêng ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (trước đây là Đông Lý), huyện Yên Bình (Yên Bái), bởi phải cuốc bộ qua một đoạn đá sỏi lẫn bùn đất của quốc lộ 70 và đường đất dốc lầy thụt từ đó ra sát mép hồ Thác Bà, nên có lúc đã nghĩ là gian khổ quá!
Trước mặt tôi là một người có vóc dáng hơi thấp và đậm, chỉ còn một chân, chân bên kia bị cụt khá cao, phải chống nạng gỗ. Con mắt trái thân mật nhìn khách, còn mắt phải thì bất động. Không muốn để ông phải bất ngờ hoặc băn khoăn về lần đầu gặp gỡ nên tôi cứ nói đại đi:
-Anh Huấn ơi, tôi vừa gặp cháu Huy, cán bộ tư pháp ngoài ủy ban xã. Biết anh ở nhà nên vào thăm. Chà chà, đường hơi khó đi đấy, thế nên nghỉ trưa mà cháu Huy không về. Các anh Hoàng Hữu Sang, Hà Lâm Kỳ đã vào đây nhiều lần để viết về anh, khá thật! Anh Kỳ gửi lời thăm sức khỏe anh Huấn đấy!
-Cảm ơn - anh chậm rãi kể về quá trình các anh ấy đến tìm hiểu và viết sách báo - Anh Kỳ tặng quyển “Người thương binh ấy” (Truyện Hà Lâm Kỳ, tranh Trương Hiếu, Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc 1999), còn cậu Sang chẳng thấy tặng gì?
May quá, tôi đã mang theo cuốn “Trên trận tuyến mới” tập 3 nên lấy ra tặng luôn, trong đó có bài “Binh nhất tướng” Hoàng Hữu Sang viết về anh. Sở dĩ viết ngược đời thế vì khi địch bắt được, trong người anh Huấn còn giữ đôi quân hàm 1 sao. Bọn tâm lý chiến gà mờ nghi anh là... tướng!
Thực ra, sau khi huấn luyện ở Bắc Thái thuộc Lữ đoàn 250, vào Nam, anh thuộc Sư đoàn 325b (Bình Định). Lúc này, anh là trung sĩ, Tiểu đội trưởng Trinh sát Sư đoàn. Đơn vị anh được tăng cường cho mặt trận Sài Gòn – Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trên đường hành quân, tiểu đội trinh sát đi đầu, bị phục kích, anh bị thương ở chân và được đưa về trạm quân y tiền phương. Ngay sáng hôm sau, địch đánh úp và anh bị bắt. Vì mang “quân hàm cấp tướng” nên chúng đưa anh vào Nhà lao Biên Hòa đánh đập, tra tấn, cưa chân, khoét mắt rồi đưa ra Côn Đảo. Mãi đến sau Hiệp định Pari - bốn bên ký kết đình chiến, anh Huấn mới được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Bình. ở đây, anh đã được gặp Tố Hữu - nhà thơ và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Đến đây, tôi hỏi anh: “Thế sao nhà báo Hồng Phẩm trên nguyệt san Người Cao Tuổi số 137 tháng 7 này, viết: “Năm 1968, ông đã được trả tự do về với đồng đội, nghỉ an dưỡng tại Đoàn 595.?”. Anh Huấn cười và bảo: “Thế là viết bừa! Bắt đấy, lại thả ngay đấy về với đồng đội! Coi chừng âm mưu của bọn tâm lý chiến!”. Sau khi được trao trả, qua các đoàn an dưỡng 585, 595 Thanh Hóa, rồi Cốc San (Hoàng Liên Sơn), trước chiến tranh biên giới (1979) nổ ra, đoàn an dưỡng chuyển về Yên Bái. Mãi đến năm 1983, anh mới quyết định xin cho gia đình đón về. Thế là, sau 17 năm nhập ngũ, vào tuổi 35 với tỉ lệ thương tật 91%, thương binh loại 1/4, anh mới trở về Đông Lý quê hương... xây dựng gia đình!
Năm 1997, anh được Đài Truyền hình Việt Nam mời trong một buổi truyền hình gặp mặt những chứng nhân lịch sử về tội ác dã man của kẻ thù. Anh đã là người thật, kể việc thật, việc bọn Mỹ – Ngụy khoét mắt mình và cưa chân mình bằng cưa... cắt gỗ!
Ngày 14/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã tặng anh Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Khi nhìn lên Kỷ niệm chương và các bằng khen của anh, tôi còn bắt gặp tấm bằng Tổ quốc ghi công em trai anh – liệt sĩ Lương Viết Bảo. Bảo hy sinh đầu tháng 3/1975.
Trên đây là phần đời oanh liệt của anh Lương Viết Huấn trước năm 1983. Từ ngày gia đình đón về đến nay, cuộc sống của anh không kém phần oanh liệt, vẻ vang. Anh đã phải gắng sức, gồng mình lên, tạo dựng những thói quen mới trong sinh hoạt, lao động để bù đắp phần thiếu hụt của cơ thể và sức lực. Anh bảo, làm ruộng vườn hoặc phát nương, ngày trước tôi đã thành thạo nhưng nay phải tập luyện lại từ đầu. Khi xưa, một tay cầm dao là phát băng băng, nay cũng tay ấy mà chấp chới, chơi vơi lắm, vì phải đứng một chân và một nạng.
Khi xưa, hai con mắt tinh anh, nay còn một, một ấy lại chỉ một phần mười! Đứng khó. Ngồi càng khó. Từ những việc nhỏ nhặt như quét nhà, vãi thóc cho gà ăn đến cuốc đất, phát nương, làm cỏ đều phải tập lại. Việc nhỏ mà công sức lớn, sức của cơ bắp và lòng quyết tâm. Anh nhận 4 ha đất đồi cùng gia đình trồng các loại cây, nào bạch đàn, keo lá tràm, quế. Trên đường vào nhà anh cũng thẳng tắp hai hàng cây cho bóng mát. Nhìn vào chuồng, bốn, năm con lợn đẫy đà, lặc lè nằm thở. Lúc đến đã quá trưa, tôi đùa: “Anh Huấn ơi, tôi vừa mệt vừa đói!”. Anh bảo: “Được thôi! Ở đây vườn, không có rào thưa rào dày gì hết nhưng bắt gà dễ ợt! Để tôi bảo cháu làm cơm!”.
Chao ôi, anh đã vui hài bằng thơ Nguyễn Khuyến, (Câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Vườn rộng, rào thưa, khó đuổi gà”) coi mình đang sống an nhàn trong cảnh điền viên thanh bạch! Anh không giàu nhưng no đủ. Con gái đã lấy chồng, có con. Hai con trai, một lái xe bên Tây Bắc, một là cán bộ tư pháp xã nhà, đã có vợ con ở chung với vợ chồng anh. Vào tuổi 60, anh không làm rừng làm ruộng nữa, ở nhà trông cháu, nuôi gà, dọn dẹp sân bãi... cũng đủ mệt phờ nhưng hạnh phúc, lòng dạ thảnh thơi.
Tạm biệt anh ra về, vẫn con đường sống trâu lổn nhổn đá sỏi trong bùn lầy ấy mà tôi thấy dễ đi hơn lúc đến. Có lẽ, Lương Viết Huấn là một hiện thân nội dung câu tạc dạ: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân đội nhân dân ta. Anh thật xứng đáng với ước muốn và cũng là lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”
Hán Trung Châu
Các tin khác
YBĐT - Ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái (Yên Bái) nhiều người biết đến ông Nguyễn Hữu Thà, thương binh 1/4, người luôn mẫu mực trong các phong trào hoạt động của địa phương.
YBĐT - Tuy đã hẹn trước nhưng phải đến lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được anh. Bởi cuộc sống của những chú ong “du mục” tìm hoa ở những đồi rừng khác nhau nên “ông chủ” nuôi ong bậc nhất trên vùng đất Ngọc này cũng phải nay đây mai đó. Ấy chính là đoàn viên Lê Văn Tuấn, sinh năm 1983, hiện đang sinh hoạt ở Chi đoàn thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.
YBĐT - Thương bệnh binh, những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc độc lập, hòa bình. Còn hôm nay, họ vượt lên khó khăn, vững vàng trên trận tuyến mới – phát triển kinh tế. Bệnh binh 2/3 Đặng Huy Chuân ở tổ dân phố 2, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái)là một người như thế.
YBĐT - Không chọn cuộc sống an nhàn khi đã ở những năm tháng có quyền được như thế. Không cho bàn tay, khối óc mình ngơi nghỉ khi đã bước vào tuổi cao niên. Khi làm cha làm mẹ họ đã là những người để con cháu cậy nhờ nay làm ông làm bà họ vẫn "chưa chịu" ngồi đó để nhờ cậy cháu con.