Người bắt đất đá trở thành vàng
- Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Đó là anh Lương Văn Vân, sinh năm 1967 tại huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh lên xã An Bình (huyện Văn Yên) để làm ăn sinh sống và đã kết duyên cùng cô gái Tày là chị Hoàng Thị Bạn.
Căn nhà nhỏ trên sườn dốc đá ở thôn 3 xã An Bình là tổ ấm của 2 vợ chồng, nhưng cuộc sống đã trở nên khó khăn khi 2 đứa con nhỏ lần lượt ra đời. Hai bên gia đình cũng quá nghèo nên ngoài những lời động viên, an ủi cũng không giúp gì được cho anh chị. Ruộng chỉ có 2 sào, đất đồi thì dốc 300 - 450 và toàn là đá. Nhiều lần trồng cây, tra hạt xuống nhưng chỉ gặp một trận mưa to là nước trên núi tràn xuống lại cuốn đi hết cả.
Thấy cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, nhiều đêm trằn trọc không ngủ với những câu hỏi: làm sao để thoát nghèo? Nhưng rồi ngắm nghía mảnh đất sau nhà, anh Vân phát hiện ra ở sau mỗi hốc đá, cây cối phát triển xanh tốt hơn các chỗ khác và một hướng làm ăn mới đã hình thành trong đầu người nông dân cần cù, chịu khó ấy.
Những năm đầu, anh Vân cùng vợ tập trung cải tạo những sườn đất có độ dốc thấp để trồng sắn, trồng ngô, trồng đu đủ. Trên sườn dốc 400 - 450 trồng chuối và đu đủ, cam, nhãn... Tận dụng nguồn nước từ các khe suối ở gần nhà rất tiện lợi cho việc nuôi cá, hai vợ chồng anh Vân đã ngày đêm cần mẫn xúc từng xẻng đất, đắp từng viên đá kè từ dưới đáy ao kè lên và hình thành được 4 cái ao nuôi cá.
Để chủ động nguồn nước cung cấp cho các ao, anh Vân đã dùng đường ống dẫn nước từ trên núi về làm một cái bể chứa nước sạch để sinh hoạt và cung cấp nước cho các ao nuôi cá, trong đó có một ao nuôi cá giống, 3 ao nuôi cá thịt. Anh Vân thả cá chim trắng, trắm cỏ, chép, cá mè và cá vược, không chỉ cải thiện bữa ăn gia đình mà đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Không dừng lại ở đó, hàng ngày người nông dân này đã bền bỉ cùng vợ nhặt từng viên đá đắp thành những cấp đồng mức trên sườn đất dốc để chống xói mòn, rửa trôi, đồng thời tích tụ đất màu ở trên núi trôi xuống sau mỗi cơn mưa.
Trên từng mét vuông đất đã được kè đá ấy, hai vợ chồng anh Vân trồng bí đỏ lai giống bí nếp của đồng bào dân tộc Tày thơm và dẻo. Với 0,5 ha đất trồng bí, trong vụ bí năm 2008 đã đem lại cho gia đình anh Vân 15 tấn quả, bán buôn ngay tại nhà với giá 3.000đ/kg cũng thu nhập 45 triệu đồng.
Thu hoạch bí xong, anh Vân lại tiếp tục trồng ngô. Các diện tích đất có độ dốc thấp dưới 300, anh chị kè đá trồng sắn cao sản theo hướng thâm canh bền vững. Vườn cây ăn quả cũng đã cho thu nhập và chỉ tính trên 100 cây cam giống Lục Yên cũng cho thu nhập không dưới 10 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bên các khe nước, anh chị trồng tre, mai, hóp để lấy măng làm thực phẩm ăn hàng ngày và chống xói lở vào mùa mưa lũ.
Chưa bằng lòng với những gì làm được, vợ chồng anh Vân trồng cỏ voi nuôi trâu, hiện nay anh chị có 10 con trâu, trong đó có 5 con trâu cái sinh sản và nuôi cả lợn nái và lợn thịt. Hệ thống chuồng trại được thiết kế sạch sẽ, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có hệ thống hầm biogas vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa có đủ nhiên liệu để phục vụ sinh hoạt nấu ăn hàng ngày.
Thu nhập cho gia đình anh chị hiện tại ước tính khoảng 160 triệu đồng/năm. Từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, giờ đây gia đình anh Vân đã có của ăn của để, mua sắm được đồ dùng phương tiện sinh hoạt đắt tiền, mua được đất để làm nhà ở khu trung tâm xã An Bình. Nhưng anh Vân vẫn chưa muốn "xuống núi" để xây nhà, trong đầu người nông dân giàu nghị lực này vẫn khao khát một hướng làm ăn mới.
Anh Vân cho biết: một vài năm nữa khi có tiền vốn khá, anh sẽ chuyển xuống khu trung tâm xã xây nhà để tạo điều kiện cho 2 đứa con ăn học, đồng thời khu vực trang trại hiện nay anh sẽ chuyển sang trồng cây lâm nghiệp như: keo lai hoặc bồ đề để giữ đất, chống xói mòn và để dành làm vốn cho các con.
Tích cực phát triển kinh tế gia đình, nhưng hai vợ chồng anh Vân vẫn dành nhiều thời gian để nuôi dạy, chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Đứa con gái lớn Lương Thị Huyền nhiều năm liền đạt học sinh giỏi và năm học vừa qua em được giải khuyến khích môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Cậu con trai Lương Văn Long nhiều năm liền là học sinh tiên tiến. Căn nhà nhỏ của anh chị luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười hạnh phúc và anh Vân, chị Bạn còn luôn làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động đoàn thể ở địa phương.
Nghị lực vươn lên để vượt qua đói nghèo, làm giàu và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên mảnh đất đầy sỏi đá của anh Vân, chị Bạn thật đáng trân trọng.
Hồng Vân
Các tin khác
YBĐT - Ông Tráng Su Vàng ở thôn Ao Ếch, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) có cuộc sống ấm no như hôm nay nhưng không ai biết rằng trước đây gia đình ông đã từng bôn ba khắp nơi để kiếm sống và trải qua nhiều gian khổ.
YBĐT - Trong các buổi họp của thôn Đêu 4, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chị Đinh Thị Viễn lại xin ít thời gian để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Có chị, các buổi họp vui vẻ, sôi nổi hơn bởi sau những nội dung họp nghiêm túc, mọi người lại bảo chị hát cho nghe để thư giãn. Tiếng hát tự nhiên, chân chất của chị được bà con dân bản ưa thích.
YBĐT - Khi ông mặt trời lùi xuống sau những dãy núi cao ngất, nhường lại cả bầu trời Trạm Tấu cho ngàn vạn ngôi sao nhấp nháy thì cũng là lúc ánh điện le lói được thắp lên trong những ngôi nhà trên đỉnh núi ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ. Đó cũng là lúc gia đình anh Mùa A Lao chuẩn bị ăn cơm tối.
YBĐT - Được sự giới thiệu của đồng chí Hoàng Ngọc Yên - Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi tìm đến xưởng chế biến gỗ rừng trồng của gia đình ông Nguyễn Duy Đông, thôn Chăn Nuôi, là một trong số rất nhiều hộ điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.