Làm giàu từ chế biến gỗ rừng trồng
- Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Được sự giới thiệu của đồng chí Hoàng Ngọc Yên - Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi tìm đến xưởng chế biến gỗ rừng trồng của gia đình ông Nguyễn Duy Đông, thôn Chăn Nuôi, là một trong số rất nhiều hộ điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, những năm trước đây cuộc sống của gia đình ông Đông gặp rất nhiều khó khăn do nhà có ít ruộng. Là người biết về nghề mộc, ông Đông chuyên đi đóng đồ gia dụng cho các hộ trong xã, nhưng vì người dân trong xã vẫn còn nghèo nên có ít việc mà tiền công thì cũng chỉ đủ ăn, trong khi con cái ngày một lớn ông còn phải lo đủ thứ tiền cho con học hành.
Xuân Ái vốn là địa phương có diện tích rừng lớn, khi khai thác người dân chỉ bán được gỗ đẹp, gỗ tốt mà nếu để người buôn gỗ đến tận nơi thu mua thì giá lại thấp, nên người dân thường phải vận chuyển đi bán ở những nơi khác mới được giá. Còn một số lượng lớn các loại gỗ xấu, gỗ loại... do không tiêu thụ được người dân dùng làm củi đun gây lãng phí lớn trong khi các loại gỗ này qua chế biến trở thành sản phẩm đắt giá, tiêu thụ tốt. Là một thợ mộc, ông nhận thấy đây là một nguồn nguyên liệu dồi dào không thể để lãng phí được.
Một ý nghĩ loé lên trong đầu, ông quyết định mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng tại gia đình. Để công việc làm ăn được thuận lợi, đầu tiên ông lặn lội về Hà Nội, Hà Tây (cũ), Nam Định… để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. Sau khi tìm được đầu ra cho sản phẩm, ông về bàn bạc với anh em họ hàng để vay vốn và được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, năm 1996 ông bắt tay vào làm nhà xưởng, đầu tư máy móc.
Với số vốn ban đầu ít ỏi, ông Đông đầu tư 3 máy cưa đĩa trị giá 10 triệu đồng, sử dụng nhân công chủ yếu là con cháu trong gia đình. Là người nông dân, lần đầu tiên mở xưởng kinh doanh, ông Đông không tránh khỏi sự lúng túng và lo sợ về chất lượng sản phẩm, nhưng cuối cùng thì chuyến hàng đầu tiên với 10 khối gỗ ván thanh cũng được xuất bán tại tỉnh Hà Tây (cũ) và được bạn hàng đánh giá cao. Ông tâm sự: "Mới đầu tôi cũng thấy lo nhưng mình có cái nghề trong tay làm dần rồi cũng quen. Sau một thời gian đi vào hoạt động xưởng kinh doanh có lãi trông thấy. Quan trọng hơn là tôi tạo được uy tín với người dân trong xã, chính quyền địa phương và được bạn hàng tin cậy về chất lượng sản phẩm....". Mặc dù đã ổn định sản xuất, tạo được công ăn việc làm cho con cháu trong nhà nhưng ông Đông không muốn dừng lại ở đây và ông quyết định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc.
Năm 2007, ông đầu tư thêm 1 máy xẻ, 2 máy dọc đứng trị giá 50 triệu đồng và tuyển thêm nhân công lao động. Hiện nay xưởng của ông luôn có từ 8-10 lao động với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, ông xuất ra thị trường trên 20 khối gỗ ván thanh chủ yếu là keo, bồ đề, quế với giá 1,2 triệu đồng/khối, thu về gần 30 triệu đồng. Tính ra, trong một năm nếu có sản phẩm liên tục thì trừ chi phí các loại gia đình ông cầm chắc số tiền lãi 50-60 triệu đồng.
Không những làm giàu cho gia đình, ông Đông còn góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho con em nông dân trong xã. Ngoài ra, ông Đông còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương.
Hồng Duyên
Gỗ ván thanh do xưởng của ông Nguyễn Duy Đông chế biến chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Các tin khác
YBĐT - Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1970, anh thanh niên 18 tuổi Lê Hồng Săn - người dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) viết đơn xin đi bộ đội khi người anh trai mới hy sinh trên chiến trường. Lo rằng bố mẹ sẽ không tạo điều kiện cho đi ngay lúc này vì anh trai mới hy sinh nên anh đã giấu bố mẹ tự đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
YBĐT - Nhắc đến anh Sùng A Tỉnh, người dân bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không khỏi tự hào về một người con ưu tú, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở bản làng.
YBĐT - Đến xã vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái), thấy được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay của các chị em hội viên Hội Phụ nữ, chẳng mấy ai được biết trước đây cuộc sống của chị em có muôn vàn khó khăn. Là xã vùng cao, chị em hội viên 100% là người dân tộc Mông, dân trí còn thấp. Thêm vào đó, nhiều gia đình hội viên có người nghiện, đông con, thiếu vốn sản xuất nên càng khó khăn.
YBĐT - Đó là cách gọi mà người dân xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái) dành cho chị Hoàng Thị Thi - cán bộ chuyên trách dân số xã.