Cô giáo Nguyễn Phương Lan: Khát khao được cống hiến cho nghề
- Cập nhật: Thứ hai, 13/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ những ngày đầu nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Nghĩa Lộ, cô giáo Nguyễn Phương Lan đã cuốn ngay theo dòng xoáy của phong trào thi đua dạy tốt học tốt sôi nổi của nhà trường. Vì thế, ngay sau khi kết thúc thời gian tập sự, cô giáo Lan đã không ngần ngại đăng kí tham gia thi giáo viên dạy giỏi.
Những năm sau đó, kể cả lúc cuộc sống gia đình khó khăn, lúc chồng đi công tác xa, một mình nuôi con nhỏ, nhưng cô không hề bỏ lỡ cơ hội để rèn luyện tay nghề. Sự nỗ lực của cô giáo Lan được đền đáp bằng danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, cho đến năm học 2003-2004, cô đã vinh dự đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Ở thành công này, có không ít người khuyên cô nên dừng lại, như thế là đủ mãn nguyện rồi, nhưng cô giáo Lan lại không nghĩ như vậy. Với cô, mỗi lần dự thi giáo viên dạy giỏi cũng là một lần đi học, là cơ hội để học hỏi, rèn rũa, nâng cao năng lực, điều ấy không bao giờ thừa. 12 năm công tác thì 10 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, nhưng cô giáo Lan chưa bao giờ cho đấy là đủ. Cô thấy và hiểu rằng, giáo dục đào tạo luôn đổi mới, nếu không ngừng học tập sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ, không có thầy giỏi, và cũng không thể có trò giỏi. "Ba mươi năm qua, ngành giáo dục nước ta ba lần thay sách, mỗi lần thay sách có ít nhất ba lần điều chỉnh, cải tiến. Như vậy dù không muốn học cũng phải học để theo kịp phương pháp dạy học mới". Cô Lan nghĩ vậy.
Chính suy nghĩ phải luôn tự hoàn thiện mình ấy là động lực cho việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cô giáo Lan. Vừa công tác được một năm, cô liền đăng kí học lớp cao đẳng dù khi đó mới sinh con đầu lòng được hai mươi ngày. Tốt nghiệp cao đẳng, được biết có lớp đào tạo đại học từ xa, cô lại xin đi học tiếp.
Sau khi tốt nghiệp lớp đại học, nhận thấy trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học ở các thành phố đã được triển khai nhưng còn rất mới lạ với địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Không thể bằng lòng với những gì mình đã có, cô Lan lại tự mày mò học vi tính. Được Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã tạo điều kiện tham gia học lớp ứng dụng công nghệ thông tin, cô Lan đã áp dụng dạy thể nghiệm khá thành công trên đối tượng học sinh của trường. Thời gian học tuy ít ỏi, song người giáo viên ấy vẫn cố gắng hết mình với mong muốn sẽ mang lại cho các em học sinh những giờ học bổ ích và lí thú.
Sự rèn luyện không mệt mỏi của cô giáo Lan cũng là điều mà nhiều giáo viên trong Tổ chuyên môn khối 4+5 Trường Nguyễn Bá Ngọc mà cô Lan làm Tổ trưởng học tập. Nhờ đó, góp phần đưa tổ thành một tổ tương đối đồng đều cả chuyên môn và tay nghề, có tinh thần thi đua cao. Cô Lan cho biết: “Nhiều năm gần đây, 100% giáo viên trong tổ đều tự nguyện đăng kí thi đua, từ cô giáo chỉ còn vài tháng nữa nhận quyết định về hưu cho đến người vừa mới về hợp đồng. Vì thế, tổ đã liên tục đạt được các danh hiệu thi đua các cấp nhiều năm liền”. Năm học 2007-2008 vừa qua, cô Lan vừa vui với niềm vui tổ chuyên môn khối 4+5 của mình một lần nữa đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, vừa vui với niềm vui riêng của bản thân khi đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Tình yêu, trách nhiệm và khát khao cống hiến cho nghề giáo chính là động lực cho mọi cố gắng của cô giáo Nguyễn Phương Lan.
P.V
Các tin khác
Cơn bão số 4 hồi đầu tháng 8 vừa qua đã làm nước sông Hồng dâng cao. Phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) ngập trong biển nước. Lũ lên bất ngờ khiến cho nhiều gia đình thiệt hại rất lớn về tài sản.
YBĐT - Xuất ngũ năm 1971, ông Đỗ Văn Mỹ trở về địa phương và nhiều năm tham gia công tác ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên(Yên Bái). Là thương binh hạng 3/4, sức khỏe giảm sút nhưng trải qua 36 năm công tác, dù ở cương vị nào, ông Mỹ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như giữ vững phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.
YBĐT - Từ sự dám nghĩ, dám làm mà chỉ sau vài năm, anh Phạm Văn Phương ở tổ 13 phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trở thành chủ trang trại nuôi nhím với giá trị hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, đàn nhím cho anh thu nhập trên một triệu đồng. Từ nuôi nhím, anh Phương đã trở thành tỷ phú Mường Lò.
YBĐT - Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh chị Phạm Minh Tiến, chị Cao Thị Hoa đã rời bỏ mặt đường ở phường Nguyễn Thái Học thành phố Yên Bái để vào rừng làm kinh tế, phát triển chăn nuôi lợn, nuôi cá và trồng rừng.