Bỏ phố vào rừng tìm cách làm giàu
- Cập nhật: Chủ nhật, 28/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh chị Phạm Minh Tiến, chị Cao Thị Hoa đã rời bỏ mặt đường ở phường Nguyễn Thái Học thành phố Yên Bái để vào rừng làm kinh tế, phát triển chăn nuôi lợn, nuôi cá và trồng rừng.
Chỉ sau 3 năm cố gắng, chịu khó học hỏi cách làm ăn, gia đình anh chị đã trở thành một trong số 30 hộ gia đình có số đầu lợn và mức doanh thu cao nhất xã từ chăn nuôi lợn.
Nằm độc lập trong khu đồi rộng khoảng 3 ha ở thôn 2 xã Cường Thịnh, gia đình anh chị đã đầu tư nuôi lợn, nuôi cá và trồng rừng nhưng chủ yếu là nuôi lợn. Với 150 đầu lợn, trong đó có 10 con lợn nái, mỗi năm anh chị thu về hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi lợn, chưa kể tiền bán cá và thu hoạch cây rừng.
Vào rừng làm kinh tế, anh chị đã mạnh dạn bán chiếc xe ô tô, đầu tư mua 30 con lợn giống về nuôi thử và chỉ sau 3 tháng, anh chị đã cho xuất chuồng gần 4 tấn lợn hơi, thu về trên 100 triệu đồng. Thấy nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh chị lại tiếp tục đầu tư 80 triệu đồng để xây gần 20 ô chuồng với tổng diện tích chuồng rộng khoảng 600m2.
Do biết cách chăm sóc và thực hiện tốt việc tiêm phòng nên đàn lợn của gia đình anh chị phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Với quy mô chuồng trại và số đầu lợn hiện có, gia đình anh chị trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi của xã bằng nghề chăn nuôi lợn. Ngoài nuôi lợn, anh chị còn trồng hơn 2 ha keo đã 4 tuổi, nuôi cá và trồng cây ăn quả.
Chỉ tính riêng nuôi lợn, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh chị cũng thu lãi được trên dưới trăm triệu đồng. Điều quan trọng để có một mô hình chăn nuôi phát triển tốt đầu tiên phải khâu chọn giống đến kỹ thuật nuôi, rồi việc phân chuồng trại liên hoàn thành nhiều ô như ô lợn nái, lợn đẻ, lợn con, lợn thịt... để tiện lợi cho khâu chăm sóc theo từng giai đoạn.
Cùng với việc phân ô còn phải chú trọng đến chế độ ăn uống sao cho phù hợp cho từng loại lợn. Anh chị còn mua máy xay xát để nghiền ngô, thóc và lấy cám ở Công ty chế biến thức ăn gia súc của tỉnh Hà Tây... Ngoài ra, anh chị còn nấu rượu lấy bỗng rượu trộn với cám cho lợn ăn.
Cùng với việc chú trọng thức ăn cho lợn, công tác tiêm phòng phải theo lịch chặt chẽ để đảm bảo cho việc duy trì số đầu lợn. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại cũng là yếu tố để giúp đàn lợn phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh. Việc tiêu thụ lợn hơi đối với gia đình anh chị không phải lo đầu ra bởi khi đến kỳ xuất chuồng là sẽ có xe đến tận nơi vận chuyển lợn đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường tăng mạnh, giá cám và các loại thức ăn cho lợn cũng tăng, trong khi đó giá bán lợn hơi lại giảm, điều đó đã gây khó khăn cho các gia đình chăn nuôi lợn.
Với khối óc và đôi bàn tay lao động, anh chị Tiến Hoa đã lựa chọn đúng, rời phố vào rừng để phát triển kinh tế lâu dài và bền vững.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những bước đột phá của Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời là một trong những phong trào thi đua của nhà trường thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
YBĐT - Hơn ba giờ sáng, cả thôn 6 của xã Minh Quán (Trấn Yên) còn chìm trong giấc ngủ thì chị Quách Thị Hành đã trở giấc, lọ mọ xuống bếp, nhóm lửa chuẩn bị cho mẻ đậu kịp buổi chợ sớm.
YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Giàng Sông Tu - Bí thư Đảng uỷ xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả của gia đình ông Sùng A Lù, thôn Tấu dưới, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế từ cuộc vận động hạ sơn năm 1995.
YBĐT - Đến xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hỏi tới gia đình lão nông Phan Văn Tý ai cũng biết. Năm nay ông đã bước sang tuổi 70 nhưng vóc dáng trông còn khỏe mạnh. Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) nhưng di cư lên Yên Bái.