Đôi vợ chồng vượt khó làm giàu
- Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Thật không thể tin được là sau bao nhiêu khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ thứ, giờ đây chúng tôi lại có thể có được một cơ ngơi như hiện nay. Tất cả là nhờ sức lao động, nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm của chính mình”. Chị Bùi Thị Dự, vợ anh Nguyễn Xuân Đán ở thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) tâm sự như vậy, khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu trại nuôi cá giống rộng hơn 1ha của gia đình.
Vợ chồng anh Đán, chị Dự giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện về ba ba giống.
|
Quả thực, nếu như được biết hoàn cảnh trước đây của vợ chồng anh chị thì chính chúng tôi cũng không dám tin vào việc ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cùng toàn bộ khu trang trại nuôi cá giống, 2 ao nuôi ba ba thịt, 1 khu chăn thả giết mổ gia súc... là tài sản có được từ đôi bàn tay lao động của anh chị trong suốt những năm qua. Cùng xuất thân từ gia đình thuần nông vùng quê lúa Thái Bình, theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Văn Yên, anh nhập ngũ rồi chuyển ngành cơ khí, còn chị làm công nhân viên ngành đường sắt. Sau khi Nhà nước có Chế độ176 (hồi đó chính sách này thường được mọi người gọi là “nghỉ một cục”), cả hai anh chị đều về nghỉ công tác theo diện này.
Nhớ lại những ngày vất vả đó, anh Đán như trầm ngâm hơn: “Ngày ấy hai vợ chồng nghèo lắm, phải ở nhờ nhà bà cô ruột. Sau mới mượn được ít đất, dành hết số tiền tích cóp cũng chỉ dựng được một cái nhà tạm bằng tre nứa, cuộc sống vô cùng khó khăn. Chúng tôi làm đủ nghề, chồng đi làm thuê, ai mướn gì thì làm nấy, từ đào giếng, tát ao đến phụ hồ, thợ xây đều kinh qua cả. Vợ thì sắm gánh hàng rong bán xôi, chè ở chợ huyện, tối về hai vợ chồng nằm vắt óc suy nghĩ, xem làm thế nào thoát cảnh nghèo khó”.
Rồi anh kể lại cho chúng tôi nghe chuyện cùng bạn bè đi buôn hàng theo tàu chuyến tuyến Lào Cai bị mất cắp hết cả tư trang quần áo và vốn liếng dành dụm, bóng tối đói nghèo lại bao phủ ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ. “Trời không phụ lòng người có tâm” - anh tiếp tục câu chuyện, Cơ hội đã đến với vợ chồng anh khi năm 2000, hợp tác xã đã chia cho diện tích nhỏ đất ruộng để sinh sống. Có ruộng đất, hai vợ chồng bắt tay vào làm lại từ đầu với nghề trồng lúa, rồi vay mượn tiền vốn của anh em, họ hàng và Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư mua máy xay xát, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Dư ra ít nhiều từ nghề xay xát thóc gạo, anh chị lại đầu tư vào nấu rượu, chăn nuôi lợn thịt và giết mổ gia súc...
Công việc này cho thu nhập ổn định hơn, cuộc sống từ đó cũng giảm bớt khó khăn. Tuy vậy, nhìn đồng đất màu mỡ trên quê hương thứ hai của mình, trong thâm tâm anh chị vẫn nung nấu suy nghĩ phải làm giàu được bằng chính sức lao động của mình, ngày đêm canh cánh suy tư cho mục tiêu ấy. May mắn đã thực sự mỉm cười với vợ chồng anh khi chỉ ít lâu sau đó, đơn xin đấu thầu diện tích mặt ao rộng hơn 1ha của anh đã được chính quyền địa phương chấp nhận. Một cơ hội mới nhưng cũng là một thử thách mới, vì thực sự cả hai anh chị đều chưa ai hiểu gì về nghề nuôi trồng thuỷ sản. Thế là anh buộc phải tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo, tham khảo bạn bè về kỹ thuật này. Ngày đầu, kỹ thuật cộng với kinh nghiệm còn non, những lứa cá giống con được con chết, con thì bệnh dịch. Sau này anh chị phải nhờ các cán bộ khuyến nông lâm ngư nghiệp của địa phương tới hướng dẫn về quy cách, kỹ thuật để đúc rút kinh nghiệm, sửa chữa những lỗi đã mắc phải.
Rồi năm 2006, học được cách nuôi ba ba theo chương trình của Hội Cựu chiến binh phát động, nhận thấy phù hợp để áp dụng tại địa phương, anh chị đã đầu tư làm ngay với việc xây dựng 2 ao nuôi thả diện tích gần 300m2, lại sẵn có cơ sở giết mổ gia súc, anh chị tận dụng xương ống làm thức ăn cho đàn baba... Đến ngày hôm nay, trung bình mỗi ngày gia đình anh chị tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định trên 1 triệu đồng/người/tháng. Và với sản lượng trên 10 vạn cá giống mỗi năm bán cho bà con trong vùng và với nhiều bà con trong thôn, anh chưa thu tiền ngay mà cho nợ đến khi cá được thu hoạch mới lấy tiền. Lò giết mổ gia súc hoạt động đều đặn hàng ngày, đàn ba ba bố mẹ đã cho nhiều lứa trứng, ấp nở ra ba ba con với tỉ lệ đạt cao..., trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình anh chị thu lãi gần 100 triệu đồng.
“Mong muốn của chúng tôi bây giờ là các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện quảng bá, giao lưu học hỏi hơn nữa đến những hộ gia đình làm mô hình kinh tế trang trại để sản phẩm của chúng tôi làm ra tiếp cận được với thị trường, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Từ những hiệu quả thiết thực mà chúng tôi thu được, sẽ còn rất nhiều hộ gia đình khác bắt tay vào làm theo, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”. Đó là tâm tư, nguyện vọng không chỉ của riêng gia đình anh Đán, chị Dự mà còn của nhiều hộ gia đình làm kinh tế trang trại khác ở huyện Văn Yên trong giai đoạn “kinh tế trang trại đang thực sự lên ngôi” ở địa phương này.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Từ những ngày đầu nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Nghĩa Lộ, cô giáo Nguyễn Phương Lan đã cuốn ngay theo dòng xoáy của phong trào thi đua dạy tốt học tốt sôi nổi của nhà trường. Vì thế, ngay sau khi kết thúc thời gian tập sự, cô giáo Lan đã không ngần ngại đăng kí tham gia thi giáo viên dạy giỏi.
Cơn bão số 4 hồi đầu tháng 8 vừa qua đã làm nước sông Hồng dâng cao. Phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) ngập trong biển nước. Lũ lên bất ngờ khiến cho nhiều gia đình thiệt hại rất lớn về tài sản.
YBĐT - Xuất ngũ năm 1971, ông Đỗ Văn Mỹ trở về địa phương và nhiều năm tham gia công tác ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên(Yên Bái). Là thương binh hạng 3/4, sức khỏe giảm sút nhưng trải qua 36 năm công tác, dù ở cương vị nào, ông Mỹ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như giữ vững phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.
YBĐT - Từ sự dám nghĩ, dám làm mà chỉ sau vài năm, anh Phạm Văn Phương ở tổ 13 phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trở thành chủ trang trại nuôi nhím với giá trị hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, đàn nhím cho anh thu nhập trên một triệu đồng. Từ nuôi nhím, anh Phương đã trở thành tỷ phú Mường Lò.