Một đời “cõng chữ” lên non

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2010 | 8:57:23 AM

YBĐT - Tình nguyện lên vùng cao Sùng Đô gieo chữ nơi bản Mông, lòng yêu nghề, yêu cả những em bé học sinh người Mông nơi đây đã thôi thúc cô gắn bó với mảnh đất này. Giờ đây, đối với cô, Sùng Đô đã trở thành nhà, trở thành quê hương thứ hai và cô tình nguyện gắn bó cả đời mình với mảnh đất vùng cao đầy nắng và gió. Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Mận, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sùng Đô, xã Sùng Đô (Văn Chấn).

Cô Nguyễn Thị Mận trong giờ lên lớp.
Cô Nguyễn Thị Mận trong giờ lên lớp.

Đêm về trên Sùng Đô thật lạnh. Cũng như nhiều ngôi trường ở vùng cao khác, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Sùng Đô nằm lọt thỏm dưới chân đồi thông, bao quanh là những ngọn núi cao sừng sững, quanh năm sương phủ trắng mờ. Ngoài cổng trường, một căn nhà gỗ 3 gian đã được dựng lên cách đây vài năm khi cô giáo Mận tình nguyện lên đây công tác. Theo lời kể của các thầy, cô nơi đây, trước khi lên với Sùng Đô, cô Mận cũng đã có thâm niên công tác hàng chục năm tại các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải như: Cao Phạ, Dế Xu Phình, Lao Chải… Năm 2005, cô lại tình nguyện lên Sùng Đô giảng dạy.

Thầy Nguyễn Quốc Toản - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi đó, Trường mới thành lập, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên còn rất thiếu. Với kinh nghiệm và lòng yêu nghề, cô Mận cùng các thầy, cô khác đã làm tốt công tác huy động học sinh đến lớp, bảo đảm duy trì được lớp học”. Hơn chục năm gắn bó với vùng cao, với bà con, cô Mận hiểu hơn ai hết những khó khăn đang đợi mình phía trước. Bởi Sùng Đô là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn với 100% đồng bào dân tộc, trong đó người Mông chiếm tới 99%. Giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, lại chưa có điện lưới quốc gia nên việc dạy chữ và huy động, duy trì học sinh đến lớp càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Với những người làm công tác “trồng người” nơi vùng cao, giảng dạy không phải là công việc duy nhất mà họ phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác từ lo nơi ăn, ở cho học sinh bán trú đến huy động học sinh ra lớp. Trải qua mấy chục năm trong nghề, công tác ở nhiều nơi, cô Mận cũng không nhớ nổi mình đã leo bao nhiêu con đèo, lội qua biết bao con suối, đến bao nhiêu ngôi nhà để vận động con em đồng bào đi học. Ở Sùng Đô, tập quán của đồng bào còn lạc hậu, cuộc sống chủ yếu dựa vào phát nương, làm rẫy. Vì thế, sau mỗi dịp tết, nghỉ hè là cô Mận cùng các thầy, cô lại leo đồi, vượt suối đến từng nhà vận động con em đồng bào Mông đi học. Nhiều nơi cách trung tâm xã gần 20 km, các thầy, cô phải khăn gói đi vài ba ngày mới trở về.

Cô Mận nhớ lại: “Vào những ngày mùa, chúng tôi phải dậy sớm, đốt đuốc đến “gom” từng học sinh đến lớp. Vì nếu đi muộn thì không gặp bởi chúng sẽ theo gia đình lên nương”. Không chỉ là đường xa, giao thông cách trở mà để vận động, giao tiếp được với đồng bào dân tộc thì mỗi giáo viên phải tự trang bị cho mình vốn ngôn ngữ của đồng bào. Với cô Mận, gần nửa đời mình đã gắn bó với bà con người Mông nên dần dần cô đã có thể đọc thông, viết thạo chữ Mông. Thầy Toản cho biết thêm: "Nhờ đọc thông, viết thạo chữ Mông nên trong những buổi đi huy động học sinh đến lớp thường phải có sự tham gia của cô Mận. Đồng thời, cô còn đảm nhiệm thêm cả việc dạy chữ Mông cho học sinh".

Tình nguyện lên Sùng Đô 5 năm nhưng yêu nghề, thương học sinh, đồng cảm với các thầy, cô nơi đây, cô Mận đã quyết định ở lại. Cô nói: “Khó khăn thì nhiều nhưng vì yêu nghề, yêu đồng bào nơi đây nên tôi sẽ tiếp tục ở lại. Họ vẫn còn nghèo đói lắm! Chỉ có giúp họ đọc thông viết thạo, tiếp xúc với các tiến bộ kỹ thuật, làm thay đổi nhận thức của họ thì miền quê này mới phát triển được”. Năm học 2009 - 2010 vừa qua, Trường TH&THCS Sùng Đô mở được 21 lớp học với 468 học sinh.

Tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,3%, tỷ lệ tốt nghiệp 100%, đây quả là một con số không tồi với một xã mà tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 40%. Thầy Hoàng Đình Tuyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học vừa qua, Trường đã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Đó chính là thành quả của cô giáo Mận cùng toàn thể các thầy, cô giáo trong trường”.

Chia tay Sùng Đô, chia tay các thầy, cô trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này, chúng tôi thầm cảm phục nghị lực, trách nhiệm của những người làm công tác “trồng người” nơi đây. Đối diện với khó khăn, thiếu thốn trăm bề, vượt đèo lội suối để huy động học sinh đến lớp - đó chính là công việc mà cô giáo Mận cũng như nhiều thầy, cô vẫn đang làm để gieo cái chữ cho con em dân tộc Mông trên mảnh đất vùng cao Sùng Đô.

Hùng Cường

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục