Bông hoa trong rừng hoa đẹp

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/12/2010 | 9:52:24 AM

YBĐT - Khi Đảng ủy xã triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên của mình cùng làm theo tấm gương của Bác.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công (Trạm Tấu) Hảng Thị Dông (người đứng) trao đổi công tác hội với các hội viên thôn, bản.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công (Trạm Tấu) Hảng Thị Dông (người đứng) trao đổi công tác hội với các hội viên thôn, bản.

Bông hoa trong rừng hoa đẹp, đó chính là Hảng Thị Dông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công, huyện Trạm Tấu - người vừa vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban chỉ đạo cuộc vận động Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

Hảng Thị Dông người phụ nữ dân tộc Mông sinh năm 1984, tại xã Bản Công, huyện Trạm  Tấu. Năm 11 tuổi, Dông mới được đi học chữ. Vượt lên  tất cả những quan niệm lạc hậu của người phụ nữ Mông, cứ 14 - 15 tuổi phải lấy chồng, là một trong bốn phụ nữ ở xã học hết lớp 12 nên Hảng Thị Dông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.  Biết rõ việc học chữ rất quan trọng nên chị đã vận động các gia đình cho con em đủ tuổi đến trường. Không những thế, chị Dông còn vận động nhiều chị em trong bản, ai chưa biết chữ thì đi học, ai biết rồi thì tiếp tục phải học.

Đối với nhiều chị chưa chịu đi học và có suy nghĩ: cái chữ có đẻ ra được gạo, được ngô để ăn đâu? Chị Dông đã giải thích, thuyết phục mọi người rằng: nếu không biết cái chữ thì không biết cách làm ăn, không phát triển được kinh tế, đời sống không khá được. Với sự kiên trì nỗ lực vận động,  trong những năm gần đây, chị cùng các hội viên đã vận động được rất nhiều gia đình cho trẻ đến trường và nhiều phụ nữ trong xã  đi học.

Xã Bản Công quê chị trước đây nghèo lắm. Cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đeo bám người dân suốt đời này sang đời khác. Trồng cây anh túc không làm cho cuộc sống của họ thay đổi, sung sướng mà ngược lại chỉ làm cho họ đói khổ. Lớn lên chứng kiến những khốn khó trên mảnh đất ấy, chị đã kiên trì đến những gia đình có người nghiện và trồng cây anh túc vận động họ cai nghiện, phá bỏ nương  anh túc.

Đến bản Tà Xùa, có gia đình không những không nghe mà còn ném đá vào chị, song với tình cảm, nhiệt huyết, kiên trì chị đã thuyết phục được gia đình đó tự tay phá bỏ mảnh nương trồng thuốc phiện và đi cai nghiện. Không chỉ vậy, chị còn tích cực vận động bà con trong bản làm tốt công tác vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa, chăm sóc bảo vệ rừng, khuyến khích bà con trồng chè Shan để phát triển kinh tế ...

Khi Đảng ủy xã triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên của mình cùng làm theo tấm gương của Bác. Chị đến từng nhà vận động chị em tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, sinh đẻ có kế hoạch.

Mới đầu rất ít chị em hưởng ứng, song từ thuyết phục, giáo dục và nêu gương, với suy nghĩ “Mình có gương mẫu, cuộc sống gia đình mình có tốt, có khá thì mọi người mới nghe và làm theo mình”. Gia đình chị mỗi năm  trồng cấy 1 ha lúa nương, 0,6 ha lúa ruộng, 0,5 ha các loại rau màu khác. Ngoài công tác xã hội, chị thực hiện tốt  vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Gia đình chị hạnh phúc với 2 đứa con xinh xắn, thích học chữ.

Không chỉ riêng mình có nghị lực vượt lên, chị  luôn động viên, chia sẻ giúp đỡ chồng hoàn thành chương trình tại Trường Đại học Tây Bắc. Nhỏ nhắn, tươi tắn trong bộ trang phục rực rõ sắc màu của phụ nữ Mông, chị nhiều lần được vinh danh, là một trong những gương mặt tiêu biểu thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Yên Bái và cả nước.

Thật chân thực khi nghe chị tâm sự: "Khi mới triển khai cuộc vận động đã nghĩ  tấm gương đạo đức của Bác cao cả, trong sáng  quá, làm sao chúng ta học tập và làm theo được? Nhưng  học, tìm hiểu và suy nghĩ  tấm gương đạo đức  của Bác đã soi sáng cho tôi nhận thức:  học và làm theo Bác không ở đâu xa, ngay trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc nhỏ, thiết thực nhất. Học ở Bác đức tính hy sinh, nêu gương cho mọi người. Tôi đã nhận thấy, cuộc vận động mở ra hướng đi cho chị làm tốt hơn vai trò của một Chủ tịch Hội phụ nữ".

Cuộc sống mới ngày ngày khởi sắc trên quê hương vùng cao của chị. Chị tâm sự sẽ tiếp tục vận động nhiều người làm theo tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác, xây dựng quê hương Trạm Tấu ngày thêm ấm no, hạnh phúc.

 Hoàng Ngọc Hà

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục