Người ươm mầm xuân trên đỉnh Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/1/2011 | 2:50:07 PM

YBĐT - Trường Mầm non xã Suối Giàng (Văn Chấn) giờ đã khang trang sạch sẽ và bi bô tiếng trẻ học bài nhưng ít người biết rằng để có được ngôi trường là cả sự cố gắng và nỗ lực của tập thể nhà trường và cô giáo Lại Thị Hiền – Hiệu trưởng nhà trường.

Cô giáo Hiền chăm sóc các em nhỏ Trường Mầm non xã Suối Giàng.
Cô giáo Hiền chăm sóc các em nhỏ Trường Mầm non xã Suối Giàng.

Mười năm trước, muốn lên Suối Giàng người ta phải mất ít nhất 4 tiếng đi bộ trên con đường gập ghềnh sỏi đá. Và cũng mười năm trước, Suối Giàng chưa có lớp mầm non. Những em bé người Mông ngày ngày theo cha mẹ lên nương từ lúc mặt trời chưa kịp nhô lên khỏi đỉnh núi cho đến khi mặt trời đi ngủ, để thay đổi được tập quán đó không phải là điều dễ dàng.

Khi lên Suối Giàng nhận công tác, mọi thứ đối với cô giáo Hiền thật khó khăn bởi cô chưa biết mình sẽ phải làm gì và bắt đầu từ đâu để hoàn thành nhiệm vụ. Việc đầu tiên của cô Hiền là học tiếng Mông để vận động người dân địa phương cho con đến lớp và dạy học cho các em nhỏ. Những năm tháng đó, vận động trẻ em người Mông đi học tiểu học cũng rất gian nan chứ chưa nói gì đến đi học mẫu giáo.

Trong suy nghĩ của người dân vùng đất này, những đứa trẻ 8 - 9 tuổi cầm bút còn ngượng nghịu thì sao một em bé 5 tuổi có thể tới lớp nên ít người muốn đưa con đến lớp của cô Hiền. Không lùi bước trước khó khăn, tối tối, cô Hiền đến từng nhà để trò chuyện để hiểu hoàn cảnh từng gia đình, vận động đồng bào cho con tới trường thay vì theo cha mẹ lên nương. Cô Hiền không nhớ mình đã đến bao nhiêu gia đình, đi bao nhiêu buổi tối để đến được các bản Giàng A, Giàng B, Bản Mới, Giàng Cao, Suối Lóp, Pang Cáng… 

Cứ như thế ngày này qua ngày khác, rồi lớp mầm non đầu tiên cũng được lập nên với 30 em. Ngày đầu đến lớp, vẻ lạ lẫm xen lẫn sợ sệt hiện rõ trong ánh mắt của các em khi nhìn cô giáo trẻ. Có lẽ không ở đâu lại có những lớp mầm non đặc biệt như lớp mầm non của cô giáo Hiền những ngày chưa xa ấy. Suối Giàng lạnh ngay cả trong mùa hè, nên vào những ngày trời rét, cô giáo và các học sinh bé nhỏ học xung quanh bếp lửa hồng vì các em chỉ có đôi chân trần và manh áo cộc đến lớp. Bên bếp lửa ấy, cô đã dạy các em từ những điều đơn giản nhất như chào cô giáo, chào các bạn rồi cô kể chuyện cổ tích về những xứ sở tươi đẹp, vá lại cho các em chiếc áo rách và rửa những đôi tay nhỏ xinh cho sạch sẽ. Những ngày nắng ấm, cô và trò ra sân chơi trò chơi, tập hát và tập múa.

Qua những ô cửa sổ lớp học, luôn thấp thoáng bóng phụ huynh chăm chú nhìn cô Hiền dạy các em. Vất vả là vậy nhưng đồng lương giáo viên mầm non ngày đó của cô chỉ vẻn vẹn 80.000 đồng/tháng. Cuộc sống chẳng lấy gì làm dư dả nhưng cô luôn sẵn lòng chia sẻ với học sinh những bữa cơm đạm bạc, cho các em ngủ cùng khi bố mẹ đi nương xa. Có lẽ chỉ có tình yêu thương con trẻ và lòng yêu nghề mới giúp cô vượt qua những tháng năm muôn vàn khó khăn và đầy nhọc nhằn ấy để bám trường, bám lớp. Cô vui biết bao nhiêu khi nhìn thấy sự tiến bộ của các em hàng ngày.

Những gia đình có con em đi học lớp cô Hiền cũng vui lây bởi các em nhanh nhẹn và hoạt bát hơn bạn cùng trang lứa. Cứ như vậy, ngày càng có thêm nhiều người tự nguyện đưa con đến gửi cô giáo Hiền. Lớp học nhỏ của cô cứ đông dần, đông dần.

Năm học 2003 - 2004, cô đã tổ chức thành công Hội thi bé khỏe bé ngoan tại xã. Cô nhớ lại: “Sau ba năm lên đây công tác, mình cần phải xem đã làm được những gì. Bởi đi thi các em phải biểu diễn văn nghệ bằng tiếng phổ thông mà. Hội thi diễn ra, dân bản đi xem còn đông hơn cả xem chiếu bóng phần vì háo hức phần vì tò mò”. Và khi xem những đứa trẻ vùng cao mới ngày nào chỉ biết theo cha mẹ đi nương, nay lên sân khấu biết hát, biết múa, nhiều người mừng đến rơi nước mắt. Giờ thì họ đã tin cô giáo Hiền làm được điều diệu kỳ cho đám trẻ nhỏ ở vùng cao này và những người dân bản chất phác cầm tay cô và bảo: “Cô giáo ơi, cô mở thêm lớp ở bản mình đi, mình sẽ cho con đi học”. Nghe những lời ấy, lòng cô giáo Hiền như ấm lại.

Thấm thoắt đã sang mùa xuân thứ mười cô Hiền lên với trẻ em Suối Giàng. Mỗi mùa xuân qua, vùng đất này thêm nhiều đổi thay và ở nơi đó có những người như cô giáo Hiền vẫn ngày đêm cần mẫn ươm mầm xuân trên đỉnh non cao.

Hồng Khanh

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục