Người cao quý của nghề cao quý
- Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2013 | 10:07:25 AM
YBĐT - Thầy giáo Lê Văn Sơn và cô giáo Đinh Thị Điều là hai trong tám Nhà giáo ưu tú của tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu năm 2012.
|
Một đời và một nghề
Thầy giáo Lê Văn Sơn - Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái - người đã có 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Thái Nguyên) khóa 1968 - 1972, thầy Sơn vẫn nhớ như in niềm hân hoan khi được nhận về giảng dạy tại Trường Trung học Sư phạm Yên Bái. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy tự hứa sẽ cố gắng tìm phương pháp dạy học hiệu quả để giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt nhất. Thầy không thể quên những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào...
Ngày đó, điều kiện giảng dạy và học tập vô cùng khó khăn song luôn tràn đầy tình cảm yêu thương của thầy và trò. Thầy và trò đã cùng cố gắng, nhiều thầy cô phải làm thêm nghề phụ để kiếm sống, vượt qua gian khổ để dạy tốt - học tốt.
Năm 1982, thầy Sơn được điều chuyển về giảng dạy tại Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý của tỉnh rồi làm Phó phòng, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Yên Bái. Năm 2000 - 2005, thầy Sơn làm Phó phòng Giáo dục phổ thông và từ năm 2006 - 2011 là Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái.
Giữ cương vị Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, thầy đã thể hiện vai trò gương mẫu và năng lực của người quản lý, năng động, sáng tạo, có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thầy xây dựng Đề án “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2015” được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và UBND tỉnh ban hành quyết định đang được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Một điều thầy luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời làm nghề: người thầy phải tâm huyết, say nghề, có trách nhiệm với nghề, không vì những cám dỗ của cuộc sống mà quên đi cái “tâm” của mình.
Nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2007 - 2008 và có nhiều thành tích về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2010.
Năm 2012, thầy được vinh danh Nhà giáo ưu tú. Thầy Sơn chia sẻ: “Được vinh danh Nhà giáo ưu tú vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của bản thân tôi. Đó cũng chính là động lực giúp tôi tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người”.
Hạnh phúc làm nghề
Cô giáo Đinh Thị Điều, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (Lục Yên) là người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của tỉnh Yên Bái năm 2012.
44 năm tuổi đời, 24 năm tuổi nghề, tình yêu luôn rực cháy khi cô tâm sự về chuyện nghề, chuyện trò. Cô Điều đã từng tham gia giảng dạy ở nhiều trường trên địa bàn huyện Lục Yên. Với năng lực chuyên môn, cô là Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 4 - 5 trong nhiều năm của Trường Tiểu học Trần Phú.
Thực hiện hiệu quả công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém nên tỷ lệ học sinh khá, giỏi của lớp cô chủ nhiệm và Tổ chuyên môn phụ trách hàng năm đạt từ 50% - 65%, luôn dẫn đầu phong trào thi đua của nhà trường và toàn ngành, đạt danh hiệu tập thể xuất sắc nhiều năm liên tục.
Cô cũng là một trong số những giáo viên cốt cán được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, của huyện. Tận tâm với nghề, mỗi bài giảng của cô đã tạo hứng thú cho học sinh bởi cách truyền đạt dễ hiểu, hấp dẫn và sinh động.
Đã có 75 học sinh được cô bồi dưỡng đã đạt giải học sinh giỏi các cấp và cô vinh dự được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Lục Yên tặng giấy khen. Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, cô dành thời gian quan tâm và động viên đồng nghiệp, chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô giáo Lê Thị Hợp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú nhận xét: “Điểm nổi bật ở cô giáo Đinh Thị Điều là một giáo viên mẫu mực, có tài năng sư phạm, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Cô đã gieo niềm hứng thú và khơi gợi được niềm say mê, sáng tạo của học sinh”.
Cô Điều còn có nhiều đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao, áp dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy. Cô đã xây dựng các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm và sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học được xếp loại A như sáng kiến “Rèn kỹ năng giải Toán lớp 5”, “Một số biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Việt”...
Nỗ lực trong chuyên môn, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được nhận Bằng khen “Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia” của Bộ Giáo dục & Đào tạo, bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Các thầy giáo, cô giáo không chỉ là “người lái đò” đưa bao thế hệ học sinh bước vào cuộc đời mà còn để xã hội luôn nhìn nhận, coi trọng nghề giáo mãi mãi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói. Riêng tôi, xin được trân trọng gọi các nhà giáo ưu tú là những người cao quý của nghề cao quý.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Đối với kỹ sư Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà ở thôn Nam Thọ, xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) thì suốt cuộc đời, ông chỉ có một niềm đam mê là nghiên cứu, sáng tạo các loại thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
YBĐT - Thu nhập khá từ trồng cam, quýt trên đất đồi của hộ gia đình anh Chu và chị Khách cho thấy, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tân Phượng và đó cũng là một thực tế có thể nghiên cứu để khôi phục lại vùng cam, quýt nổi tiếng của Lục Yên.
YBĐT - Ra mắt thành công Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba” và đã 3 năm liên tục (2010 - 2012) xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái không có người sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả trên có được là bởi có những đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Huệ - cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ.
YBĐT - Năm nay đã bước vào tuổi 83 nhưng thương binh nặng hạng 2/4 Phạm Văn Xiển ở tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình.