Tết Trung thu xưa và nay

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2013 | 8:53:23 AM

YBĐT - Khi đất trời chuyển mình sang thu làm dịu đi cái nóng oi ả của mùa hè cũng là mùa Trung thu về. Vẫn là ông trăng tròn ấy, vẫn là sự tích về cây đa, chú Cuội và chị Hằng, song Trung thu trong mắt trẻ con ngày nay khác hẳn với trẻ con xưa.

Đèn ông sao tuy không được ưa chuộng nhưng vẫn là  biểu tượng không thể thiếu vào mỗi dịp Trung thu.
Đèn ông sao tuy không được ưa chuộng nhưng vẫn là biểu tượng không thể thiếu vào mỗi dịp Trung thu.

Các em không còn háo hức chờ đón Tết Trung thu để trông trăng, ăn bánh nướng, bánh dẻo, để được xem múa sư tử và rước đèn ông sao hay đèn kéo quân nữa… Trung thu nay đã khác xưa nhiều.

Tết Trung thu của ngày xưa thật ấm cúng và tràn đầy tình thân với những trò chơi dân gian truyền thống. Với những gia đình khó khăn hơn thì bố mẹ sẽ tự lấy hồ, tre, giấy màu, nến… để làm đèn ông sao, làm mặt nạ giấy để con mình cũng có đèn ông sao rước, có mặt nạ để đeo trong đêm Trung thu như bao trẻ em khác. Còn bọn trẻ vui khôn tả bởi trước đó hàng tháng chúng đã nhặt hạt bưởi về phơi khô rồi xâu thành chuỗi để dành đến Trung thu mang đốt.

Chuẩn bị đón đêm rằm, nhà nào cũng chuẩn bị bữa cơm tối sớm hơn mọi khi. Sau đó quét sân thật sạch, trải chiếc chiếu rộng nhất ra, treo đèn ông sao, đèn kéo quân lên, châm đèn, đốt nến và bắt tay vào bày mâm ngũ quả thật thịnh soạn để cúng ông bà. Trẻ em quây quần xung quanh hát múa, kể chuyện cổ tích rồi trông lên trời đợi để ngắm cây đa, chú Cuội và chị Hằng.

Khi trăng lên tới đỉnh đầu, vầng trăng tròn nhất cũng là giây phút phá cỗ bắt đầu. Sau khi thỏa thích ăn bánh kẹo, lũ trẻ sẽ nối đuôi nhau đi rước đèn vừa đi vừa hát vang bài “Chiếc đèn ông sao” trong ánh nến lung linh điểm thêm những đốm sáng xanh của hạt bưởi cháy rồi thưởng thức những màn múa lân, múa sư tử cảm thấy vô cùng hãnh diện và tự hào.

Những năm gần đây, cái thú tự làm đèn ông sao cho con trẻ đã mất dần, không còn thấy ai đi gom nhặt những hạt bưởi về phơi khô để đốt nữa mà thay vào đó là những đồ chơi hiện đại, đồ chơi Trung Quốc bắt mắt được bày bán tràn lan trên thị trường. Trẻ con không còn thích thú với những thứ đồ chơi “quê mùa” mà chúng chờ đợi được cha mẹ đưa đi mua những món quà đắt tiền chốn thị thành.

Theo đó, mặc dù đèn ông sao, đèn kéo quân cũng được bày bán kèm với các loại đồ chơi của Trung Quốc, song do mẫu mã không bắt mắt nên bọn trẻ thời nay không lựa chọn. Thị trường đồ chơi cũng như bánh kẹo phục vụ tết Trung thu được các nhà sản xuất tung ra từ rất sớm, nhưng sự háo hức của con trẻ trước đêm rằm đã không còn được vẹn nguyên như trước đây.

Còn ở các gia đình hiện đại, mâm cỗ đêm rằm cũng đã phai nhạt dần, không còn đủ đầy hương vị của tết Trung thu nữa, cũng còn rất ít gia đình coi đây là dịp đoàn viên rồi cùng nhau phá cỗ, trông trăng. Trẻ em không còn nối đuôi nhau đi rước đèn ông sao  mà được người lớn đưa đi chơi công viên, siêu thị.

Cuộc sống của con người ngày càng đủ đầy nên không khí của tết Trung thu giờ chỉ được cảm nhận như một ngày bình thường trong năm.  Tuy nhiên, tết Trung thu vẫn là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, nếu người lớn không gieo vào trong suy nghĩ con trẻ lòng tự hào dân tộc, những truyền thống quý báu để các em hiểu trọn vẹn về ngày tết Trung thu thì nét văn hóa đó sẽ dần bị mai một. Hội nhập để phát triển nhưng những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy.

Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ hãy trang bị cho con em mình những kiến thức về văn hóa truyền thống để rồi các em tự ý thức về những điều cần làm với những giá trị quý báu của dân tộc.

Thanh Chi

Các tin khác

YBĐT - Còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2013, một năm đầy khó khăn và thử thách nhưng cũng ghi nhận sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu vượt khó khăn giành nhiều thành tựu trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể, giữ vững quốc phòng - an ninh; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Năm học mới đã đến, cùng với nỗi lo về quần áo, sách vở, bút mực cho con em đến trường học tập là nỗi lo về an toàn giao thông (ATGT) học đường của tất cả các cấp, các ngành, các thầy cô và mỗi gia đình học sinh.

YBĐT - Những năm qua, chúng ta đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ “Xã hội hóa giáo dục”, nhưng để hiểu và vận dụng cho đúng khái niệm này trong thực tế là một vấn đề đáng bàn.

YBĐT - Càng gần đến ngày khai giảng năm học mới càng thấy giới phụ huynh học sinh râm ran. Bàn lắm, luận nhiều thành dư luận khiến không ít các vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện) giật mình, hồi hộp, lo lắng: họ đề nghị phụ đạo cho... ban đại diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục