Phụ đạo cho... ban đại diện!

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2013 | 10:18:52 AM

YBĐT - Càng gần đến ngày khai giảng năm học mới càng thấy giới phụ huynh học sinh râm ran. Bàn lắm, luận nhiều thành dư luận khiến không ít các vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện) giật mình, hồi hộp, lo lắng: họ đề nghị phụ đạo cho... ban đại diện.

Phụ đạo là việc thầy cô giáo bồi dưỡng kiến thức cho học sinh học lực yếu, kém ngoài giờ học, giúp các em cải thiện học lực chứ ban đại diện là những phụ huynh được cử ra phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục, hà cớ gì lại phải phụ đạo? Thế mà số đông lại tán thành với ý kiến tréo ngoe này, một số lại cho rằng đó là việc dở (trừ một số im lặng, cười cười).

Dư luận thế nhưng ai là chủ kiến? Thật khó mà tìm ra chủ kiến vì đây chẳng phải chuyện nói chơi, nó liên quan đến chính con em họ đang học hành. Vậy thì cứ nói thẳng ra, những cái được mà ban đại diện gánh vác cùng nhà trường đáng trân trọng, biểu dương: việc học của học sinh quy củ hơn; phối hợp quản lý, dạy bảo học sinh với nhà trường tốt hơn; tốt trông thấy là huy động tham gia, đóng góp của phụ huynh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học hành của con em họ. Nhưng chính cái tốt trông thấy này lại sinh ra râm ran, thành dư luận, ấy là những khoản đóng góp cho các nhà trường (công lập) trong năm học mà ban đại diện là... đại diện.

Soi vào Điều lệ, ban đại diện không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không được thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện như bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh trường lớp; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình...

Quy định như vậy nhưng xem ra nhiều khoản tiền đóng góp của phụ huynh học sinh trong năm học ít nhiều đều có trong danh mục cấm này cả. Vậy mà, có nơi, khi họp phụ huynh đầu năm, nhiều khoản thu đó lại được đưa ra lấy ý kiến với sự "cầm càng" của không ít ban đại diện và đã "thành công". Đôi ba năm trước, ở thành phố Yên Bái, có ban đại diện ở trường tiểu học, mầm non nọ vận động phụ huynh đóng góp mà dư luận gọi hài hước là "xây dựng lớp học theo... yêu cầu".

Ban đại diện vận động phụ huynh góp tiền trang bị máy điều hòa cho lớp học trong khi hầu hết phụ huynh là người lao động, cuộc sống khó khăn hoặc công chức nghèo, đồng lương ít ỏi. Nhà trường có vẻ vô can vì đây là việc nội bộ và "tự nguyện" của phụ huynh mà ban đại diện là ... đại diện. Các khoản thu góp đầu năm, trong đó có nhiều khoản vô lý cứ thế đè nặng lên vai phụ huynh học sinh mỗi năm, khiến họ bức xúc cao độ nhưng "tất cả vì con em" nên số đông khi ban đại diện lấy ý kiến thì nén kìm, nể nọ, ngại kia mà theo nhau đồng ý.

Đồng ý rồi mà lại còn râm ran thành dư luận đòi phụ đạo cho... ban đại diện? Ừ rằng ý kiến này có lý đi thì ai sẽ giúp các phụ huynh học sinh phụ đạo cho ban đại diện đây? Tưởng khó nhưng cũng không khó: Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với ủy ban nhân dân kiểm tra hoạt động của ban đại diện, chấn chỉnh kịp thời vi phạm trong việc thực hiện Điều lệ ban đại diện.

Và nữa, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định Điều lệ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng chỉ phụ đạo cho ban đại diện có công bằng không? Có lẽ, phụ huynh học sinh cũng phải được... phụ đạo. Vì sao? Vì khi ban đại diện đưa danh mục các khoản thu để lấy ý kiến (trong đó có cả những khoản thu vô lý) hầu hết các vị đều không phản đối, gật đầu đồng ý cả. Thế là phụ huynh cũng chưa nắm rõ và có ý thức "học và làm theo quy định".

Xem ra, phụ đạo bây giờ không chỉ còn là chuyện của riêng học sinh nữa rồi!

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay, công tác chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lao động theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm chỉ còn 45% dân số được xác định là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Yên Bái.

Cô và trò Trường Mầm non Chau Quế Hạ, Văn Yên tập dượt cho lễ khai trường.

YBĐT - Hiện nay, việc các trường tổ chức cho học sinh bước vào học chính khóa ngay từ trung tuần tháng 8 đã khiến cho ngày mùng 5 tháng 9 - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường dần trở nên thiếu hẳn đi sự háo hức và cảm xúc thiêng liêng trong lòng con trẻ...

YB ĐT - Trẻ sinh ra được bú sữa mẹ tưởng như là chuyện hiển nhiên, song số liệu thống kê gần đây của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Yên Bái cho thấy: số trẻ trên địa bàn tỉnh mới sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu mới chỉ chiếm 12 - 13%, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì có 12 - 13 trẻ được bú sữa mẹ, như vậy là quá ít.

YBĐT - Những năm gần đây, thực hiện các cuộc vận động: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực”... cùng với ngành giáo dục - đào tạo cả nước, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã triển khai các cuộc vận động và các phong trào thi đua đến các trường học, ngành học trong tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục