Hiểu đúng bản chất của xã hội hóa giáo dục
- Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2013 | 2:18:04 PM
YBĐT - Những năm qua, chúng ta đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ “Xã hội hóa giáo dục”, nhưng để hiểu và vận dụng cho đúng khái niệm này trong thực tế là một vấn đề đáng bàn.
Với khá đông người dân và không ít cán bộ, xã hội hoá giáo dục (XHHGD), được hiểu một cách đơn giản và phiến diện là huy động sự đóng góp bằng tiền của dân vào sự nghiệp giáo dục, là tăng học phí ở các cấp học, bậc học, là đa dạng hoá loại hình và ...hết!
Điều này đã khiến nhiều cuộc vận động góp sức cho sự nghiệp giáo dục đã bị lệch hướng. Vậy nên phải xác định và hiểu đúng bản chất của XHHGD là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục. Xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp địa phương và của từng người dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế xã hội lành mạnh thuận lợi cho hoạt động giáo dục. Là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực lực, vật lực và tài lực trong xã hội, phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này.
Như vậy, XHHGD là cách làm giáo dục được xác định bởi các đặc điểm sau: đó là việc huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành có liên quan đến giáo dục vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục. Sự huy động này không phải nhất thời mà là thường xuyên theo một cơ chế vận hành xác định, xây dựng từ cấp Trung ương đến địa phương trên cơ sở một chiến lược phát triển giáo dục lâu dài cho cả nước cũng như cho mỗi địa phương, địa bàn dân cư nhất định. Là việc huy động các lực lượng của cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục.
Các lực lượng xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội khuyến học…có thể tham gia rộng rãi vào nhiều lĩnh vực hoạt động giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, làm cho giáo dục gắn bó với cộng đồng, do cộng đồng thực hiện và vì lợi ích của cộng đồng. Là đa dạng hóa các hình thức giáo dục và các loại hình nhà trường.
Việc mở rộng, phát triển các loại hình bán công, dân lập, tư thục bên cạnh trường công lập vốn là hình thức độc tôn trước đây đã mở ra khả năng huy động nhiều lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục, tạo điều kiện cho công tác giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước.
XHHGD còn là việc mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Đây không những là chính sách lâu dài trong thực hiện các chính sách xã hội của Đảng ta mà còn là biện pháp cần thiết trong giai đoạn Nhà nước chưa có đủ kinh phí cần thiết cho các hoạt động giáo dục.
Phần lớn ngân sách giáo dục được dùng chi trả lương cho giáo viên (80%), một phần chi cho xây dựng cơ sở vật chất nên các hoạt động giáo dục khác còn lại quá ít. Nguồn tài chính huy động qua cuộc vận động XHHGD là nguồn tài chính do các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội…tự nguyện đóng góp để phát triển giáo dục. XHHGD không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm và vai trò của Nhà nước. Trái lại, XHHGD chỉ có thể thực hiện thành công khi có sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng, sự quản lí chặt chẽ của Nhà nước và vai trò chủ động nòng cốt của ngành giáo dục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XHHGD vẫn còn hạn chế so với tiềm năng mà nó có thể mang lại. Đó là do nhận thức và chính sách xã hội hóa chưa phù hợp. Đặc biệt, nhiều nơi, nhiều đơn vị cá nhân vẫn còn quan niệm xã hội hóa chỉ là thu tiền hoặc cố tình lợi dụng chủ trương xã hội hóa để gây ra tình trạng lạm thu. Do vậy, XHHGD đang bị lạm dụng và bóp méo, dẫn đến tình trạng lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính về phía người dân. Vì thế, chúng ta nên cùng nhìn lại bản chất của XHHGD để có những chấn chỉnh hợp lý hơn trong công tác XHHGD hôm nay.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Càng gần đến ngày khai giảng năm học mới càng thấy giới phụ huynh học sinh râm ran. Bàn lắm, luận nhiều thành dư luận khiến không ít các vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện) giật mình, hồi hộp, lo lắng: họ đề nghị phụ đạo cho... ban đại diện.
YBĐT - Hiện nay, công tác chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lao động theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm chỉ còn 45% dân số được xác định là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Yên Bái.
YBĐT - Hiện nay, việc các trường tổ chức cho học sinh bước vào học chính khóa ngay từ trung tuần tháng 8 đã khiến cho ngày mùng 5 tháng 9 - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường dần trở nên thiếu hẳn đi sự háo hức và cảm xúc thiêng liêng trong lòng con trẻ...
YB ĐT - Trẻ sinh ra được bú sữa mẹ tưởng như là chuyện hiển nhiên, song số liệu thống kê gần đây của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Yên Bái cho thấy: số trẻ trên địa bàn tỉnh mới sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu mới chỉ chiếm 12 - 13%, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì có 12 - 13 trẻ được bú sữa mẹ, như vậy là quá ít.