Việc giảm số lượng thôn, cán bộ chuyên trách, không chuyên trách nhằm tinh gọn tối đa bộ máy, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII hết sức đúng đắn và cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có những vấn đề rất cần được xem xét thấu đáo để đảm bảo sự sắp xếp khoa học, ổn định và phát triển lâu dài.
Theo Thông tư số 09/2017/TT - BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT - BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố đã quy định cụ thể: đối với vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ trở lên; đối với tổ dân phố, vùng đồng bằng có từ 500 hộ gia đình trở lên; vùng miền núi hải đảo có từ 300 hộ gia đình trở lên.
Các điều kiện khác là thôn và tổ dân phố cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.
Như vậy, theo Thông tư, đối với Yên Bái, thôn ít nhất phải có từ 200 hộ và tổ dân phố từ 300 hộ trở lên, đối với trường hợp đặc thù có quy định riêng. Có thể nói, quy định về số lượng hộ này đều phù hợp với thực tế, được cán bộ, người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, chính quy định "cứng” về số lượng hộ đã dẫn đến việc chia tách, sáp nhập cấp thôn tại một số nơi có những vấn đề phát sinh. Lấy số hộ là tiêu chí hàng đầu, các địa phương đã lên phương án để triển khai, trong đó, nhằm tinh gọn tối đa bộ máy, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, góp phần giảm chi ngân sách, nhiều địa phương phấn đấu nâng số hộ cao hơn so với quy định của Thông tư 09 - đây là việc tốt, đáng hoan nghênh.
Nhưng thực tế, cấp thôn trên địa bàn tỉnh trung bình chỉ trên 100 hộ, do đó, để đảm bảo tiêu chí từ 200 hộ đối với thôn và 300 hộ trở lên đối với tổ dân phố, việc cắt - nhập sẽ phải thực hiện. Trên lý thuyết, việc cắt thôn này để sáp nhập vào thôn khác vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại rất phức tạp và động chạm.
Ví dụ, thôn A, B, C của xã H trung bình mỗi thôn có trên 150 hộ, 3 thôn có 450 hộ, theo đó, trên lý thuyết sẽ "giảm” một thôn để thành 2 thôn.
Tuy nhiên, việc cắt đều để chia mỗi thôn bằng nhau tưởng là dễ lại rất khó. Do đặc thù của tỉnh miền núi, diện tích nhiều nơi quá rộng, các thôn được chia phân ranh giới có thể là một ngọn núi, một con suối, một cánh đồng, bà con sống thành chòm, xóm đã quen nhau, điều kiện kinh tế, đời sống, phong cách sinh hoạt, tập tục của từng thôn, từng chòm khác nhau.
Hơn thế, thời gian qua, thực hiện xây dựng hạ tầng, nhất là tại nhiều nơi việc đóng góp xây dựng hạ tầng, đường giao thông, nhà văn hóa… cơ bản đã hoàn thành. Vì vậy, khi lên phương án, việc cắt hẳn thôn A vào thôn B, hoặc thôn C thì được nhân dân ủng hộ, vì sẽ tạo ổn định không chỉ về đời sống, tập tục, văn hóa và kinh tế; nhưng nếu chia đôi thôn A để chia cho hai thôn còn lại sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Câu chuyện là, nếu đạt được mục tiêu bình quân số hộ thì không đảm bảo tính ổn định, không phù hợp với thực tế và tâm tư nguyện vọng của người dân. Cần khẳng định, qua tuyên truyền, vận động, việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tùy từng điều kiện thực tế, mỗi địa phương cần có sự nghiên cứu sao cho việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố phải phù hợp với thực trạng, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc mỗi địa phương; đảm bảo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, của thôn, tổ dân phố - mục tiêu là đảm bảo nguyên tắc, linh hoạt, ổn định và phát triển.
Nguyễn Đình