Thông qua các hoạt động này, trái bưởi, trái cam nói riêng và các nông sản thế mạnh của tỉnh nói chung đến gần hơn với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.
Nói các nông sản đặc sản của các địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng là ở nhiều lẽ. Trước tiên, khách hàng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm chính hiệu đã được cơ quan chức năng bảo hộ nhãn hiệu.
Tiếp theo, sản phẩm chính hiệu đương nhiên sẽ giúp người tiêu dùng được thưởng thức chất lượng tốt nhất của sản phẩm. Đồng thời, họ hoàn toàn có thể nhận biết về sản phẩm chính hiệu với các thông tin nhận diện một cách đầy đủ, chính thống và chính xác nhất.
Quan trọng là với chất lượng tốt nhất của sản phẩm chính hiệu sẽ giúp các sản phẩm không chỉ định danh mà còn định vị trong sự lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra rộng hơn nữa về thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản đặc sản của các địa phương.
Như vậy thì người sản xuất sẽ có thu nhập cao hơn, yên tâm gắn bó và nâng cao chất lượng sản phẩm khi không còn canh cánh nỗi lo về tiêu thụ. Mấu chốt của sản xuất nằm ở vấn đề này, làm ra phải tiêu thụ được và tiêu thụ tốt mới thúc đẩy quá trình sản xuất tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Hàng trăm mặt hàng nông sản của tỉnh Yên Bái thông qua các hội chợ, gian hàng triển lãm đã được giới thiệu, quảng bá với người tiêu dùng, bạn hàng trong năm 2018. Hoạt động xúc tiến thương mại tạo cơ hội thúc đẩy liên kết, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm và giúp cho hàng hóa của địa phương có mặt tại nhiều kênh phân phối.
Quá trình từng bước tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản sẽ xây dựng được các hợp đồng dài hạn, ổn định, khối lượng lớn là cơ sở xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững. Đây là xu thế phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông nghiệp hiện đại với các ưu điểm nổi trội của nó.
Tuy nhiên, cùng với mở rộng thị trường ra các tỉnh khác trong nước, ngoài nước thì vấn đề thị trường tiêu thụ ngay ở địa bàn tỉnh cũng cần được quan tâm hơn nữa dù có thể nhu cầu lượng hàng, giá trị lợi nhuận không lớn.
Thực tế hiện nay, ngay tại thị trường Yên Bái đang còn bỏ trống nhiều sản phẩm nông sản của các địa phương trong tỉnh sản xuất, nhất là các sản phẩm đặc sản, thế mạnh. Như đã nói, giá trị lợi nhuận từ thị trường này có thể không lớn, chưa lớn nhưng nếu xét ở khía cạnh khác thì đó lại là một sự thiệt thòi của người tiêu dùng trong tỉnh. Bởi họ chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu, tiếp cận, thưởng thức nhiều nông sản đặc sản của chính Yên Bái sản xuất do chưa có kênh tiêu thụ thuận tiện.
Nếu việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đặc sản Yên Bái bảo đảm được sự cân đối, hài hòa giữa thị trường các địa phương trong tỉnh với thị trường ngoài tỉnh, trong nước, ngoài nước thì thật sự rất đáng vui mừng!
Nguyễn Thơm