Tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và sau này là Nghị quyết 33 Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định những phẩm chất cơ bản của con người cần xây dựng.
Là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển văn hóa - xã hội, trong đó coi trọng việc đẩy mạnh tuyên truyền về đạo đức, lối sống, các chuẩn mực giá trị văn hóa trong nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.
Mới đây, trong các cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố về triển khai Chương trình hành động số 144 thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 17/10/2018 của BCH Trung ương và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các đơn vị cần tập trung thực hiện là xây dựng con người Yên Bái "tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo" gắn với việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 của BCH Trung ương khóa XI.
Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để. Trong đó, cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ.
Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 20/4/2018 về việc tăng cường trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Chỉ thị đã đề cao vai trò nêu gương về mọi mặt; từ đó có tác động cổ vũ, động viên việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần tích cực xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh, không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, là tấm gương để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.
Cùng với việc xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp, lành mạnh, Yên Bái cũng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt là các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống nhằm phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa trên 78%; tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt khoảng 65%; tỷ lệ cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa trên 85%.
Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, hình ảnh đất và người Yên Bái và tuyên truyền xây dựng văn hóa người Yên Bái tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, là động lực để xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Mạnh Cường