Việc sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu HĐND tỉnh và trong thực tế đã nhận được sự đồng thuận cao của cử tri các địa phương.
Tại các xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A, Phù Nham và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, tỷ lệ cử tri đồng ý phương án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Văn Chấn để mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ chiếm 95,54% tổng số cử tri được lấy ý kiến; 100% đại biểu HĐND huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và 7 xã, thị trấn dự họp biểu quyết tán thành.
Tại thành phố Yên Bái, tỷ lệ cử tri xã Văn Tiến và Văn Phú, xã Giới Phiên và Phúc Lộc đồng ý sáp nhập đạt từ 96% trở lên; 100% đại biểu HĐND thành phố và các xã dự họp biểu quyết tán thành.
Tại huyện Trấn Yên, tỷ lệ cử tri xã Minh Tiến và Y Can đồng ý sáp nhập đạt từ 94,50% trở lên; 100 đại biểu HĐND huyện và xã họp biểu quyết tán thành. Tại huyện Yên Bình, tỷ lệ cử tri xã Tích Cốc và Cảm Nhân, Văn Lãng và Phú Thịnh đồng ý sáp nhập đạt từ 88,84% trở lên; 100% đại biểu HĐND huyện, xã dự họp biểu quyết tán thành.
Tại huyện Văn Yên, tỷ lệ cử tri xã Yên Hưng và Yên Thái, Hoàng Thắng và Xuân Ái đồng ý sáp nhập đạt từ 93,36% trở lên; 100% đại biểu HĐND huyện và xã dự họp biểu quyết tán thành.
Sự đồng thuận cao này cho thấy chủ trương của Đảng phù hợp với nguyện vọng nhân dân. Nhân dân các địa phương qua tuyên tuyền đã hiểu được tầm quan trọng của việc sáp nhập đơn vị hành chính là nhằm khắc phục tình trạng các đơn vị hành chính của địa phương quy mô nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Từ sắp xếp, làm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trong đó, việc mở rộng thị xã Nghĩa Lộ không chỉ tạo không gian phát triển thị xã miền Tây, mà sẽ là hạt nhân, tạo động lực để giúp cả vùng phát triển.
Để đạt được mục tiêu lớn này, chúng ta sẽ phải thực hiện nhiều công việc và đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ sắp xếp sẽ gây xáo trộn hoạt động của chính quyền, nhiều thủ tục giấy tờ cần thiết phải chuyển đổi giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, mất nhiều thời gian điều tra, xác minh.
Từ sắp xếp, quyền lợi của cán bộ, công chức bị "động chạm” do nhiều cán bộ dôi dư (108 người, trong đó có 54 cán bộ, 54 công chức và 65 cán bộ không chuyên trách) phải sắp xếp, bố trí việc khác.
Cùng đó, phải tính toán sắp xếp lại trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa; phải xây dựng lại các quy hoạch, các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Và sau sắp xếp, các xã có diện tích rộng hơn, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý đơn vị hành chính mới…
Để đạt được mục tiêu lớn này, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đặc biệt, phải làm tốt công tác tư tưởng, đảm bảo sự dân chủ, khách quan, công tâm và chế độ đối với số cán bộ, công chức dôi dư. Mục tiêu là xây dựng bộ máy bao gồm những người có đạo đức, uy tín, phẩm chất, có trình độ chuyên môn để đảm nhận công việc mới nặng nề hơn. Sau sắp xếp, phải bắt tay vào hoạt động ngay, cho dù công việc lớn và bộn bề, nhưng các cấp chính quyền phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Từ những kinh nghiệm và kết quả trong sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thời gian qua, tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến cơ sở, hết năm 2019, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Yên Bái sẽ đạt kết quả theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Đình Tứ