Từ đầu năm tới nay, tình hình cung - cầu, lưu thông hàng hóa và giá cả trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường; không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc đầu cơ, găm hàng, gây bất ổn thị trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng.
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 10 tăng 1,17% so với tháng trước và đây cũng là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Trong mức tăng 1,17% của CPI tháng 10 có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,05%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,09%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,01%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,04%); giao thông (tăng 1,03%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,58%).
Theo phân tích, giá cả những nhân tố làm tăng CPI là các mặt hàng thực phẩm, cao nhất là nhóm thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, đặc biệt là giá thịt lợn tăng mạnh do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn lợn hơi trong dân khan hiếm. Giá xăng, dầu dù được điều chỉnh giảm; tuy nhiên, giá điều chỉnh tăng trước đó lớn hơn giá điều chỉnh giảm, làm cho nhóm nhiên liệu tăng 2,14% kéo theo nhiều nhóm hàng liên quan tăng giá.
Theo nhận định, thời gian tới thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động lớn của các yếu tố bất ổn chính trị, thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường hàng hóa trong nước.
Tình hình thời tiết, dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, từ nay đến cuối năm và dịp tết Nguyên đán chắc chắn giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh sẽ có xu hướng tăng so với thời điểm hiện tại.
Do đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm và dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương và những đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động dự trữ hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán; chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp tết cho các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá cả, chất lượng sản phẩm, kiểm tra chống gian lận trong cân, đong, đo, đếm, hàng gian, hàng giả, hàng cấm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác diễn biến thị trường, tránh thông tin thất thiệt để trục lợi.
Văn Thông