Sản xuất nông nghiệp Yên Bái những năm qua đã đạt được kết quả tích cực, nhất là sau khi tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo được động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng cao; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 65 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2015 và nhiều diện tích đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, bình quân đạt trên 200 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015.
Tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao, có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực: quế gần 78.000 ha; tre măng Bát độ trên 6.600 ha; sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha; ngô 15.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; chè 8.000 ha (chè shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha); dâu tằm gần 1.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá.
Đồng thời, tỉnh cũng đã phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP: nếp Tú Lệ, sơn tra, chè shan hữu cơ, gà đen, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, bưởi Đại Minh, cam sành, dược liệu.
Những con số nêu trên là rất ấn tượng, nhưng nhìn tổng thể sản xuất hàng hóa vẫn còn những hạn chế. Phần lớn sản xuất hàng hóa hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng đòi hỏi ngày một cao của thị trường.
Sản xuất chưa có sự liên kết nhóm hộ, hợp tác xã hay liên kết doanh nghiệp mà vẫn mạnh ai nấy làm; trong khi, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký hợp đồng với các trang trại, các vùng sản xuất có sản lượng lớn...
Từ yếu tố trên, dẫn tới tình trạng ”được mùa mất giá”, hiệu quả không cao, thiếu bền vững. Sản phẩm hàng hóa xuất bán ở thị trường dễ tính thì được, nhưng những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, an toàn thực phẩm thì ta không vào được.
Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, nhất là chúng ta đã tham gia vào thị trường thế giới, mới đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt.
Để đạt được những yêu cầu đó, buộc chúng ta phải làm tốt từ khâu quy hoạch, nơi nào trồng cây gì, giống gì cho phù hợp, tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, nhóm hộ với nhóm hộ, HTX với HTX, rồi liên kết nông dân với doanh nghiệp.
Hiện nay, đã có nhiều nơi đang thực hiện rất thành công liên kết 5 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng. Trong đó, nhà doanh nghiệp là đầu tàu và nhà nông là động cơ của mối liên kết này. Ngân hàng là một trong những tác nhân và có vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi.
Liên kết trong sản xuất, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời, góp phần tăng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Ngọc Trúc