Bùng phát dịch lở mồm long móng

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau một thời gian khá dài tạm lắng thì trong những ngày trung tuần tháng 1-2007, dịch lở mồm long móng (LMLM) lại bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh làm trên 75 con trâu, bò mắc bệnh ở 3 xã thuộc huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ngay sau khi phát hiện dịch, các xã, huyện, cơ quan chuyên môn đã khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng, tiêm vác xin phòng dịch toàn bộ gia súc vùng lân cận. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch ở nhiều nơi còn rất lơ là, chủ quan, có nguy cơ để dịch bùng phát trên diện rộng.

Cần nuôi nhốt trâu bò để ngăn chặn dịch lở mồm long móng lây lan. (Ảnh: Q.K)
Cần nuôi nhốt trâu bò để ngăn chặn dịch lở mồm long móng lây lan. (Ảnh: Q.K)

 

Dịch bùng phát đầu tiên tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu ngày 12-1-2007, làm 1 con trâu và 3 con bò bị mắc bệnh. Do thiếu hiểu biết và chủ quan người dân tự chữa trị theo phương pháp dân gian, khi các cấp chính quyền phát hiện ra và lấy mẫu xét nghiệm cho thấy xuất hiện dịch LMLM thì dịch đã lan ra bản Tà Chử và Tà Xùa thuộc xã Bản Công. Chỉ sau vài ngày dịch lây lan với tốc độ nhanh tại bản Tà Chử đã có 11 con trâu bò mắc bệnh, bản Tà Xùa có 17 con nhiễm bệnh. Cũng vào thời điểm trên tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải có 27 con bị nhiễm bệnh.

Theo báo cáo của ông Trưởng phòng Kinh tế huyện Trạm Tấu thì số trâu, bò bị mắc bệnh tại xã Hát Lừu đã được tiêm vác xin phòng chống dịch LMLM. Đây không biết vì lý do vác xin kém chất lượng, hay tiêm chưa đủ liều? Ngay sau khi phát hiện dịch, Trạm Tấu đã tiến hành khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng, trại, nơi chăn nuôi gia súc; tổ chức tiêm 500 liều vác xin cho gia súc quanh vùng và phun 33 lít thuốc khử trùng; vận động nhân dân nuôi nhốt gia súc, nhất là những con đã nhiễm bệnh; thành lập các chốt kiểm dịch, phun thuốc khử trùng cho các phương tiện ra vào vùng dịch.

Trưa ngày 18-1-2007, có nguồn tin cho biết tại xã Hát Lừu lại có thêm 5 con gia súc nữa bị nhiễm bệnh và hàng chục con đã chết. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y tỉnh đã chuyển gấp 9.500 liều vác xin cho huyện Trạm Tấu tổ chức tiêm nốt vác xin cho số gia súc chưa tiêm. Một điều hết sức lo lắng là hiện nay toàn huyện có trên 5.232 con trâu, 3.252 con bò và trên 11.000 con lợn, 3.100 con dê  mới chỉ có 65-70% đã được tiêm vác xin LMLM. Trong khi người dân vẫn quá thờ ơ, hay nói cách khác là thiếu hiểu biết, thông tin về dịch bệnh. Ngoài chợ thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn bày bán khá thoải mái, trên dọc các tuyến đường trâu, bò, dê, lợn vẫn thả rông đầy đường. Trên tuyến đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu chỉ có duy nhất một chốt kiểm dịch do huyện Văn Chấn thành lập và hoạt động. Hiện nay huyện vẫn rất lúng túng trong việc xử lý số trâu, bò đã mắc bệnh bởi chưa có chính sách hay cơ chế về tiêu huỷ, biện pháp duy nhất là tổ chức tiêm vác xin cho số gia súc chưa tiêm và vận động người dân nuôi nhốt gia súc đã nhiễm bệnh. Nhưng thật khó cho người dân vùng cao vì chăn nuôi chủ yếu là thả rông, không có chuồng trại. Đó cũng là điều mà ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn lo ngại nhất. Ông Đoàn nói: "Chăn nuôi đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, đàn gia súc đã lên hàng trăm ngàn con. Trong khi nguồn nước ăn trong vùng đều xuất phát từ hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải nên công tác phòng chống dịch càng khó khăn. Hiện huyện chỉ thành lập các chốt kiểm dịch và phun thuốc khử trùng các phương tiện đi vào địa bàn, còn nguồn nước thì thật là khó!". Như vậy nếu chúng ta không có biện pháp khống chế dịch bệnh hiệu quả thì việc các huyện vùng thấp như Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trấn Yên... Việc gia súc tiếp tục nhiễm bệnh chỉ còn là thời gian.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện nay ngành đã huy động hết lực lượng về cơ sở phòng chống dịch bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán gia súc gia cầm; củng cố các trạm kiểm dịch trên các tuyến giao thông trọng điểm, kiên quyết không cho nhận gia súc, gia cầm không có nguồn gốc, kiểm dịch của cơ quan chuyên môn vào địa bàn tỉnh.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007. Ở thành phố, đã thấy bày bán hàng Tết; những người thợ đã chỉnh trang điện đèn, trồng thêm cây, ươm thêm hoa làm đẹp cho thành phố; trên hè phố, đã bày bán nhiều tranh Tết, hoa Tết; nhiều nhà đã bàn tính mua hàng Tết... Tóm lại, không khí Tết đang về.

Chăn nuôi  bò ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
(Ảnh: L.C)

YBĐT - Cuối năm - 2006 và đầu năm 2007 dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số địa phương trong nước làm hàng ngàn con gia cầm chết, tốc độ lây lan mạnh; dịch lở mồm long móng (LMLM) cũng đang nghi có điểm phát dịch ở huyện Mù Cang Chải. Riêng với dịch cúm gia cầm chưa xảy ra ở Yên Bái song tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm cùng với sự chủ quan thờ ơ của người chăn nuôi, người tiêu dùng như hiện nay thì dịch quay trở lại là điều khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Trong một giờ ngoại khóa, khi tổ chức cho học sinh tiến hành thảo luận và giải đáp thắc mắc về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tôi thực sự giật mình vì những hiểu biết của các em quá sơ sài, đặc biệt là về vấn đề quan hệ tình dục (QHTD) ở lứa tuổi này.

Cây cầu đặc biệt cần thiết nhất là vào vụ chè người dân phải mang chè đi tiêu thụ. (Ảnh minh hoạ)

YBĐT - Còn nhớ trận lũ quét hồi tháng 9 năm 2005 - một trận lũ lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Trận lũ ấy, xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng, người chết, nhà cửa bị cuốn trôi, cầu cống hư hỏng và trôi sập. Mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm ủng hộ, quyên góp giúp đỡ nhưng cho đến bây giờ nhân dân xã Nghĩa Tâm còn rất nhiều khó khăn đặc biệt cây cầu treo bắc qua suối Tho - cây cầu duy nhất để trên một nghìn người dân đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa bị lũ cuốn trôi vẫn chưa được xây dựng lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục