Nỗi lo giống Lúa
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giống là yếu tố quan trọng, từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, giống càng trở nên quan trọng. Vậy mà mấy năm trở lại đây, người dân xã Lâm Thượng (Lục Yên) lại đang khốn đốn quanh chuyện giống lúa. Và cũng không chỉ Lâm Thượng mà một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã từng xảy ra tình trạng gieo giống "chất lượng cao" để gặt... rơm!
Cứ bước vào mỗi vụ lúa, người nông dân Lâm Thượng lại canh cánh quanh chuyện giống lúa. Người dân ở đây luôn đặt ra câu hỏi: “Nên mua loại giống lúa nào cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, đỡ phần nào công chăm sóc và chi phí”, đặc biệt thời gian gần đây, giá cả thị trường tăng đột biến trong đó có giống lúa và phân bón, trong khi nơi người dân gửi niềm tin là Trạm Giống cây trồng huyện đã không còn chữ tín.
Có thể dẫn ra đây những bài học đắt giá. Năm 2006, nông dân Lâm Thượng được trợ giá mua thóc giống 903 tại Trạm Giống cây trồng huyện, bỏ công chăm sóc “trông trời, trông đất, trông mây...” với hy vọng có mùa vụ bội thu. Nhưng than ôi, gần đến mùa thu hoạch trên một thửa ruộng, lúa trỗ thành 3 đợt và người dân ngậm đắng nuốt cay chịu thất bát.
Năm 2007, một số hộ dân vẫn với mong muốn cho ruộng lúa nhà mình cho năng suất cao hơn tiếp tục chọn mua giống TH34 từ Trạm Giống cây trồng huyện nhưng lại ngờ đâu lúa tiếp tục trỗ thành... 3 đợt. Một khóm lúa có dảnh đã chín, dảnh đang trỗ, lại có dảnh đang “mang bầu”.
Năm 2008, do vụ đông xuân rét đậm, rét hại kéo dài, bước vào vụ mùa, người dân muốn làm kịp vụ 3 trên đất 2 vụ lúa nên chọn mua giống Việt Lai 20 (VL20) của Trạm Giống cây trồng huyện với ước muốn giống này có thời gian sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sớm có thể kịp làm vụ đông. Nhưng lại một lần nữa lúa tiếp tục trỗ thành 3 đợt! Đợt này cả xã mua 32 kg giống VL20 cấy được hơn 1 ha lúa thất bát, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Thực tế có hộ trong xã, gia đình có 4 khẩu, cấy 2 sào lúa bằng giống VL20 chỉ cho thu hoạch được khoảng 1 tạ thóc, làm sao đủ lương thực ăn trong 6 tháng trời?
Được biết, các hộ dân trong xã đã có sự ký kết với Trạm Giống cây trồng huyện về việc bảo đảm chất lượng giống, không bảo đảm sẽ bồi thường thiệt hại. Sau khi có tin lúa VL20 ở Lâm Thượng đã "trổ 3 đợt", Trạm Giống cây trồng đã xuống kiểm tra thực tế tại xã, lập biên bản thừa nhận và hứa sẽ bồi thường 50 nghìn đồng trên 1 sào thiệt hại và hỗ trợ bằng số giống dân đã mua bị hỏng vụ này cho vụ sau. Nhưng người dân xã Lâm Thượng đã không thực sự tin tưởng, bởi các năm trước khi người dân cấy phải các giống 903 và TH34 vẫn chỉ nhận được lời hứa suông.
Đó là còn chưa kể bao công nhọc nhằn chăm sóc tháng ngày, tiền vật tư bỏ ra đã đổ xuống sông bể và những thiệt hại khôn lường của việc "cấy lúa, gặt rơm" đối với mỗi người dân gắn bó với ruộng đồng. Chuyện giống lúa Quốc hào số 1 kém chất lượng khiến hơn 100 hộ dân Yên Bái bị thiệt hại, cụ thể với một số địa phương như xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn), Báo Đáp (Trấn Yên)... cách đây 2 năm là ví dụ chưa xa về việc cung ứng giống trên địa bàn.
Là đơn vị chủ lực cung cấp giống cho người dân trong tỉnh đã đến lúc, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cần xem xét lại việc cung ứng giống cho dân, làm sao cho đảm bảo chất lượng. Trước khi đưa giống lúa nào vào cấy đại trà, cần có sự khảo nghiệm thực tế, không nên để người dân mất niềm tin cứ vào vụ mới lại canh cánh nỗi lo...giống lúa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần có một cơ chế quản lý việc cung ứng giống để tránh cho người dân tối đa những thiệt hại.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, giao thông kém phát triển, dân cư phân bố thiếu tập trung, nhiều thôn bản cách trường hàng chục kilômét, lại bị địa hình đồi núi, khe suối chia cắt khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi đến trường nhất là mùa mưa lũ.
YBĐT - Với 70% diện tích là đất lâm nghiệp, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có gần 4 vạn hộ nhận đất lâm nghiệp để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng và chăm sóc rừng, trong đó có 248 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bình quân, mỗi trang trại quản lý từ 5 - 7 ha rừng, trong đó có trang trại có quy mô diện tích từ 30 - 50 ha, với giá trị tài sản hàng tỷ đồng.
YBĐT - Trải qua nhiều lần biến đổi, sáp nhập, chia tách, đổi tên, đến nay, về cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính ở Yên Bái đã tương đối ổn định theo mô hình nhỏ nhất là làng, xã, thôn, bản. Tổ chức làng, xã ở nước ta đã hình thành từ rất lâu đời, dù trải qua nhiều chế độ chính trị khác nhau, vẫn tồn tại.
YBĐT - Đời sống kinh tế, xã hội phát triển thì vấn đề thưởng thức nghệ thuật biểu diễn trở nên một nhu cầu thường nhật của người dân. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong những năm gần đây, đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập mà báo chí đã tốn không ít giấy mực để nói về thực trạng này.