Trách nhiệm cuối cùng là của chủ đầu tư
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mới đây, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đã mời các ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng; giám đốc và chủ đồ án thiết kế, khảo sát của các công ty tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng để kiểm tra những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở địa phương – một việc làm ít thấy trong nhiều năm qua.
Trên công trường thi công Nhà máy luyện gang thép Cửu Long tại Khu công nghiệp phía nam của tỉnh.
|
“Trăm hoa đua nở” – thống kê chưa chính thức, Yên Bái hiện có trên 100 đơn vị làm tư vấn khảo sát thiết kế. Về năng lực, nhận định chủ quan là các công ty khảo sát thiết kế xây dựng đều đủ năng lực (vì đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh). Thế nhưng, các đơn vị này đều rất thiếu người đủ năng lực, kinh nghiệm đứng vị trí chủ nhiệm đồ án, chủ nhiệm khảo sát, chủ trì thiết kế, chủ trì kết cấu.
Con số chưa chính thức, hiện có 70 – 80 kiến trúc sư, kỹ sư đang hành nghề, hầu hết họ là những người đã gắn bó nhiều năm ở Yên Bái, tỷ lệ kiến trúc sư và kỹ sư trẻ về công tác rất ít. Thiếu nhân lực để thực hiện công việc, nhiều đơn vị tư vấn đã bố trí cán bộ không đủ điều kiện đảm nhiệm các chức danh quan trọng này, dẫn đến chất lượng công tác khảo sát thiết kế còn nhiều sai sót, gây lãng phí; việc khảo sát địa hình, địa chất ở nhiều công trình không phản ánh đúng thực tế, chất lượng thấp, gây phát sinh khối lượng, xử lý thiết kế làm tăng kinh phí công trình, kéo dài thời gian thi công.
Một thực tế khó chấp nhận là hầu hết các công trình đều không lập hồ sơ quản lý chất lượng khảo sát theo quy định, đặc biệt là theo dõi khoan thăm dò khảo sát địa chất (???), do vậy, không đủ cơ sở đánh giá, nghiệm thu khối lượng thực hiện; chưa có thiết kế tổng mặt bằng hoặc mặt bằng tổng thể không phù hợp với thực tế.
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là tình trạng khá phổ biến làm “điên đầu” cơ quan quản lý chất lượng hồ sơ khảo sát thiết kế hiện nay. Kiến trúc sư, kỹ sư thiếu chưa phải là nguyên nhân chính, điều quan trọng là các nhà thầu chỉ coi trọng khâu thiết kế theo hợp đồng, coi nhẹ tư vấn cho các chủ đầu tư, chưa đưa ra phương án tối ưu chỉ chú trọng tìm việc, làm xong khối lượng theo tiến độ, hưởng lợi nhuận.
Nhiều hồ sơ thiết kế công trình xây dựng các nhà thầu tư vấn dùng “phương pháp cóp-pi”, cẩu thả tới mức không cần chỉnh sửa, công trình thiết kế của ngành A, địa phương B chuyển sang ngành C, địa phương D, bất chấp sự khác nhau về mặt bằng tổng thể, địa chất, đặc thù công trình và chức năng sử dụng. Có hồ sơ cầu thả tới mức, vỏ hồ sơ thiết kế là công trình A ở huyện B nhưng lõi lại là công trình khác ở địa phương khác.
“Người dơi” cũng là một khái niệm mới trong công tác giám sát công trình. Hầu hết các đơn vị thiếu cán bộ giám sát, công trình nhận thầu nhiều, cán bộ thiếu nên có việc một cán bộ giám sát nhiều công trình ở nhiều vùng, có khi cách nhau tới hàng trăm km. Trong điều kiện như vậy, công trình gần như giao phó cho nhà thầu thi công, có đơn vị tư vấn còn đưa cán bộ thiếu kinh nghiệm, không có chứng chỉ hành nghề vào giám sát công trình...
Nêu những tồn tại trên không có nghĩa là phủ nhận những đóng góp quan trọng của các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế địa phương. Sự nỗ lực vươn lên trong cơ chế thị trường, thời kỳ kinh tế hội nhập của các đơn vị tư vấn rất đáng trân trọng, nhiều đơn vị đã khẳng định được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, tham gia các dự án lớn.
Vấn đề đặt ra ở đây là những tồn tại trên đã trở thành bức xúc cần được chấn chỉnh, khắc phục. Cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng cần thể hiện rõ hơn vai trò quản lý chất lượng của mình.
Rất quan trọng, nhưng theo chúng tôi, cốt lõi của vấn đề chính là trách nhiệm của các chủ đầu tư. Chủ đầu tư cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện dự án. Nhà nước cho phép các chủ đầu tư có quyền thành lập các ban quản lý dự án (nếu đủ điều kiện, năng lực) hoặc thuê quản lý dự án. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện dự án của chủ đầu tư là rất quan trọng, năng lực có thể khác nhau nhưng trách nhiệm của các chủ đầu tư đều như nhau. Các chủ đầu tư chỉ cần làm hết trách nhiệm, thực thi hết quyền năng đã được pháp luật quy định thì coi như những tồn tại bức xúc nêu trên đã được giải quyết cơ bản.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Tại buổi mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN mới đây, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh nhấn mạnh: Cái cốt yếu nhất của Tuần lễ hướng đến, đó là làm cho mọi người, nhất là người lao động và chủ sử dụng lao động nhận thức bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định an toàn trong lao động sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền đến cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mục tiêu cuối cùng là vì con người.
YBĐT - Về xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái), đến bản Cò Cọi, hình ảnh đầu tiên ghi dấu trong tôi là con đường đất khúc khuỷu, mặt đường nhỏ hẹp, đầy đá viên đá tảng to nhỏ, lô nhô, khiến các phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn. Nằm ngay bên cạnh thị xã Nghĩa Lộ nhưng người dân bản Cò Cọi còn rất nhiều thiếu thốn. Tuy vậy, chính họ lại đang sở hữu một “đặc sản” vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng, đó là suối nước nóng, một địa điểm rất có tiềm năng khai thác du lịch thu hút khách tham quan.
YBĐT - Năm 2005, Công ty TNHH Minh Quang có dự án xin xây dựng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu (gọi tắt là Nhà máy Sắn) tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), đã có nhiều ý kiến của của chính quyền địa phương về không chấp nhận dự án này vì lo sợ nhà máy gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng lòng chảo Mường Lò. Nhưng không hiểu vì sao Nhà máy vẫn hoạt động. Hậu quả, Nhà máy khi chưa chính thức đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm !
YBĐT - Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện chính sách người có công và chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2008, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời trong thời gian sớm nhất để các đối tượng được hưởng chính sách này không bị thiệt thòi theo quy định chung của Chính phủ.