Thị Xã Nghĩa Lộ: Có nên tồn tại nhà máy sắn giữa lòng thị xã?

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2005, Công ty TNHH Minh Quang có dự án xin xây dựng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu (gọi tắt là Nhà máy Sắn) tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), đã có nhiều ý kiến của của chính quyền địa phương về không chấp nhận dự án này vì lo sợ nhà máy gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng lòng chảo Mường Lò. Nhưng không hiểu vì sao Nhà máy vẫn hoạt động. Hậu quả, Nhà máy khi chưa chính thức đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm !

Mặt hồ chứa sủi bọt, bốc mùi hôi thối, nguy cơ ô nhiễm nặng tới môi trường xung quanh.
Mặt hồ chứa sủi bọt, bốc mùi hôi thối, nguy cơ ô nhiễm nặng tới môi trường xung quanh.

Những sai phạm cố ý làm hại dân

Sự việc chỉ biết đến khi vào hồi 17 giờ ngày 13/2/2009, Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Nghĩa Lộ cùng với UBND xã Nghĩa Lợi tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành thực hiện qui định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, đất đai đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Quang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến tinh bột sắn xuất khẩu tại địa chỉ bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi. Tại đây, đoàn kiểm tra  phát hiện Công ty Minh Quang đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng về môi trường.

Được biết, nếu căn cứ theo Quyết định số 222/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sắn thị xã Nghĩa Lộ có yêu cầu Công ty TNHH Minh Quang khi đi vào hoạt động phải có trách nhiệm thực hiện đúng các yêu cầu về tác động môi trường như đầu tư và vận hành công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp thải vào vực nước sông dùng cho mục đích bảo vệ thuỷ sinh trước khi thải ra suối Thia; xử lý khí thải lò hơi đạt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp theo thải lượng của các chất vô cơ trong vùng nông thôn và miền núi ; đầu tư các trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải rắn đặc biệt là vỏ sắn, bã sắn để giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

Nếu theo đúng quyết định này thì Công ty Minh Quang phải đầu tư xây dựng các hạng mục trong qui trình xử lý nước thải như  hồ sinh học, bể phản ứng, bể tạo bông, bể lắng cấp 1, bể Aaroten, bể lắng cấp 2, bể xử lý chất xi-a-nua và các hạng mục khác. Thế nhưng, Công ty Minh Quang lại chỉ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải không đúng yêu cầu với các hạng mục như 2 bể lắng nước thải rửa củ, 5 bể lắng nước mủ thu hồi bột, 1 hồ chứa bã thải sắn, 3 hồ sinh học xử lý nước thải, mục đích chính là để thu gom nốt số tinh bột sắn lắng đọng, nếu theo qui trình xử lý nước thải như Công ty đã xây dựng thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng nghiêm trọng hơn là tại hiện trường, đoàn kiểm tra lại phát hiện, toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước thải sản xuất tinh bột sắn đến các hồ chứa  xử lý  bị vỡ đã đổ thẳng ra hồ chứa cuối cùng sát với con suối Thia mà không qua bất cứ một công đoạn xử lý nào. Theo quan sát của chúng tôi, hồ chứa này là một hố sâu bờ bao bằng đất, có nghĩa là nếu để lâu chất độc hại sẽ ngấm ra suối. Nhưng điều dễ thấy hơn là chỉ trong 1 đến 2 tháng nữa thì nước thải trong  hồ chứa này sẽ đầy và  tràn ra suối Thia, nguy cơ ô nhiễm  nước suối Thia là tất yếu. Đây là nguồn cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho không chỉ thị xã Nghĩa Lộ mà còn một số xã của huyện Văn Chấn .

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và có văn bản đề nghị UBND thị xã Nghĩa Lộ xử phạt theo khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 81/2006/NĐ - CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 15 triệu đồng. Song điều đáng nói ở đây là sự cố ý làm sai của Công ty. Cụ thể là theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn thị xã Nghĩa Lộ đã nêu rõ : chỉ được phép đưa Nhà máy đi vào sản xuất chính thức sau khi được Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra xác nhận các công trình xử lý chất thải, đặc biệt là công trình xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam cho phép. Nhưng theo ông Nguyễn Minh Hải - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, chỉ trong thời gian 2 tháng (từ tháng 12/2008 - 2/2009), Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã đã cùng với Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, đại diện các phòng, ban chức năng của thị xã tổ chức 4 đột kiểm tra đột xuất trong đó có đợt kiểm tra vào ban đêm tại các thời điểm khác nhau như thời điểm nhà máy chưa đi vào hoạt động, thời điểm Công ty đang tiến hành lắp đặt hệ thống lò sấy hay thời điểm đang vận hành chạy thử các hạng mục rửa củ, tách vỏ sắn, nghiền và bột ẩm.

Trong các biên bản có ghi rõ: Công ty đã thay đổi phương án xử lý nước thải. Công trình xử lý nước thải chỉ được tiếp tục xây dựng và hoạt động sau khi được UBND tỉnh cho phép thay đổi phương án xử lý nước thải nhưng cho tới nay, tức là sau gần hai tháng vận hành và bị đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm (theo như báo cáo của ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, thời gian vận hành của Nhà máy là vào khoảng ngày 20/12/2008) thì Công ty vẫn có những biện hộ được coi là xác đáng như: Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh về việc xin thay đổi phương án xử lý nước thải, trong thời gian chờ đợi ý kiến phê duyệt Công ty tiến hành vận hành máy thử nghiệm. Nói như vậy, có nghĩa là Công ty đã “tiền trảm hậu tấu”, tự ý lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải khác và cho vận hành hoạt động trong khi đang xin thay đổi phương án xử lý mà không cần biết UBND tỉnh có đồng ý với phương án xử lý nước thải mới  hay không!

Cùng với cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đã đi khảo sát quanh khu vực các hồ chứa nước thải. Theo cảm nhận thông thường thì 5 chiếc hồ xử lý nước thải chỉ là những cái ao được đào rất nông và xây bờ bao đơn giản, đáy hồ đã bị bục  không được che đậy với mục đích chủ yếu là làm lắng đọng nước thải để thu gom nốt tinh bột sắn còn sót lại. Ngay trong những ngày thời tiết mát dịu mà các hồ chứa sủi bọt chuyển màu đen, hôi thối nồng nặc kết hợp cùng với gió thổi từ suối Thia vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho nhân dân sống ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi.

Cũng  trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi đã không mấy khó khăn để tìm hiểu về qui trình xử lý chất thải rắn trong quá trình sản xuất chế biến tinh bột sắn, cụ thể ở đây là vỏ sắn và bã sắn. Theo phương án xử lý của Công ty thì toàn bộ bã sắn trong quá trình sản xuất sẽ được đơn vị ký kết với một công ty sản xuất thức ăn gia súc ở Hà Nội thu mua tại chỗ. Chính vì lý do này mà toàn bộ qui trình xử lý chất rắn của Công ty rất đơn giản là được đưa ra ngoài bằng ống dẫn, nghiền nát và đổ thẳng ra giữa sân Công ty. Ngay lúc chúng tôi có mặt thì một phần bã sắn trong thời gian chờ đợi “bạn hàng” ở Hà Nội đến mua, Công ty phải linh hoạt bằng cách  vừa bán vừa  cho với giá 5000 đồng/bao để  người dân quanh vùng mang về làm thức ăn cho gia súc. Một câu hỏi đặt ra là: Liệu với 4,7 tấn bã sắn và 16 tấn vỏ sắn được thải ra mỗi ngày (theo báo cáo quy trình hoạt động của Nhà máy) thì người dân nào có thể lấy đi hết và  còn  bao lâu nữa công ty thu mua bã sắn nào đó ở Hà Nội mới tổ chức thu gom?

Chúng tôi cũng đã tìm đến UBND xã Nghĩa Lợi, là địa phương nơi Công ty TNHH Minh Quang đặt Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu. Ông Lò Minh Tâm - Chủ tịch UBND xã đã tỏ ra bức xúc, cho đến nay Nhà máy chỉ làm hại cho xã, hại sức khỏe, hại đường sá, hại cho sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Tâm, trong quá trình đến khảo sát xây dựng, Công ty đã có “nhã ý” xin đầu tư xây dựng  tuyến đường từ quốc lộ 32 dẫn vào Nhà máy với chiều dài gần 1,5 km nhưng cho đến nay vẫn không thấy đả động gì  mà hàng ngày xe trọng tải lớn chở sắn ùn ùn vào đã làm hỏng đường liên thôn của xã. Còn về vấn đề tạo việc làm cho  người dân trong xã thì đến nay Nhà máy đã hợp đồng được với hơn 20 người kể cả người ngoài xã nhưng với tình trạng công nhân làm trong môi trường ô nhiễm và không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động thì xã cũng không khuyến khích nhân dân vào làm việc.

Được biết, chỉ một ngày sau khi đoàn kiểm tra của thị xã Nghĩa Lộ lập biên bản xử phạt hành chính thì ngày 17/2/2009 đoàn kiểm tra của tỉnh gồm Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng với ngành chức năng của thị xã đã tiến hành kiểm tra và cũng có chung kết luận về những sai phạm của Công ty trong vấn đề bảo vệ môi trường  như đoàn kiểm tra của thị xã. Lần này theo chức năng, thẩm quyền, đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Ngô Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cho dừng ngay hoạt động sản xuất chế biến tinh bột sắn tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu, chỉ được phép đi vào sản xuất khi đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải và được phép của các cấp có thẩm quyền.

Có nên tồn tại nhà máy sắn giữa lòng thị xã?

Chỉ cần mở máy vi tính vào trang Google (tìm kiếm) và một thao tác đơn giản đánh từ “ô nhiễm nhà máy sắn” bạn sẽ thấy dày đặc các bài viết về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các nhà máy sản xuất tinh bột sắn gây ra ở các tỉnh, thành trong cả nước. Điều này đối với Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty TNHH Minh Quang cũng có thể sớm xảy ra nhất là đối với những sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thời gian qua của Công ty. Ở đây, chúng tôi cũng đề cập ảnh hưởng về môi trường do Nhà máy gây ra trong lĩnh vực văn hoá. Ai cũng biết vùng đất Nghĩa Lộ  - Mường Lò đầy thơ mộng đã đi vào văn, thơ với những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Thị xã Nghĩa Lộ lại đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hoá giai đoạn 2003 - 2010 lấy trọng tâm là phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống. Thế nên nếu xảy ra ô nhiễm môi trường do Nhà máy Sắn gây ra (điều này chắc chắn xảy ra nhưng ở mức độ nặng hay nhẹ mà thôi!) sẽ làm mất đi những nét văn hoá truyền thống mà thị xã đã gìn giữ và phát triển từ trước đến nay. Còn đâu những món ăn truyền thống như cá xỉnh nướng, món rêu đá của con suối Thia đem lại? Còn đâu những bản làng yên ả bên những cánh đồng xanh mướt? Còn đâu những điệu múa xoè của cô gái Thái?...

Tất cả đều mong chờ vào những quyết định đúng của các cấp có thẩm quyền.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp gỡ, ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Vậy đã 49 năm trôi qua. Hào khí oanh liệt của cuộc chiến tranh thống nhất non sông về một mối mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30/4 không bao giờ phai nhạt.

Ảnh minh họa.

Nhằm tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 19/4 hằng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sản xuất bột đá CaCO3 tại Công ty cổ phần Stone Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản bằng những việc làm, hành động cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục