Ai mang điện nước về thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2000, lần đầu tiên những cột bê tông cao lớn “cõng” điện lên thắp sáng các bản làng của xã Sơn A (huyện Văn Chấn) - Yên Bái. Bà con các dân tộc ở đây rất đỗi vui mừng. Hôm nay, sau 9 năm sáng điện, tôi về thăm bản Cò Cọi, xã Sơn A nhưng thật ngỡ ngàng khi lại thấy những cột bê tông nằm trơ trọi giữa đồng cùng những đường dây mắc còn dang dở. Lại bắt gặp những cái nhìn bâng khuâng đầy nghi hoặc, khiến tôi chạnh lòng nghĩ tới niềm tin của bà con dân bản vốn đã bị “chắp vá” nhiều lần vì những đường dây mắc điện kia vẫn đang bị bỏ lửng.
Cán bộ Công ty nước và VSMT khảo sát đo đạc địa hình trước khi thiết kế công trình nước sạch cho nhân dân các xã vùng cao ở Mù Cang Chải.
|
“Gập ghềnh” đường điện lên thôn
Đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, kinh tế còn nghèo nàn. Tuy vậy, người dân ở đây vẫn đang phấn đấu hết mình cho sự phát triển đi lên. Với bản Cò Cọi, năm 2000, ánh sáng điện lần đầu tiên về bản là nhờ sự cố gắng chung của toàn dân bản, với mỗi hộ 480.000 đồng, bản Cò Cọi đã dựng được cột, mắc được điện. Tuy chỉ là đường điện một pha nhưng với điều kiện của người dân khi đó, việc tự lực mang được ánh sáng về nhà đã là một thành quả đáng ghi nhận. Nhưng càng ngày số hộ dân trong bản càng tăng lên, đồng nghĩa với việc đường điện một pha cũng trở nên quá tải. Vì vậy, năm 2005 trưởng bản Lò Văn Tiềng lại tiếp tục vận động bà con, mỗi hộ đóng thêm 50.000 đồng để kéo đường điện hai pha. Bà con lại nhất lòng ủng hộ. Tuy thế, công trình đường điện của bản Cò Cọi vẫn còn rất tạm bợ do chỉ được đầu tư nhỏ lẻ như vậy, vì đường dây kéo điện vào thôn dài, công suất tiêu thụ điện lớn nên hao phí về điện năng tăng lên. Người dân phải chịu mức giá điện cao gần gấp hai lần giá bình thường (1.600đ/số). Nhưng “lần nào đi họp cũng kiến nghị với xã nhờ xã tham mưu lên cấp trên trợ cấp cho chúng tôi làm lại đường điện mà không được. Xin không được thì dân phải tự lo thôi, không hi vọng gì!”. Ông Tiềng buông tiếng thở dài khiến tôi cảm thấy ái ngại. Vùng cao vốn là mối quan tâm đầu tư hàng đầu của Chính phủ để giúp phát triển đồng đều nền kinh tế - xã hội của đất nước. Song, đến với bản Cò Cọi, tôi không khỏi băn khoăn về sự “đồng đều” ấy trong mục tiêu phát triển kinh tế chung.
Đối với người dân, mỗi lần nhận được quyết định đầu tư của Nhà nước là một lần hi vọng. Tháng 11 năm 2008, một công ty điện lực về bản với dự án xây dựng công trình hạ thế tại xã Sơn A do Nhà nước đầu tư. Bà con phấn khởi chặt cây mở đường để kéo điện về thôn. Nhưng đến nay, đã qua gần bốn tháng, không hiểu vì lý do gì mà công trình hạ thế này vẫn chỉ trơ trọi là những cột bê tông cùng những đường dây điện đang được kéo dang dở giữa đồng. Ai mang niềm hi vọng gieo vào lòng dân bản rồi lại dập tắt đi khi nó vừa nhen nhóm? Để hôm nay thoáng gặp những cái nhìn bâng quơ, né tránh của bà con khiến tôi phải chạnh lòng. Muốn xây dựng lòng tin trong nhân dân thật không hề đơn giản, nhưng muốn phá vỡ niềm tin ấy thì lại chẳng khó khăn gì, đặc biệt là như với những gì đang diễn ra tại bản Cò Cọi xa xôi. “Quốc dĩ dân vi bản…” – Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử muôn đời sau còn thấm nhiều ý nghĩa!
“Nước” chờ Nhà nước
“Đói thì có khoai sắn để ăn, rét thì có củi cây để sưởi. Nhưng không có nước ăn thì khổ lắm” – Bà Lò Thị Tắm (thôn Cò Cọi 1) tâm sự. Có lẽ từ rất lâu rồi, từ những ngày bà Tắm còn nhỏ đã thấy cảnh ông cha mình hàng ngày vất vả đi gánh nước sạch về ăn. Đến đời bà, vẫn đôi quang gánh đó lại lẽo đẽo suốt hai cây số lên nhà ông Ơn (thôn Cò Cọi 2) xin nước uống. Gần 50 giếng trong thôn Cò Cọi 1 nước không uống được, bởi mỗi khi đun lên, dưới đáy ấm để lại một lớp vôi trắng xoá, còn nước sôi, sau khi cho chè vào thì lập tức nổi lên một lớp váng màu vàng đục trên mặt chén. Nước tuy rất trong nhưng nhạt nên chỉ dùng để phục vụ vệ sinh hàng ngày và chăn nuôi gia súc.
Từ năm 2003, sau một loạt những kiến nghị hỗ trợ cung cấp nước sạch cho bà con mà không thấy hồi âm, đến nay 28 hộ gia đình trong thôn Cò Cọi 1 tự đóng góp mỗi hộ 900.000 đồng để mắc đường ống dẫn nước từ thị trấn Nông trường Liên Sơn về sử dụng. Khoản đầu tư tương đối cao đối với người dân trong thôn. Bởi thế, phần lớn bà con thôn Cò Cọi 1 vẫn “chạy nước từng ngày”. Mặc dù nguồn nước sạch thì không ở đâu xa, chỉ cách thôn Cò Cọi 1 chưa đầy 3km, đó là xã Nậm Lành – nơi gần nhất để có thể mắc ống dẫn đưa nước sạch về. Nhưng để mang được nước đó về nhà vẫn chỉ là “giấc mơ không có thật” của bà con trong thôn.
Khi về thăm bản Cò Cọi để thực hiện bài viết này, tôi lại thấy trong đôi mắt bà con dân bản loé lên niềm hi vọng vào một sự thay đổi lớn lao nào đó. Nhìn những cảnh đời vất vả ngược xuôi bên đôi quang gánh trĩu nặng bên dòng Thia, tôi lại ước có một ngày nơi đây sẽ không còn vất vả, cuộc sống của bà con bản Cò Cọi ngày thêm phát triển, ấm no.
Nguyễn Tươi
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái hiện có 800 doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp). Năm 2008, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách trên 228 tỷ đồng, chiếm 58,21% số thu của tỉnh; giải quyết việc làm cho 22.000 lao động. Đóng vai trò là “xương sống” nền kinh tế, nhưng tình trạng chung là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu nên rất khó khăn khi lạm phát và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, có đơn vị đứng trên bờ phá sản.
YBĐT - Việc giải quyết hậu quả sau "cái chết" của sông Thị Vải (tháng 9 năm 2008) chưa thôi, khiến các nhà chức trách và người dân tỉnh Đồng Nai ngày đêm trăn trở, hôm nay trở về xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, chúng ta lại không khỏi đau lòng khi thấy dòng sông Hồng cũng đang "nghẹn ngào kêu cứu".
YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, vì vậy, mỗi năm Trạm Tấu đều nhận được những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Đó là hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách, từ nguồn dự án tài trợ, vốn vay nước ngoài mà Nhà nước dành để vùng cao xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; những chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
YBĐT - Mới đây, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đã mời các ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng; giám đốc và chủ đồ án thiết kế, khảo sát của các công ty tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng để kiểm tra những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở địa phương – một việc làm ít thấy trong nhiều năm qua.