Thiết thực hưởng ứng Giờ Trái đất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2011 | 9:17:59 AM

YBĐT - Theo chương trình, vào lúc 8h30' tối thứ 7 ngày 26/3/2011, mọi người trên toàn thế giới sẽ tắt đèn vì Giờ Trái đất.

Giờ Trái đất (tiếng Anh là Earth Hour), do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động nhằm nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, kêu gọi mỗi cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia tắt điện và các thiết bị không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm (năm nay là ngày 26/3).

Khẩu hiệu tuyên truyền về "Giờ trái đất"

1. Tắt đèn bật tương lai!
2. Hành động nhỏ cho thay đổi lớn!
3. Mỗi tổ chức, cá nhân hãy tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ hoặc lâu hơn!
4. (Thành phố/huyện/thị xã…) hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2011!
5. Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai.

 Theo chương trình, vào lúc 8h30' tối thứ 7 ngày 26/3/2011, mọi người trên toàn thế giới sẽ tắt đèn vì Giờ Trái đất. Thông điệp chính của chiến dịch Giờ Trái đất 2011 là "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu"; thông điệp phụ là "Hãy tắt đèn vào lúc 20h30' - 21h30' ngày 26 tháng 3 năm 2011".

Điểm khác biệt lớn nhất của Giờ Trái đất năm nay chính là không chỉ dừng lại ở việc tắt đèn trong một giờ. Nói một cách đơn giản là, việc tắt bóng điện chiếu sáng một giờ vào buổi tối và hành động trong cả 365 ngày để mọi người suy nghĩ về tài nguyên thiên nhiên, từ đó sống có trách nhiệm hơn, có những việc làm cụ thể hơn, thiết thực hơn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên...

Câu chuyện về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang rất "nóng" trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam khi mà sự biến đổi của khí hậu ngày càng ảnh hưởng đậm nét, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Giờ Trái đất diễn ra vào cuối tháng 3  - thời điểm mùa khô, đi kèm với nó là thiếu điện gay gắt.

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, Giờ Trái đất được tuyên truyền rất mạnh mẽ và người dân cũng hưởng ứng cũng rất nhiệt tình. Đây thực sự là hành động tự nguyện lớn nhất của nhân loại. Việt Nam đã tham gia Giờ Trái đất trong năm 2009 (diễn ra ngày 28/3) và 2010 (diễn ra ngày 27/3). Năm 2009, lượng điện tiết kiệm được ở Việt Nam trong chiến dịch này ước tính khoảng 140.000KWh. Năm 2010, giờ trái đất ở Việt Nam cũng đã tiết kiệm được 500.000 kWh điện, tương đương 450 triệu đồng. Giờ Trái đất  đã và đang được người dân hưởng ứng.

Đúng vào Giờ Trái đất năm nay, nhiều hộ dân đang chìm trong bóng tối bởi lịch cắt điện luân phiên. Như vậy có nghĩa là chẳng cần động tác tắt bóng điện trong 1 giờ nhà vẫn cứ tối om… 5 giờ liên tục! Chịu cảnh cắt điện luân phiên đã lâu và còn kéo dài nên đúng vào Giờ Trái đất, công nhân điện lực có đóng điện trở lại thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người reo lên câu: "Có điện rồi!"và trong phút chốc họ sẽ quên mất việc phải tắt bóng điện chiếu sáng để hưởng ứng Giờ Trái đất.

Vui vì có điện trở lại nhưng đừng quên Giờ Trái đất, đừng quên rằng thiên nhiên đang "nổi giận" vì chính những việc làm hủy hoại môi trường của con người, sự "nổi giận" ấy đang khiến nhiều người nghèo đói, mùa màng thất bát, đất đai thu hẹp, thậm chí là đau thương.

Nếu mỗi người trong chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu, bảo vệ Mẹ Trái đất thì những trận lũ lụt, hạn hán sẽ bớt đi. Nếu người người, ngành ngành cùng có ý thức hơn trong việc tiết kiệm năng lượng như: tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế tối đa sử dụng điện vào giờ cao điểm; không để ti vi, máy tính ở chế độ chờ; sử dụng máy điều hoà nhiệt độ ở mức trên 25 độ C... thì chắc sẽ không phải chịu cảnh cắt điện luân phiên, ít nhất là lịch cắt sẽ mỏng đi, thời gian cắt sẽ ngắn lại.

Hưởng ứng Giờ Trái đất, có những việc làm cụ thể, thiết thực để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi người trong chúng ta.

 Giờ Trái đất là chiến dịch toàn cầu do Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, là một sáng kiến toàn cầu về biến đổi khí hậu của WWF. Sự kiện bắt đầu tại thành phố Sydney (australia) năm 2007, khi 2 triệu người đã tham gia tắt đèn. Đến năm 2010, Giờ Trái đất đã trở thành một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử với sự tham gia của 128 quốc gia trên tất cả các châu lục với nhiều kỳ quan tự nhiên và nhân tạo.

Theo WWF, điểm khác biệt lớn nhất của Giờ Trái đất năm nay chính là Giờ trái đất 2011 không chỉ dừng lại ở tắt đèn trong một giờ, mà kêu gọi từng cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới thực hiện nhiều hành động nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2 trong suốt cả năm. 

 

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Ngày 22/5/2011 - cùng với cử tri cả nước, cử tri các dân tộc Yên Bái sẽ thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

YBĐT - Cần hạn chế nhập khẩu một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa đối với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu – mỗi một người Việt Nam yêu nước cần nhận thức và hành động trước mệnh lệnh hành chính này bằng cả trái tim và lương tri trong công cuộc chống lạm phát hiện nay.

Rượu, bia quá chén làm mất phẩm chất, tư cách của người cán bộ, công chức. (Ảnh: minh họa)

YBĐT - Soi mình trước Bác, mỗi cán bộ, đảng viên hãy học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, gương mẫu rèn luyện, sửa mình, không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

YBĐT - Chính phủ đã quyết định nâng giá bán điện năm 2011 (mức tăng bình quân 15,28%) so với mức giá bình quân năm 2010 kể từ ngày 1/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục