Chắp cánh cho văn nghệ quần chúng
- Cập nhật: Thứ tư, 9/1/2013 | 9:40:24 AM
YBĐT - Văn nghệ quần chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân, đặc biệt ở các thôn, làng, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên, trước đây, phong trào văn nghệ quần chúng mới chỉ phát triển chủ yếu ở khu vực cán bộ, công nhân viên chức và cơ quan Nhà nước.
Đến nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, thực tế tại các địa phương cho thấy, ở các thôn, bản, tổ dân phố người dân đã tự nguyện thành lập các đội văn nghệ cho riêng mình. Không có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, song bằng những nhạc cụ của mỗi thành viên, hội viên đang chơi sẵn có mang tới, nhiều nơi đã xây dựng thành công nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ, nhiều chương trình văn nghệ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, góp phần quan trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
Đó là các đội múa mơi ở các xã Sơn A, Thanh Lương, Thạch Lương (Văn Chấn) của người Mường, múa xòe của người Thái ở xã Nghĩa An, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cùng những câu lạc bộ nghệ thuật của những người con xa quê như Câu lạc bộ dân ca Hương Quê (Nghĩa Lộ) của người dân miền xuôi Thái Bình chuyên các làn điệu dân ca trữ tình phục vụ quần chúng hay đội múa mơi người Mường xã Qui Mông, huyện Trấn Yên đã có mặt thường xuyên trong các dịp lễ hội.
Điển hình là Câu lạc bộ nghệ thuật cựu chiến binh do những người lính năm xưa từng tham gia các hoạt động văn nghệ phục vụ chiến đấu giờ lại tề tựu bên nhau múa hát phục vụ nhiệm vụ chính trị của Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng như các ngày lễ, tết ở thành phố Yên Bái đã từng được nhiều người biết tới.
Họ là những người lính nay là người lao động say mê nghệ thuật lập nên câu lạc bộ. Người đàn bầu, người cây đàn ghi ta, người có điều kiện tài trợ cho câu lạc bộ thêm nhạc cụ, trang phục biểu diễn, tất cả bằng nhiệt huyết của mình thể hiện thành lời ca, điệu múa. Những hội viên này khi có triệu tập chuẩn bị biểu diễn, họ sẵn sàng có mặt ngay. Và sau những giờ phút ca múa ấy, những diễn viên không chuyên lại trở về cuộc sống đời thường với cơm áo hàng ngày của người thợ xây, quét vôi ve, trông xe đạp cho trường học...
Từ thực tế trên cho thấy, văn nghệ quần chúng là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân, đặc biệt là thôn, bản, tổ dân phố. Khơi dậy, chắp cánh cho phong trào văn nghệ quần chúng ở khu vực này là hết sức cần thiết. Khơi dậy phong trào ở đây, bên cạnh việc quan tâm đầu tư bằng vật chất, quan trọng hơn, ngành chức năng phải tạo ra sân chơi cho các câu lạc bộ nghệ thuật và đội văn nghệ; tổ chức nhiều hơn các hội diễn văn nghệ, đặc biệt đầu tư ở cấp xã, có thể theo hình thức hội diễn hoặc cụm xã để các câu lạc bộ, đội văn nghệ thôn, khu phố, xã, phường được vui chơi, ca, múa thi tài, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Hiến pháp là văn bản pháp lý quan trọng nhất của mỗi đất nước. Bản Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi. Sửa đổi cho sát hợp hơn với tình hình thực tế của quốc gia, dân tộc và quốc tế.
YBĐT - Tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa lễ hội đang đến gần. Dù không "nóng" như địa phương khác do số lượng xe và luồng, tuyến không nhiều (Yên Bái có khoảng trên 200 đầu xe vận tải chạy các tuyến, trong đó gần 20 tuyến liên tỉnh và gần chục tuyến nội tỉnh).
YBĐT - "Tiếp tục giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần cải thiện nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp CNH - HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh" là mục tiêu tổng quát của Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2015.
YBĐT - Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng, mỗi dân tộc có phong tục và tập quán khác nhau. Ngày tết cũng khác nhau nhưng căn bản giống nhau là đều tổ chức dịp kết thúc một năm làm ăn, sản xuất với các nghi thức kết tụ lâu đời như thờ cúng tổ tiên, trời đất…