Chủ động ứng phó với gió lốc
- Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2013 | 9:18:45 AM
YBĐT - Nắng nóng, oi bức đã khiến nhiều tỉnh, thành trong đó có Yên Bái từ cuối tháng tư, đầu tháng 5 đến nay vào chiều tối, đêm và sáng sớm hay có xuất hiện những trận mưa rào và giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gây thiệt hại lớn về người và của.
Ảnh minh họa.
|
Chỉ tính riêng đợt lốc đêm 30/4, rạng sáng 1/5/2013 ở tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa... đã thiệt hại rất lớn. Riêng tỉnh Lào Cai đã thiệt hại trên 54 tỷ đồng. Cũng vào thời điểm này ở huyện Quan Hoá (Thanh Hoá), huyện An Lão (Bình Định) và nhiều huyện, thị ở Yên Bái gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, hoa màu, không ít người bị thương.
Gần nhất là sáng 8/5, một trận mưa lớn và gió lốc làm 169 nhà dân ở thành phố Yên Bái bị tốc mái, nhiều tài sản tập thể và gần 2 ha hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Chỉ cần điểm lại những địa danh gió lốc đi qua đã cho thấy tính phức tạp của gió lốc. Đáng ngại hơn là hiện nay ngành khí tượng thuỷ văn vẫn không thể dự báo được gió lốc xảy ra khi nào và lúc nào.
Thiệt hại do gió lốc gây ra sẽ rất lớn nếu như chưa có sự chủ động phòng chống.
Theo số liệu thống kê thiệt hại của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tại các địa phương bị gió lốc có 3.595 ngôi nhà bị ảnh hưởng hư hỏng do gió lốc, trong đó 22 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 3.573 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ. Đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy vừa qua cho thấy tính chủ động trong phòng chống gió lốc ở các địa phương chưa cao.
Thực tế cho thấy ở các địa phương xảy ra gió lốc bị sập nhà tốc mái nhà dân đều là các công trình chưa được xây dựng kiên cố. Việc chủ động thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy tại các địa phương này chưa được tiến hành.
Với các nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, phibrô xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng cây tre, gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn để chằng hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy. Song, việc tuyên truyền phổ biến cách phòng chống gió lốc của các ngành chức năng cũng như chính quyền cơ sở còn rất hạn chế, khiến người dân thiếu chủ động trước thiên tai.
Do vậy để hạn chế thấp nhất thiệt hại do gió lốc, trước mùa mưa cùng với vận động hộ dân có điều kiện xây dựng nhà kiên cố, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sát sao trong việc chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân chủ động chằng chống nhà; chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện…; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các dàn giáo của công trình cao tầng đang thi công. Khi có mưa kèm theo giông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm, đến những nơi an toàn, tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm dễ bị ngã, đổ gây tai nạn.
Các địa phương cần chủ động hướng dẫn nhân dân phòng chống gió lốc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để có biện pháp phòng, tránh và ứng phó kịp thời.
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Đánh giá 10 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về: “Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo” tại Yên Bái cho thấy chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực.
YBĐT - Vào thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Văn Chấn đang tích cực phát triển đàn lợn sau dịch tai xanh năm 2012. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng thực sự đáng ngại bởi dịch tai xanh đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước nếu không chủ động phòng chống.
YBĐT - Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 4.500 trường hợp mắc cúm được thống kê, quý I năm 2013 đã có 2 trường hợp tử vong nghi nhiễm cúm A/H1N1... Tuy vậy, trước hết phải khẳng định rằng các loại dịch cúm tại Yên Bái hiện nay chưa có dấu hiệu bất thường.
YBĐT - Là tỉnh có diện tích chè đứng thứ hai của cả nước, trong những năm qua, chè được xác định là cây trồng mũi nhọn chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng vạn người dân Yên Bái. Song, trên thực tế, đến nay cây chè vẫn chưa thể giúp người dân thoát nghèo và làm giàu.