Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng cao: Tập tục khó “nhổ”
- Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2013 | 8:43:34 AM
YBĐT - Mặc dù cán bộ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp có thai 3 - 4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường...
Cán bộ dân số xã An Bình (Văn Yên) tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ các thôn, bản vùng sâu đặc biệt khó khăn của xã.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Trên giường bệnh, người phụ nữ mới 27 tuổi, bụng to gần vượt mặt, ước chừng cũng đã đến tháng thứ 7, thứ 8 nằm bất động với phần bả vai, chân và đùi được bó bột kín, trông như chị vừa bị một tai nạn khá nặng. Tôi lân la hỏi chuyện người nhà của chị:
- Chị ấy bị sao vậy bác?
- Em nó bị gẫy xương quai xanh, gãy xương đùi.
- Chị ấy có bầu tháng thứ mấy rồi, thai nhi có sao không ạ?
-May bác sĩ bảo cái thai không sao. Phụ nữ nông thôn khổ thế đấy cháu ạ! Bầu bí đến tháng thứ 8 rồi mà vẫn phải đi làm nương để bị ngã, giờ thì nằm thế này cho tới lúc đẻ thôi!
- Sao chị ấy lại chủ quan vậy? Chửa tháng thứ 8 rồi thì làm việc nhẹ thôi chứ!
- Nhà nghèo, không làm thì lấy gì ăn. Bây giờ bị thế này rồi thì nằm ở đây cho tới lúc đẻ. Bác sĩ bảo phải mổ đẻ do xương đùi sẽ không liền nhanh.
Câu chuyện ngắn ngủi với người nhà của chị Hoàng Thị L – xã An Thịnh, huyện Văn Yên trong bệnh viện đã cho thấy một thực tế rất đáng lo ngại là phụ nữ vùng cao khi mang thai vẫn phải lao động nặng nhọc, nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Và trường hợp của chị L không phải là duy nhất.
Nhiều phụ nữ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số với tập quán sinh hoạt lạc hậu vẫn tự sinh đẻ tại gia đình mà không có sự trợ giúp của cán bộ y tế và đã có không ít những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Chị Hoàng Thị Phượng – cán bộ Trạm Y tế xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: “Toàn xã có 26 thôn, trong đó có 7 thôn vùng cao chủ yếu là người Mông, còn bị ảnh hưởng nặng nề của phong tục, tập quán lạc hậu. Mặc dù cán bộ y tế thôn, bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ trong quá trình mang thai. Nhiều trường hợp có thai 3-4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường, rất nguy hiểm tới sức khỏe của chị em”.
Làng Lao là thôn xa nhất của xã Cát Thịnh, mặc dù đã “hạ sơn” nhưng đường tới thôn vô cùng khó khăn, đi bộ mất một ngày rưỡi. Với gần 100% là đồng bào Mông, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn rất hạn chế, dù đã được cán bộ y tế thôn bản tuyên truyền, vận động nhưng phụ nữ ở đây hầu hết không đi khám thai sản. Và do không đi nên họ cũng không biết ngày nào sinh và thường tự sinh nở tại nhà trong môi trường, dụng cụ không được vô khuẩn, hết sức nguy hiểm đến sản phụ và em bé.
Chị Phượng cho biết thêm: “Hầu hết họ đều phải lao động nặng cho tới lúc sinh và chỉ sau 3-4 ngày là họ lại đi nương trồng cấy không nghỉ ngơi. Tập tục của họ như vậy, nó đã ăn sâu vào tiềm thức và cũng do đời sống quá khó khăn nên phải vậy”.
Tuyên truyền vẫn là phương thức tốt nhất hiện nay nhằm nâng cao nhận thức của người dân vùng cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có 17 thôn, chủ yếu là người Tày, Mông, Dao, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, đời sống còn khó khăn nên hầu hết tất cả phụ nữ mang thai đều phải lao động cho tới lúc sinh. Chị Hà Thị Xoan - cán bộ Trạm Y tế xã Hồng Ca cho biết: “Người dân chủ yếu làm ruộng, làm nương nên những công việc đồng áng, nương rẫy các chị đều phải kiêm hết, phụ nữ mang thai không được nghỉ ngơi, vẫn phải lao động bình thường, chính vì vậy, nguy cơ tai nạn lao động ở phụ nữ mang thai là rất cao”.
Ở Hồng Ca có 2 thôn Khe Ron và Khe Tiến là xa nhất, cách trung tâm xã 12km, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên vẫn có thể đi được bằng xe máy nhưng rất hiếm phụ nữ mang thai tới Trạm Y tế. Đặc biệt 2 thôn này 100% đồng bào Mông, trong tập quán sinh hoạt, họ coi việc sinh nở rất đỗi bình thường nên hầu hết tự sinh nở tại nhà, do chồng hoặc mẹ tự đỡ đẻ.
Chị Xoan chia sẻ: “Dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng tập quán của họ đã ăn sâu bám rễ rồi, chỉ khi họ đau bụng lâu mà không đẻ được, hoặc những ca đẻ khó họ mới xuống trạm y tế, hết sức nguy hiểm”.
Theo số liệu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Yên Bái, năm 2012 toàn tỉnh có 77 ca trẻ chết sau sinh, 2 sản phụ tử vong sau sinh. 6 tháng đầu năm 2013, có 37 trẻ chết sau sinh và 4 sản phụ tử vong do băng huyết sau 1 giờ. Đáng chú ý trong 4 sản phụ này có 3 sản phụ ở huyện Văn Chấn, 1 sản phụ của huyện Trạm Tấu và cả 4 sản phụ tử vong đầu năm 2013 này đều sinh tại nhà. |
Tuy nhiên, với quan điểm sinh nở hoàn toàn tự nhiên, đơn giản nên việc bổ sung dinh dưỡng với phụ nữ mang thai ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số hoàn toàn là chuyện xa xỉ! Chính vì vậy mà tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng sau sinh ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số rất cao; chiều cao, cân nặng, thể trạng của trẻ miền núi cũng thấp hơn so với trẻ vùng thấp, vùng đồng bằng. Đó là chưa kể đến rất nhiều trường hợp trẻ tử vong sau sinh, số sản phụ tử vong trong quá trình sinh nở do những nguyên nhân thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản.
Thực trạng đã quá rõ ràng, nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì việc giải quyết vấn đề này là hết sức khó khăn và lâu dài. Đời sống khó khăn cũng đang được cải thiện dần nhưng phong tục, tập quán thì không thể thay đổi một sớm một chiều bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng cao từ bao đời nay. Và công tác tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân vùng cao.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, không chỉ cán bộ y tế đi sâu, đi sát cơ sở mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở. Trước hết, thay đổi từ chính suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, hội viên, đoàn viên, đó sẽ là tiền đề cho những thay đổi ở cộng đồng.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Vượt qua con đường ngoằn nghèo đất đỏ với hơn một giờ đồng hồ vật lộn lúc đủn, lúc đẩy chúng tôi cũng đến được điểm trường thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Giúp các hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, ngày 16/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
YBĐT - Những nơi như chuồng trâu, chuồng bò, họ không ngần ngại có mặt. Ở chỗ này có con lợn chết, chỗ kia con gà mắc dịch, họ đều đến kịp thời để "bắt bệnh". Họ là những thú y viên cơ sở tận tâm với nghề dù chỉ sống bằng những đồng phụ cấp ít ỏi.
YBĐT - Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là ngày đặc biệt vui mừng với những người hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng đối với những người còn đang chấp hành án phạt tại Trại giam Hồng Ca.