Liên kết - sự sống còn của ngành chè

Bài 3: Nhà máy “CAO”, sản phẩm “THẤP”

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/10/2013 | 9:15:41 AM

YBĐT - Diện tích chè nhiều đồng nghĩa doanh nghiệp chế biến lắm, nếu như không nói là quá hùng hậu. Từ vùng cao đến các vùng quê, bản làng, đâu đâu cũng thấy cơ sở, nhà máy chế biến chè từ nhỏ đến to, nhiều đến nỗi vượt quá gần hai lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu.

Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn đều sơ chế chè đen bán thành phẩm.
Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn đều sơ chế chè đen bán thành phẩm.

Nhà máy thì đủ các loại, có loại thiết bị máy móc được sản xuất từ thời trước cải cách ruộng đất, đúng ra đã có thể “bán sắt vụn” từ lâu đến những mô - đen mới của thế kỷ XXI.

>> Bài 1: Tổng quan ngành chè

>> Bài 2: Đau đầu nguyên liệu xấu

Cứ tưởng nguyên liệu lắm, nhà máy nhiều sẽ giúp cho ngành chè thêm phát triển nhưng đó lại là một “nỗi đau” của ngành chè Yên Bái. Dây chuyền máy móc cũ kỹ, lạc hậu và sự bung ra quá nhiều như nấm sau mưa các nhà máy chế biến đã làm chao đảo vùng chè. Với diện tích chè chưa đầy 12.000ha, sản lượng thu hái đạt gần 100.000 tấn mỗi năm mà có tới 104 công ty, nhà máy, hợp tác xã, cơ sở chế biến có công suất từ 3 tấn đến 40 tấn búp/ngày, vượt quá hai lần so với khả năng cung ứng của vùng nguyên liệu. Điều đáng nói hơn là trong số cơ sở chế biến này, có 21 cơ sở chế biến chè xanh, còn lại đều chế biến chè đen bán thành phẩm cũ kỹ.

Bên cạnh đó còn có hàng trăm cơ sở chế biến chè xanh theo nhóm hộ, hộ gia đình. Có tới hơn nửa số nhà máy, công ty tham gia sản xuất, chế biến chè nhưng không hề có một héc-ta nguyên liệu nào. Không có nguyên liệu nhưng họ cũng không hề liên doanh, liên kết với các hộ nông dân để thu mua nguyên liệu. Thế là để có nguyên liệu sản xuất, họ đã tranh giành nguyên liệu bằng mọi giá, mọi cách, nào là đẩy giá lên cao, nào là mua bất chấp chất lượng. Người dân thấy doanh nghiệp mua không quan tâm tới chất lượng cũng đua nhau “cắt” chè. Để có búp, họ đưa các loại phân hóa học, thuốc kích thích vào sử dụng vô tội vạ nhằm tăng năng suất, làm kiệt quệ cây chè.

Trên vùng chè nổi tiếng, có những cây chè cổ thụ vài trăm năm tuổi và được ví là “thủ phủ” của chè nhưng lại chỉ có 6 dây chuyền chế biến chè xanh, 3 dây chuyền chế biến chè CTC, còn lại chế biến chè đen. Sản lượng chế biến chè đen nhiều nhưng chất lượng lại rất thấp hay nói đúng hơn là mới chỉ chế biến chè đen bán thành phẩm. Có ai đó cứ nói, chúng ta phải giữ thương hiệu chè Yên Bái nhưng quả thực, chè Yên Bái chưa có thương hiệu, ngoại trừ sản phẩm chè xanh Suối Giàng được vinh danh thương hiệu chè Việt năm 2008.

Tuy nhiên, sau sự tôn vinh đó, chè Suối Giàng đã không biết giữ được uy tín và dần đánh mất thương hiệu đối với cả người tiêu dùng trong và ngoài nước. Khi mất đi giá trị, thương hiệu thì lại ra sức xây dựng thương hiệu và cho tới cuối tháng 5 vừa qua mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng huyện Văn Chấn. Ngoài ra, sản phẩm chè Yên Bái được sản xuất và đóng bao tải đem đi tiêu thụ qua các khâu trung gian và qua Tổng công ty Chè Việt Nam.

Trước sự hỗn độn của ngành chế biến chè, nhất là nạn chế biến chè bẩn, năm 2010, các ngành chức năng tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra 94 cơ sở chế biến thì chỉ có 9 cơ sở đạt loại A, 49 cơ sở đạt loại B và có tới 23 cơ sở đạt loại C (không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm). Tưởng rằng sau những đợt kiểm tra đó, các chủ doanh nghiệp sẽ chú tâm hơn, đầu tư hơn cho hoạt động chế biến nhưng năm 2012, kiểm tra 104 cơ sở vẫn là một kết quả đáng thất vọng: số cơ sở đạt loại A chỉ còn 7, cơ sở đạt loại B là 47 và có tới 40 cơ sở đạt loại C. Đáng chú ý, có 6 cơ sở từ loại C chuyển lên loại B nhưng lại có tới 17 cơ sở chuyển từ loại B xuống loại C.

Theo quy định, các cơ sở đạt loại C sau khi được nhắc nhở mà không khắc phục sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Bước vào niên vụ sản xuất chè năm 2013, một thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã được gửi xuống 8 cơ sở chế biến, kinh doanh chè đạt loại C nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngành này thu hồi giấy phép của đơn vị nào. Tình trạng hỗn độn, kém chất lượng trong chế biến dẫn đến chất lượng sản phẩm chè không cao, giá thấp.

Trong giai đoạn 2006 - 2016, chỉ có 11 đơn vị, cơ sở chế biến tham gia xuất khẩu sản phẩm chè, còn lại bán qua khâu trung gian. Tuy nhiên, số đơn vị, doanh nghiệp này cũng không xuất khẩu thường xuyên, giá thấp bình quân 1,2 USD/kg và số lượng cũng ngày một giảm. Năm 2010, toàn tỉnh xuất khẩu 1.476 tấn chè sang thị trường Nga, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc nhưng năm 2012 chỉ có 4 đơn vị xuất khẩu chưa đầy 970 tấn. Có nhiều người cho rằng, không phải cứ xuất khẩu mới đánh giá chính xác tiềm lực của các doanh nghiệp cũng như sản phẩm chè Yên Bái. Điều đó không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng bởi thực tế, sản phẩm chè có tốt, doanh nghiệp có đủ mạnh thì mới có khả năng tham gia xuất khẩu.

Qua đó cho thấy, những tồn tại trong hoạt động sản xuất chè là quá nhiều, năng suất thấp, chất lượng búp kém, không đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao. Việc quy hoạch và tuân thủ quy hoạch còn nhiều hạn chế, tiến độ trồng cải tạo giống chè còn chậm và làm xôi đỗ, không mang lại hiệu quả.

Đặc biệt là có quá nhiều cơ sở chế biến chè xây dựng không theo quy hoạch. Dây chuyền công nghệ không được đầu tư theo hướng hiện đại để tạo ra chè thành phẩm chất lượng. Việc xây dựng, phát triển thị trường còn nhiều hạn chế, công tác xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập. Giá trị thu nhập của ngành chè chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè thiếu trách nhiệm với vùng nguyên liệu, bắt chẹt nông dân. Giá thu mua nguyên liệu thấp, các doanh nghiệp cho rằng, chi phí sản xuất cao, giá tiêu thụ sản phẩm thấp, doanh nghiệp khó khăn, không có điều kiện tái đầu tư nguyên liệu cũng như đẩy giá thu mua lên cao.

Quả thật, sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế cơ chế thị trường, nhất là sản xuất mặt hàng nông sản, thị trường lên xuống bấp bênh, doanh nghiệp sẽ khó khăn nếu như không có giải pháp và không có chiến lược phù hợp. Doanh nghiệp nào cũng kêu khó khăn nhưng có nhiều doanh nghiệp mới tham gia sản xuất, chế biến chè một, hai năm đã có xe lớn, xe nhỏ, thậm chí “chơi” hẳn xe sang. Khó khăn thế mà hàng loạt doanh nghiệp thành lập mới, như huyện Văn Chấn có 4.354ha chè nhưng có tới trên 50 cơ sở chế biến chè với công suất từ 3 tấn đến 40 tấn búp/ngày.

Rõ ràng, câu chuyện giá thu mua, sự liên doanh liên kết doanh nghiệp, nông dân đã bộc lộ những bất cập. Nông dân kêu doanh nghiệp, doanh nghiệp kêu nông dân, doanh nghiệp lớn kêu doanh nghiệp nhỏ bán phá giá thị trường... Nhưng thử hỏi, đã có doanh nghiệp chè nào trên địa bàn tận tâm, tận lực với vùng chè, với người nông dân? Đã doanh nghiệp nào chú trọng xây dựng thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm, đầu tư theo chiều sâu cho dây chuyền máy móc chế biến hay vẫn chỉ sản xuất chè bán thành phẩm? Khâu sản xuất đã vậy, khâu quản lý Nhà nước về sản xuất, chế biến, kinh doanh chè cũng có nhiều yếu kém, thiếu kiên quyết. Tỉnh cấp phép, huyện cấp phép, chồng chéo, không nằm trong quy hoạch.

Những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh chè, từ nhiều năm nay, các ngành chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp chè, người tâm huyết với cây chè thì ai cũng biết và biết một cách tường tận. Thế nhưng suốt một thời gian dài, cái vòng luẩn quẩn trong sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để và khoa học. 

(Bài 4: "Trả lại tên" cho chè)

Thanh Phong Anh

Các tin khác
Nguyễn Thị Đường với ngón tay út bị chặt vì không chịu để ép làm gái mại dâm.

YBĐT - Đường cho tôi xem bàn tay phải với ngón út bị chặt cụt 1 đốt, vết tích của những ngày phiêu bạt nơi xứ người, chịu sự đánh đập tàn tệ của đám chủ dẫn mối, ép gái Việt đi bán dâm, hé lộ sự thật hãi hùng về cuộc sống nơi "địa ngục trần gian" mà không ít người vẫn mơ hồ nuôi ước mơ hay mạo hiểm "gửi trứng cho ác" mong tìm được cơ hội đổi đời nơi xứ người...

Đây là lý do giải thích vì sao chất lượng nguyên liệu chè ngày càng xấu. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)

YBĐT - Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn lắc đầu ngao ngán: “Đời nào nguyên liệu dài cả gang tay, đưa vào chế biến chè đen cũng khó, nói gì đến chế biến chè chất lượng cao, chè xanh…”. >> Bài 1: Tổng quan ngành chè

Bên cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
(Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Sản xuất chè ở Việt Nam đang bất cập ở cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị: trồng, chế biến, tiêu thụ”.

Người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Căn với đôi mắt mù lòa đã 5 năm nay.

YBĐT - “Tôi chỉ mong làm được giấy tờ, xác nhận được chế độ, có như vậy nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng” - cứ khắc khoải mãi một nỗi niềm mong mỏi của một người lính, một cựu tù Phú Quốc. Đồng đội, người thân hiểu sự day dứt hơn ai hết, khi nỗi niềm mong mỏi đau đáu ấy đã đi qua gần bốn chục năm trời...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục