Tìm lại danh phận một cựu tù Phú Quốc
- Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2013 | 2:43:27 PM
YBĐT - “Tôi chỉ mong làm được giấy tờ, xác nhận được chế độ, có như vậy nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng” - cứ khắc khoải mãi một nỗi niềm mong mỏi của một người lính, một cựu tù Phú Quốc. Đồng đội, người thân hiểu sự day dứt hơn ai hết, khi nỗi niềm mong mỏi đau đáu ấy đã đi qua gần bốn chục năm trời...
Người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Căn với đôi mắt mù lòa đã 5 năm nay.
|
Nỗi niềm một cựu tù Phú Quốc
Người cựu tù Phú Quốc ấy là Nguyễn Văn Căn, hiện sống tại thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Hôm gặp ông, thấy ông tay cầm gậy, dò từng bước đi ở cái tuổi đã ngoài 70. Người thân bảo ông mù đã 5 năm nay, họ nghĩ đấy là do di chứng những ngày chiến đấu. Còn ông, về những ngày là chiến sĩ Đoàn 5, Quân khu Trị Thiên trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, chẳng kể gì nhiều mà chỉ bảo: “Chiến tranh, chiến trường, ai chẳng phải chiến đấu như ai”. Nhưng thương tật bên tai phải - cả vành tai xoắn vẹo như vỏ ốc thì tự nó nói lên điều cần nói. Đó là di chứng cho đến tận giờ, từ một đêm tháng 7 năm 1969, trong khi đang chiến đấu, bị trúng một quả M79 của địch nổ ngay trước mặt, ông tối tăm mặt mũi, tóc bốc cháy, máu chảy dầm dề bên tai phải. Ông bị địch bắt tại trận, chúng giải về Đà Nẵng, cho điều trị tại bệnh viện hơn tháng rồi đày đi tù ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang.
Nhắc những ngày tù đày khổ ải, không kể về những đau đớn, hành hạ, ông cũng chỉ bảo: “Ai chả biết tù Phú Quốc là thế nào nhưng tôi chưa bao giờ phải hổ thẹn với lòng mình”, còn những con số gắn với nơi này thì chắc mãi ghim trong tâm trí: số tù 6198 và 3 năm 8 tháng tù đày. Đến tận tháng 8 năm 1973, tại bờ nam sông Thạch Hãn, người tù mang số 6198 được địch trao trả tự do cùng nhiều tù binh khác theo Hiệp định Giơ-ne-vơ trong niềm vui khôn tả. Ông được quân đội đón và đưa đi an dưỡng tại Đoàn 127, Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3 bây giờ).
Sau 10 tháng an dưỡng, năm 1975, ông được đơn vị cho phục viên, trở về địa phương với chiếc ba lô cũ kĩ và giấy tờ của một quân nhân, trong đó có giấy chứng nhận thương tật 18%, trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của cả gia đình hàng xóm. Bởi những ngày bị bắt và tù đày, chiến sĩ Nguyễn Văn Căn không biết rằng, ông đã trở thành liệt sĩ khi giấy báo tử đã được gửi về cho gia đình từ năm 1970. Chiến tranh, đó cũng là chuyện không hiếm. Mừng tủi cứ lẫn lộn khi quê nhà cũng ít nhiều thay đổi. Sau 7 năm cách biệt, kể từ ngày nhập ngũ tháng 6 năm 1968, cuối cùng ông cũng được đoàn viên, trở về với cuộc sống thường nhật.
Thế rồi, khi Nhà nước có chính sách ưu đãi người có công, cũng như nhiều đồng đội khác, người cựu tù Phú Quốc ấy cùng gia đình đã mang giấy tờ đi làm chế độ. Hai vợ chồng ông còn nhớ lắm những ngày lóc cóc đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ, không biết bao lần đi lại để xác nhận chế độ cho ông nhưng hồ sơ mãi mà không hoàn thiện nổi. Mệt mỏi, trong một lần có người quen bảo sẽ giúp làm, ông tin tưởng giao giấy tờ cho họ, ai ngờ, người ta không những không giúp được còn làm mất luôn giấy tờ. Không biết trách ai, cũng chẳng biết kêu ai, người cựu tù Nguyễn Văn Căn hờn tủi chịu đựng: “Đi là nông dân, về vẫn là nông dân thôi”.
Không xác nhận được những gì mình đã từng cống hiến, hi sinh, không những giăng mắc cõi lòng một nỗi niềm khắc khoải, không chỉ có sự thiệt thòi về vật chất mà người cựu tù Nguyễn Văn Căn còn phải chịu cả sự đeo bám bởi tin đồn, hoài nghi từ dân làng về sự trung kiên trong những ngày lao tù, khổ ải. Với ông, đó là một nỗi buồn vô hạn mà dường như mình đã bất lực để chứng minh. Mới thấm thía sao giọt nước mắt lặng lẽ trào ra từ đôi mắt mù lòa tưởng như khô khốc của ông khi nhắc lại điều nguyện ước chưa thành...
Nghĩa tình đồng đội
Đồng đội của ông Căn, ấy là những người trong Ban liên lạc Quân khu Trị Thiên tại Yên Bái, có người biết ông từ ngày ở chiến trường nhưng cũng có người chỉ mới biết ông từ khi thành lập Ban liên lạc vào năm 2010. Nhưng những gì họ làm - lặn lội đi xác nhận chế độ cho ông - chỉ có thể là tình đồng đội.
Có lẽ những thành viên Ban liên lạc Quân khu Trị Thiên tại Yên Bái không thể không nghẹn lòng khi thấy hình ảnh người đồng đội Nguyễn Văn Căn với đôi mắt mù lòa trong buổi ra mắt của Ban liên lạc. Ông Lương Văn Duy - người trực tiếp tham gia hành trình đi xác nhận chế độ cho ông Căn bảo rằng: “Khi biết được ông Căn, chúng tôi chẳng thể nghĩ đồng đội mình còn có người hoàn cảnh khó khăn đến thế. Đồng đội còn khổ thì mình cũng không thể sung sướng. Chúng tôi quyết định dù vất vả, phức tạp đến mấy cũng phải giúp đồng chí Căn xác nhận được chế độ”.
Hoàng Văn Tặng, Phạm Ngọc Duy, Lương Văn Duy, Mai Huy Long, Nguyễn Văn Chung - những người lính già giờ đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, không phải tất cả đều có sức khỏe tốt, đã thay nhau ngược xuôi hàng chục bận tìm lại giấy tờ, làm thủ tục cho đồng đội. Ấy vậy, trở ngại đầu tiên mà họ gặp phải lại từ chính gia đình người đồng đội mù.
“Chúng tôi đã phải thuyết phục cả gia đình là để chúng tôi làm. Bà vợ ông Căn nhất định không đưa giấy tờ liên quan còn khóa chặt tủ lại bởi có lẽ, họ không còn tin là làm được. Chả trách họ được, còn thấy thương đồng đội hơn, có lẽ vì không còn tin là làm được”. Sự nhiệt tình không kể hết của những người đồng đội cuối cùng cũng đủ sức thuyết phục được gia đình ông Căn để một lần nữa tin tưởng vào những người đồng đội.
Hai ông Lương Văn Duy và Hoàng Văn Tặng bàn bạc việc làm giấy tờ, hồ sơ cho đồng đội.
Gom góp được 11 loại giấy tờ, những người lính già cùng nhau xuống Hà Nội tìm gặp Trưởng ban Liên lạc Nhà tù Phú Quốc ở Hà Nội với nguyện vọng được xác nhận cho đồng đội. Nhưng xem xong giấy tờ, người trưởng ban ấy bảo rằng: “Chẳng có gì liên quan về tù đày coi như không có giá trị. Trường hợp của đồng chí là hi hữu, người ta đã làm từ năm 1977 hết rồi mà sao hôm nay mới mang đến” đồng nghĩa với việc tất cả phải bắt đầu lại với con số không.
Qua hướng dẫn, họ phải đi tìm được hai loại giấy tờ: một là giấy chứng nhận của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và bản sao danh sách tù binh khi địch trao trả ở Phú Quốc; hai là xác nhận của hai đồng đội cùng tù ở Nhà tù Phú Quốc với ông Căn, phải là hai người được Chính phủ tặng kỉ niệm chương. Khi lấy được những giấy tờ này mới quay lại tính chuyện xác nhận.
Vất vả liên lạc qua nhiều mối, nhiều đồng đội, cuối cùng những người lính già cũng tìm được đồng đội cùng tù đày với đồng chí mình. Lại về Hà Nội, lặn lội tận nơi gặp gỡ, trình bày, họ cũng có được sự xác nhận của những cựu tù. Giấy này còn phải đi lại mất lần nữa vì lần đầu không lấy công chứng vào bản kỉ niệm chương của hai người cựu tù nọ. Mấu chốt, quan trọng và khó khăn hơn cả là giấy chứng nhận của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và bản sao danh sách tù binh. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 giờ đóng ở tận Hải Phòng. Những người lính già cũng hiểu không dễ gì có được giấy tờ này.
Lại một lần nữa liên lạc, tất tả nhờ vả những mối quan hệ, những người có thể. Trời không phụ công người, những người lính già đã được đồng đội giúp đỡ.
“Thật may, chúng tôi còn được người thân của đồng đội giúp đỡ, đưa về tận Hải Phòng, có lẽ cũng là vì họ cảm thông với hoàn cảnh của ông Căn”. Nghẹn thở trong lúc chờ đợi tìm bản danh sách tù binh tại Bộ Tư lệnh Quân khu 3, cuối cùng những người lính già cũng thở phào nhẹ nhõm khi được nhìn thấy bản danh sách ấy, càng vui mừng đến trào nước mắt khi thấy rõ tên tù binh Nguyễn Văn Căn nằm trong phần chiến sĩ kiên trung trong những ngày ở tù. Cầm trong tay những giấy tờ theo yêu cầu, những người lính già quay trở lại gặp Trưởng ban Liên lạc Nhà tù Phú Quốc ở Hà Nội để xác nhận cho đồng đội. Có được giấy xác nhận này, họ mới quay trở lại địa phương, hoàn thiện nốt những giấy tờ cần thiết.
Hơn nửa năm trời ngược xuôi, cả chục bận đi lại, tìm người nọ, gặp người kia, có những lần trở trời đau ốm nhưng đã hẹn rồi, những người lính già vẫn gắng gượng lên đường vì sợ lỡ việc. Tất cả vì đồng đội, không một chút tính toán, dù phải bỏ không chỉ thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc cá nhân, có người còn giấu cả gia đình... Và công sức của những người lính già ấy cuối cùng cũng đã được đền đáp. Họ đã vừa được đón nhận tin đồng chí mình được công nhận là chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày trong những giọt nước mắt mừng tủi qua những ngày chờ mong và trong cả cái “nghĩa tình đồng đội mà thương lấy nhau thôi!”.
Thu Hạnh - Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Hiện cả xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi.
YBĐT - Gần một năm trước đây, hàng chục hộ nông dân Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rất hồ hởi với cây ớt; những ruộng ớt xanh mượt, sai lúc lỉu thay thế dần những bãi ngô, những ruộng rau. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chính những cây ớt, quả ớt đó lại chính tay những người nông dân mang ra mặt đường bê tông phơi khô rồi... châm mồi lửa, những bãi ớt chưa kịp phá để cỏ mọc um tùm. Và rồi, hết lứa ớt đầu không thấy người ta triển khai vụ kế tiếp!
YBĐT - Không còn lạ lẫm với người dân Mù Cang Chải (Yên Bái), hiện cây ngô đã được trồng ở tất các địa phương trong huyện. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, kể từ khi có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.
YBĐT - Mặc dù cán bộ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp có thai 3 - 4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường...