Mù Cang Chải gian nan "truyền nghề"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2013 | 3:14:05 PM

YBĐT - Việc tổ chức học nghề ngắn hạn ở Mù Cang Chải đã bám vào các chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc dạy nghề trồng ngô, nuôi ong, trồng trọt - chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y… không chỉ mang đến cho đồng bào một nghề, một cách làm mới mà còn làm thay đổi trong nhận thức của không ít cán bộ cơ sở.

Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, Trung tâm đã mang nghề tới cho nông dân vùng cao Mù Cang Chải.
Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, Trung tâm đã mang nghề tới cho nông dân vùng cao Mù Cang Chải.

Năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 418 lao động nông thôn, trong đó có 95,2% học viên được cấp chứng chỉ nghề. Đến hết tháng 9, Trung tâm tổ chức 6 lớp dạy nghề cho 180 học viên, 176 học viên được cấp chứng chỉ nghề, đạt 97%. Từ nay đến hết năm, Trung tâm sẽ mở tiếp 5 lớp đào tạo nghề. Dự kiến năm 2014, tổ chức 9 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng và 4 lớp sơ cấp nghề.

Học nghề… khó khăn!

Không khí bế giảng lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật trồng ngô cho lao động nông thôn vào trung tuần tháng 8 thật vui vẻ. 29 học viên người Mông, toàn là phụ nữ, mặc đẹp và có mặt từ sớm. Họ cùng các giảng viên sắp xếp bàn ghế, trang trí hội trường, rồi dắt tay nhau ra thăm lại ruộng ngô của lớp. Đây là chỗ chỉ có nước để làm một vụ lúa, mùa khô thường để cỏ mọc, lớp đã lấy 500m2 làm nơi thực hành. Trên mấy mảnh ruộng bậc thang, luống vun cao, hàng thẳng hàng, cây ngô đã vượt quá đấu gối.

Vui lắm, học viên Vừ Thị Pàng người bản Nả Tà kể: "Nhà không có ruộng đâu, chỉ trồng lúa nương và trồng 2 nương ngô nữa. Mình trồng ngô nhiều rồi nhưng chưa biết bón phân, ít làm cỏ lắm. Giờ về nhà làm theo kỹ thuật được dạy, chắc nương ngô nhà mình sẽ thu được nhiều hơn".

Hỏi ra mới biết, phải cố gắng nhiều lắm Pàng mới theo học được lớp này. Từ bản Nả Tà, Pàng phải đi bộ mất gần tiếng đồng hồ mới đến lớp. Thế nên phải dậy từ 4 giờ sáng lo cơm nước cho 2 con nhỏ và những công việc ngày thường rồi mới ra khỏi nhà. Thế vẫn là gần, có những học viên ở bản Háng Á xa tới 15 cây số, bản Trống Trở tới 9 cây số thì các chị Vàng Thị Dua, Sùng Thị Pàng, Cứ Thị Tồng còn phải ở nhờ tại xã để học, vài ba ngày mới về thăm chồng con. Mỗi lần về nhà cũng là một lần lo mang theo cái ăn cho mấy ngày học tiếp theo.

29 học viên của lớp đều thuộc diện hộ nghèo, tất cả đều là lao động chính nên việc đến lớp đầy đủ như một thách thức với họ. Cho dù không mất tiền học nghề và còn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn nhưng đa phần chị em chưa nhận thức được học nghề cần thiết như thế nào. Không những thế, lại đi học trồng ngô - cái nghề mà quanh năm ngày tháng gắn bó với họ xem ra cũng lạ lắm. Rồi tập quán canh tác lúa một vụ, cũng phải mất nhiều năm mới “chuyển”, bây giờ làm sao để mọi người có thể trồng ngô ruộng, có thể bón phân cho ngô nương là câu chuyện nan giải.

Lường trước tình hình, Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Hồ Bốn và các ngành liên quan rà soát, chọn đúng đối tượng học nghề, chuẩn bị các điều kiện và cơ sở vật chất cho việc tổ chức lớp. Ban quản lý lớp học được thành lập và làm việc với trách nhiệm cao, thế nhưng tình trạng đến lớp buổi nọ, buổi kia vẫn diễn ra. Đảng ủy, UBND xã phải vào cuộc để huy động và duy trì số lượng học viên. Đã chọn đúng đối tượng nhưng phải tính đến khi học về, họ sẽ là người tuyên truyền hướng dẫn bà con trong bản cùng làm theo mới tốt.

Đất ruộng 500 m2, đất nương 2.600 m2 đã sẵn sàng, giống ngô, phân bón được chuẩn bị đủ, việc chấp hành nội quy lớp học tạm ổn thì lại “mắc” về học vấn của chị em. Cao tuổi nhất là 45, thấp gần 20 tuổi nhưng có lẽ do việc học của những phụ nữ Mông ở đây chưa đến đầu đến đũa, vì thế mà tài liệu đến tay, nhiều học viên đọc không được thì viết làm sao? Thậm chí, có chị chưa nói thạo tiếng phổ thông. Điều đó cũng lý giải tại sao cái nghèo, cái vất vả cứ đeo bám cuộc sống của họ mãi…

Vượt khó truyền nghề

Tình cảnh thế, dạy - học gì đây? Lại bắt đầu bằng tuyên truyền, bằng động viên của chính quyền cơ sở, rồi phải lấy nhiệt huyết của giảng viên để đạt mục tiêu mang nghề cho đồng bào. Vì giáo viên thiếu, Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật bố trí cán bộ có thời gian sống và làm việc với người Mông tham gia truyền đạt, biết cách thuyết phục đồng bào.

“Việc trồng ngô của nhà Dinh, nhà Lồng, nhà Sày và những nhà khác đã làm mãi rồi nhưng cứ trồng bằng giống cũ, trồng xong chẳng chăm bón gì cứ chờ lúc thu hoạch thì ngô ít quả, ít hạt lắm. Học nghề là học cái kỹ thuật mới để ngô xanh tốt hơn, được năng suất cao hơn, bán được nhiều tiền hơn, gia đình bớt nghèo khổ thôi mà!”.

Cách nói như vậy, rồi “xắn tay - xắn chân” cùng làm với chị em. Vừa làm vừa hướng dẫn từng việc, từ cách chọn giống ngô, cách làm luống, ngâm ủ, tra hạt, chăm bón đến phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản… nên cũng dễ thấm.

Trên ruộng ngô thực hành, cô giáo Bùi Thị Thảo trực tiếp phụ trách lớp phấn khởi giới thiệu: “Chị em ở đây sẵn tính chăm chỉ cần cù, khi được hướng dẫn thì tích cực và hòa đồng lắm. Nhiều chị đã khắc phục khó khăn để đến lớp đều. Ai không biết tiếng phổ thông thì người được hướng dẫn trước dịch lại cho hiểu và thực hành ngay giúp học viên hiểu và biết cách làm”.

Vừa nói, cô Thảo vừa hướng dẫn học viên nhổ một cây ngô nhỏ chỉ dẫn cách nhận biết các biểu hiện trên lá, thân và rễ. Mấy học viên chụm lại lắng nghe rồi trao đổi lẫn nhau xem chừng hiểu lắm. Chẳng thế mà có tổng số trên 200 tiết (50 tiết lý thuyết, còn lại là thực hành), song phần lớn lý thuyết cũng ở ngoài thực địa.

Đi đôi với giảng giải lý thuyết và hướng dẫn kỹ thuật là sự so sánh với cách trồng ngô mà bà con đang làm ở ruộng ở nương nhà mình. Cái cách cầm tay chỉ việc, cách truyền nghề trực tiếp như vậy đã giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc, đất ướt, đất luân canh với lúa hay trồng xen canh. Các thành viên của lớp cũng say mê, ham hơn khi những cây ngô trong ruộng, trên nương thực hành do tay mình gieo hạt, chăm tưới, bón phân vươn cao mỗi ngày.

Chuyển biến bước đầu

Không riêng lớp dạy nghề kỹ thuật trồng ngô ở Hồ Bốn mà các lớp kỹ thuật nuôi ong mật ở xã Nậm Khắt, nghề thêu thổ cẩm ở xã Dế Xu Phình, lớp bảo vệ thực vật ở Mồ Dề và các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn ở huyện Mù Cang Chải đã khắc phục những khó khăn thực tại để “truyền nghề” một cách hiệu quả.

Cũng từ nhờ các nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, mấy năm qua đã có hàng trăm lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được học nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Ông Giàng A Dê - Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn xởi lởi giãi bày: “Cả xã có 110 ha ruộng thì chỉ có 40 ha có thể cấy 2 vụ lúa vì không có nước. Diện tích ngô có 115 ha nhưng ngô trồng ở ruộng 1 vụ chưa được nhiều. Qua lớp kỹ thuật trồng ngô phần nào sẽ giúp xã tiếp tục thay đổi tập quán, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích”.

Tháng 7 vừa qua, có 30 học viên ở xã Nậm Khắt được đào tạo kỹ thuật nuôi ong mật. Đây là địa phương có khá nhiều hộ nuôi ong nhưng phổ biến là nuôi theo kinh nghiệm của mỗi gia đình chứ chưa theo bài bản, kỹ thuật. Vì thế hiệu quả kinh tế chưa cao, có nhà mất cả đàn do ong bỏ đi khi không còn hoa nở, do không biết chia đàn hoặc cho ăn để giữ ong mùa giá lạnh.

"Các hộ phấn khởi lắm. Giờ thì bà con biết kỹ thuật để giữ đàn ong rồi. Đồng bào còn đề nghị mở thêm một lớp về kỹ thuật nuôi ong nữa đấy!" - Phó chủ tịch HĐND xã Giàng Khua Xà cho biết. Lớp đào tạo nghề mở tại xã không chỉ trang bị kiến thức cho những học viên, mà qua thực hành đã tạo thêm sự tin tưởng. Họ bảo nhau, “bắt chước” những người được học để làm nên phong trào nuôi ong, phát triển kinh tế gia đình ở Nậm Khắt được nhân rộng.

Ngoài những nghề quen thuộc với đồng bào, có nghề khó đã được “truyền” cho đồng bào như kỹ thuật trồng nấm rơm. Như mang niềm vui được học nghề của ba chục học viên của xã Khao Mang, ông Sùng A Lềnh - Bí thư Chi bộ Dề Thàng vừa chào hỏi, vừa mở cửa nhà học tập cộng đồng để cán bộ và thầy giáo kiểm tra những bịch nấm mà ba chục học viên của xã tự tay làm tại lớp học. 200 bịch nấm rơm đang được chăm sóc, kết quả chưa hoàn toàn như ý nhưng đã khẳng định rằng, người dân ở đây cũng có thể tận dụng rơm rạ - thứ mà trước đây sau vụ gặt chỉ đốt bỏ trên ruộng để trồng nấm, tạo thêm một sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Kiểm tra kết quả thực hành trồng nấm của học viên ở xã Dế Xu Phình.

Ông Vũ Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Mù Cang Chải trăn trở: “Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ của Trung tâm vốn đã thiếu nhiều, khi mở các lớp ở bản, ở xã còn khó khăn hơn nữa. Chỉ có sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên, sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở, chúng tôi mới có thể mang nghề đến cho đồng bào. Nhưng làm sao để học nghề rồi, phải làm được nghề và phát huy hiệu quả trong thời gian tiếp theo mới là quan trọng”.

Thực tế, việc tổ chức học nghề ngắn hạn ở Mù Cang Chải đã bám vào các chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc dạy nghề trồng ngô, nuôi ong, trồng trọt - chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y… không chỉ mang đến cho đồng bào một nghề, một cách làm mới mà còn làm thay đổi trong nhận thức của không ít cán bộ cơ sở.

Trăn trở của ông Hải cũng là điều mà những người đi “truyền nghề” và mục tiêu của công tác đào tạo nghề hướng tới. Những chuyển biến bước đầu lại là sự đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự quan tâm của các ngành và quá trình vào cuộc của mỗi người dân vùng cao. Có như vậy, những gian nan trong quá trình mang nghề tới cho đồng bào vùng cao mới được đáp lại bằng kết quả đích thực ở địa phương trong thời gian tới.

Minh Quang

Các tin khác
Được hỗ trợ con bò đực và một con lợn nái đã giúp gia đình anh Lò Văn Nhất thoát nghèo.

YBĐT - 34 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 20 tỷ đồng, công lao động và giúp đỡ khác quy ra tiền trị giá gần 14 tỷ đồng là con số không hề nhỏ mà Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Yên Bái nhận được trong 3 năm qua (2010 - 2012).

Nhà Bảo tàng tỉnh sau hơn 4 năm thi công hiện đã dừng lại, xung quanh đầy cỏ dại.

YBĐT - Năm 2009, nhà bảo tàng được khởi công bên khu hồ Hào Gia liền kề với Thư viện tỉnh (thành phố Yên Bái) quả thực là niềm vui khôn tả không chỉ với riêng người làm công tác bảo tàng. Nhưng khi đã hoàn thiện tới 95% khối lượng thi công phần vỏ nhà trưng bày thì công trình phải dừng lại.

Nông dân xã Việt Thành đang nuôi tằm theo phương pháp nuôi tằm đất.

YBĐT - Về với xã Việt Thành (Trấn Yên), nơi nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu đời lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con tằm, cây dâu đang giúp người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng. Giờ thì nghề trồng dâu nuôi tằm đã không còn bó hẹp ở Việt Thành mà đã lan rộng về Báo Đáp, Tân Đồng... và nhiều xã khác.

Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.

YBĐT - Sau gần 3 giờ đi ca-nô lênh đênh trên hồ Thác Bà, chuyển sang đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tích Cốc - một xã vùng xa của huyện Yên Bình. Đường từ bến ca-nô xã Cảm Nhân vào Tích Cốc khoảng chừng 15km đã được rải nhựa vài năm rồi, đi lại thuận lợi nhưng hiếm khi nhìn thấy một căn nhà xây nào bên đường khang trang, rộng rãi mang dáng dấp biệt thự... Tích Cốc vẫn nghèo lắm!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục