Bến Âu Lâu - biểu tượng tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2014 | 8:48:59 AM
YBĐT - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ của nhân dân ta như một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam, được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách, đột phá và làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ.
Tượng đài bên bến Âu Lâu lịch sử.
|
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái tự hào đã có những đóng góp xứng đáng cả về nhân lực, vật lực làm nên chiến công vang dội này.
Tỉnh Yên Bái nằm ở giữa Việt Bắc và Tây Bắc, là một cửa ngõ sang Tây Bắc. Ngay từ cuối năm 1952, sau khi Nghĩa Lộ được giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã cử một phái đoàn lên kiểm tra, khảo sát và chỉ đạo làm con đường từ Việt Bắc sang Tây Bắc. Nhiệm vụ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái được Trung ương Đảng giao hết sức nặng nề nhưng vinh quang là huy động nhân lực, phương tiện mở đường, đảm bảo giao thông, cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường.
Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, tỉnh Yên Bái đã mở mới, nâng cấp tuyến đường từ bến phà Hiên (huyện Yên Bình) đi Ba Khe đến đường số 41 (Ngã ba Cò Nòi - Sơn La). Từ tháng 8 đến hết tháng 10 năm 1953, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người, 273.197 ngày công, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay địch bắn phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trước thời hạn một tháng, làm mới và sửa chữa 188km đường, mở thông con đường từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận.
Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó bến phà Âu Lâu vượt sông Hồng trên tuyến đường 13A là một đầu mối giao thông quan trọng, xung yếu trên con đường chuyển quân, lương thực, vũ khí, đạn dược từ các tỉnh Việt Bắc và trung du Bắc Bộ sang chiến trường Tây Bắc.
Bến Âu Lâu trước đây có tên gọi là bến Vạn Lâu, nằm trên địa bàn 2 xã Nam Cường và Âu Lâu thuộc huyện Trấn Yên (nay thuộc thành phố Yên Bái). Phương tiện vận chuyển phà ngày ấy rất thô sơ, chủ yếu là đò gỗ kéo tay; sau được tăng cường thêm 2 chiếc phà dùng ca nô đẩy, trọng tải tối đa 12 tấn. Lúc đón hàng vào phà, người lái ca nô phải tính toán làm sao cho mũi phà ghé đúng đường xuống, tạo điều kiện cho xe nhập giữa lòng phà, tránh xe trượt bánh xuống nước.
Khi rời bến, người lái hướng thủy đoàn đi ngược dòng, quyết định đến chừng độ nào thì “xé nước” quá giang. Tới bờ bên kia, thủy đoàn xuôi dòng và lúc gần cập bến, tốp chân sào nhất loạt vung cây sào qua đầu rồi bất thần chống mạnh sào xuống nước để hãm phà. Nhanh như cắt, một chân sào nhảy lên đất buông neo. Phà chạm đất hướng mũi vào đúng đường để ô tô và pháo rời thuyền. Kéo phà hoàn toàn bằng sức người mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Để đảm bảo an toàn, ban ngày, phà được kéo vào Ngòi Lâu, lợi dụng các lùm tre, ta đánh phà chìm xuống, buổi chiều tối lại trục vớt lên bằng tay để đưa ra bến. Tất cả các chuyến phà đều diễn ra ban đêm, suốt mùa nước to, giông bão, đủ thấy tài trí, nghị lực phi thường của các thủy thủ bến phà Âu Lâu.
Từ tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các con đường lên Tây Bắc. Giặc Pháp muốn dùng bom đạn để biến sông Hồng thành hàng rào chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Bến phà Âu Lâu trở thành tọa độ lửa. Để đối phó với địch, vào thời gian cao điểm, ngoài việc vận chuyển bằng phà, tỉnh đã huy động nhân dân trong vùng khai thác, đóng góp hàng chục vạn cây tre, nứa, gỗ ghép thành cầu phao bắc qua sông Hồng; mở thêm nhiều bến đò ngang và bố trí hàng trăm thuyền nan, đò gỗ để vận chuyển, đưa bộ đội và hàng qua sông nhanh chóng, an toàn. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng nên tốc độ vận tải cho chiến trường trong chiến dịch từ 3km/giờ tăng lên 13km/giờ.
Đặc biệt, với sự trợ giúp của dân công, nhân dân xã Âu Lâu, xã Nam Cường đã rút ngắn thời gian vượt sông của mỗi chuyến phà từ 30 phút xuống còn 15 phút, từ đưa 8 - 9 xe qua sông một đêm lên tới 30 - 50 xe một đêm, có đêm đạt tới 93 xe qua phà. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đi qua đã biểu dương tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn gian khổ ác liệt, biết dựa vào dân hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng đảm bảo giao thông Yên Bái.
Bến Âu Lâu còn là nơi đón nhận hầu hết vũ khí đạn dược, các phương tiện cơ giới vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại đi mặt trận. Đó là đoàn xe đạp thồ T20 của tỉnh Phú Thọ với quân số 100 người thường xuyên chở gạo từ kho số 10 Yên Bái qua sông, sang nhập kho ở chân đèo Pha Đin. Trọng pháo hạng nặng 105 ly cùng các chiến sĩ trung đoàn “Tất thắng” từ Bảo Hà về bến Âu Lâu bổ sung vào mặt trận Điện Biên Phủ. Đại đoàn Bến Tre với những khẩu pháo lớn và những chiếc xe GMC chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới được ngụy trang hành quân qua bến Âu Lâu đêm 25/12/1953. Tất cả đã qua sông an toàn tuyệt đối tại bến phà lịch sử này.
Từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn.
Thi đua với việc mở đường và đảm bảo giao thông thông suốt, các chiến sỹ quân giới công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đẩy mạnh sản xuất vũ khí, cuốc, xẻng… cho mặt trận. Những lò nấu gang, thép, xưởng thợ làm việc liên tục 3 ca trong ngày, sản xuất ra lựu đạn, lưỡi lê góp phần tiêu diệt địch; con dao, cái cuốc, lưỡi xẻng giúp dân công phát cây, mở đường, đào hào chia cắt các trận địa địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ… có một phần từ các công binh xưởng đặt tại Yên Bái.
Là hậu phương trực tiếp của mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mới giải phóng (tháng 10/1952) nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Thái ở Mường Lò, đồng bào Tày ở Thượng Bằng La, Đại Lịch (Văn Chấn) tuy mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp 500 tấn lương thực. Ở vùng Yên Bình, Lục Yên… ngày giao lương đã thực sự trở thành ngày hội. Từ các huyện vùng thấp đến vùng cao, lương thực không ngừng được chuyển về các kho của Tổng cục Hậu cần cung cấp cho tiền phương.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Yên Bái được giao nhiệm vụ xay giã 1.578 tấn thóc. Hàng ngàn cối nước đã mọc lên ở các xã Hưng Khánh, Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh… giã gạo phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu bò, 489 con lợn và 2.700 kg đỗ, lạc…
Không chỉ mở đường, bảo đảm giao thông, cung cấp lương thực, thực phẩm, quân dân Yên Bái đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Hướng về tiền tuyến, trai tráng các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Bàn… nô nức tòng quân. Đầu năm 1954, không khí đưa tiễn người thân ra chiến trường tưng bừng, nhộn nhịp khắp các thôn xóm, bản làng. Thanh niên, phụ nữ hăng hái xung phong đi dân công. Lần đầu tiên, phụ nữ người Mông xuống núi, phụ nữ Thái rời khung cửi trong mùa dệt nhập vào đoàn quân tiếp lương, tải đạn.
Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công, trung bình cứ bốn người dân thì có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là anh Hà Văn Lô - dân tộc Tày ở Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm chở hàng an toàn vượt qua những trọng điểm ác liệt, được Bác Hồ tặng quà và huy hiệu của Người.
Tổng kết phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công, được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng Cờ thưởng luân lưu cho ngành giao thông - vận tải mang tên “Mở đường thắng lợi”, được Liên khu X tặng 15 bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Song bên cạnh những chiến công là sự hy sinh mất mát không nhỏ.
Trong thời gian phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã có 52 dân công hy sinh và 46 dân công bị thương, hiện tại còn 45 hài cốt liệt sỹ ở lại Nghĩa trang Điện Biên Phủ. Xương máu của các liệt sỹ đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Bến Âu Lâu ngày nay đã đi vào lịch sử. Tại đây đã đặt tượng đài “Bến Âu Lâu lịch sử”. Tượng đài bến Âu Lâu với hình tượng người thợ phà tay giữ mỏ neo, một phụ nữ tay nắm chắc mái chèo và một anh bộ đội trong khí thế hào hùng. Ba nhân vật đứng trên đài hoa cách điệu cùng những bức phù điêu miêu tả cảnh thuyền phà vượt sông, cảnh xe ra tiền tuyến, cảnh phá đá mở đường tiến quân vào Tây Bắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bến Âu Lâu lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng; là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái.
Phát huy truyền thống yêu nước, 60 năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã có đóng góp to lớn vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đến nay, với sự nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, chủ động sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đều đạt trên 11% (tăng cao so với các tỉnh trong khu vực), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ); GDP bình quân đầu người đạt khá (năm 2013 đạt 20,14 triệu đồng); sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cho vùng cao; sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng cao; một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được triển khai kịp thời, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 3,5%; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có sự việc phức tạp lớn xảy ra; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều tiến bộ.
Tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” cùng với những tiền đề quan trọng từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có được tại bến Âu Lâu lịch sử sẽ tiếp tục trở thành động lực để tỉnh Yên Bái cùng với cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Đức Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Sau chuyến đi cơ sở cùng đồng chí Sùng A Làng - Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã Công an huyện Mù Cang Chải, chúng tôi kết luận vui: “Anh là công an chân đất, “chuyên gia” sai Điều lệnh. Tiền thì không nhiều nhưng gậy dò đường, đèn pin và thuốc chống côn trùng thì đủ các chủng loại. Người đâu mà lạ. Yêu bản hơn yêu phố...”. Tất cả những điều đó chỉ vì anh muốn bản làng được bình yên”.
Chỉ còn vài ngày nữa, Chương trình nghệ thuật “Hoa ban khoe sắc” sẽ tưng bừng diễn ra và hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem bởi sự dàn dựng công phu, thấm đẫm chất văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Suốt 30 năm qua, gia đình có gửi đơn lên các cấp, các ngành cũng chỉ nhận được những văn bản trả lời thiếu đầy đủ, hoặc đề nghị tiếp tục chờ đợi cấp có thẩm quyền giải quyết! Mòn mỏi đợi chờ, ông Nguyễn Văn Quảng - bố của quân nhân Nguyễn Văn Sơn không còn đủ sức chờ đến ngày con về.
YBĐT - Âu Lâu lừng danh ngày ấy vốn có làng Vạn Lâu, lèo tèo ít nóc nhà nhỏ thấp lợp lá. Dân nơi đây hầu hết là người ngụ cư, sống bằng nghề bơi đò, chài lưới trên sông. Thời phong kiến thực dân không được học hành, đời sống của mọi người cơ cực lắm! Bên sông gần đó, có bến đò, bến phà.