Âu Lâu thời Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/3/2014 | 9:36:43 AM

YBĐT - Âu Lâu lừng danh ngày ấy vốn có làng Vạn Lâu, lèo tèo ít nóc nhà nhỏ thấp lợp lá. Dân nơi đây hầu hết là người ngụ cư, sống bằng nghề bơi đò, chài lưới trên sông. Thời phong kiến thực dân không được học hành, đời sống của mọi người cơ cực lắm! Bên sông gần đó, có bến đò, bến phà.

Ô tô vận tải vượt bến phà Âu Lâu vận chuyện phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
                 (Ảnh: tư liệu)
Ô tô vận tải vượt bến phà Âu Lâu vận chuyện phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: tư liệu)

Phà đóng bằng gỗ nhỏ bé, phải dùng sức người đẩy hoặc dùng sợi dây song buộc ở hai bên sông, thủy thủ bám vào đó kéo phà qua lại. Gần bến có dãy nhà mấy nóc, gọi là "Phố bến đò". Gần đó, có cửa ngòi Lâu gặp sông Hồng, đất bên sông gọi là "cửa Ngòi". Nơi cửa Ngòi có ba cây gạo vươn cao, cành lá mát xanh. Dưới gốc ba cây gạo có đền Vạn Lâu, có tiếng linh thiêng.

Vào dịp lễ hội hằng năm, người tứ xứ đổ về tụ hội, cúng lễ, rước kiệu… Mấy năm ấy, lễ hội ở đền Vạn Lâu không tổ chức, người dân thì sơ tán tản cư. Giặc Pháp kéo quân ra càn quét rồi tàu bay đến đánh phá. Vạn Lâu thưa vắng bóng người. Từ năm 1952, sau giải phóng Nghĩa Lộ, người Vạn Lâu tan tác khắp nơi lục đục trở về. Họ lại sắm thuyền, mở lò rèn, mua ngựa đóng xe… Ngôi đền bỏ trống tạm để cho bộ đội làm kho.

Ông Bùi Ngọc Bình, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu, khi làm việc đã mở sổ, cung cấp số liệu: cả xã thời Điện Biên có chưa đầy 300 hộ mà có 300 lượt người đi dân công lên chiến trường. Ở lại địa phương, có 70 hộ thường xuyên phục vụ chiến dịch. Đặc biệt, thôn cửa Ngòi (còn gọi Vạn Lâu) có 20 thuyền, 12 xe ngựa, phục vụ suốt chiến dịch; các hộ còn lại thì luôn phục vụ khi cần rồi sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, dân công đi qua. Nào muối gạo, nào chỗ nghỉ ngơi, rau quả ngoài vườn rồi tre, vầu, nứa quanh nhà, hễ bộ đội, dân công cần là có. Ở cống Đá, xe kéo pháo của bộ đội qua bị lầy, ông Thực - nhà gần đó đã chặt tre, dỡ cả chuồng trâu để lát đường chống lầy.

Theo ông Nguyễn Văn Điền, lão thành cách mạng ở thôn Nước Mát, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái), thời ấy, dù thiếu đói, quần áo vá đùm vá đụp, đang ở nơi tản cư, nghe mở chiến dịch, bộ đội, dân công qua nhiều là vội về đất cũ, mừng lắm. Đang chạy giặc, nay thấy quân mình đi đông, không sợ giặc pháp càn, sợ bắt, giết hại, cướp phá đã sướng, dân mình còn nghe ta mở Chiến dịch Trần Đình, lớn lắm.

Thế là ai cũng mừng, sướng bụng lắm, ai cũng sẵn sàng tham gia, không có sức làm việc to thì giúp bộ đội, dân công. Biết mình ở nơi cửa ngõ đi lên chiến trường thì tự hào, càng ra sức góp của, góp công. Cứ bộ đội, dân công cần giúp gì, mọi người đều sẵn sàng. Nào nơi ăn, chốn nghỉ, củi đuốc, rau quả ngoài vườn đến đưa thuyền chở người qua lại trên sông, dù đêm hôm, chẳng hề tính toán.

Người Vạn Lâu tự nguyện lập ra năm phân đoàn. Đó là Phân đoàn thuyền nan, Phân đoàn xe ngựa, Phân đoàn thợ may, Phân đoàn lò rèn và Công đoàn phà. Tên gọi thì to thế nhưng Phân đoàn rèn chỉ gồm mấy nhà, riêng Phân đoàn thuyền nan thì đông hơn. Dù ít, mới thành lập nhưng ai cũng hăng hái, tham gia đến cật sức. Ngày đó, ông Điền mới 20 tuổi, tham gia Phân đoàn thuyền nan. Hễ có lệnh là ông ra bến. Thường bến chỉ tập hợp vào ban đêm. Ban ngày, mọi người phân tán lên thượng nguồn hay xuôi xuống dưới, nơi vắng vẻ kiếm sống, tránh máy bay oanh tạc. Bến Âu Lâu vắng tanh.

Đêm đến, cả đoạn nơi bến Âu Lâu tấp nập. Thuyền nan nào cũng lấp loáng ánh sáng đèn dầu. Cả khúc sông lấp lánh như sao trời, tiếng mái chèo khua nước theo nhịp. Phía trên là thuyền dân đưa đón bộ đội qua sông. Phía dưới là bến phà, chuyên chở xe pháo, đạn dược. Gặp ngày nước cạn, cả thủy thủ trên phà, bộ đội, dân công cùng túm vào, chung sức đẩy phà. Cứ thế, thuyền phà hối hả thâu đêm. Gần sáng, xe pháo nào vừa qua sông thì khẩn trương lên đường ra tiền tuyến. Xe pháo nào chưa kịp qua thì phân tán xa bến, tránh máy bay bắn phá. Phà thì đưa vào dưới lùm tre, đưa phân tán vào ngòi Lâu hoặc làm chìm, giấu dưới dòng nước.

Ông Nguyễn Đình Thản vốn là thủy thủ trên bến phà Âu Lâu đã kể lại: “Mình quê ở xã Phú Khê, dưới huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngày ấy, mình còn trẻ lắm, học hết lớp 4, nghe cấp trên cần tuyển người là mình xin đi. Bến phà ngày ấy có gần 100 người, sinh hoạt như đơn vị bộ đội, hoạt động theo hai ca. Một ca bắt đầu đi làm từ 4 giờ chiều, ra bềnh ca nô lên, đưa ra bến thì trời tối, làm đến 12 giờ đêm thì giao ca. Ca thứ hai làm tiếp từ 12 giờ đêm đến sáng. Phà hoạt động ban đêm, ban ngày nghỉ ngơi, tranh thủ ngủ lấy sức rồi anh em dạy chơi thể thao, văn nghệ, học văn hóa. Thể thao là đánh bóng chuyền.

Còn học văn hóa anh em chỉ tự học, khác gửi nhờ mua sách về học. Mình đã học lớp bốn thì học tiếp lớp 5 rồi lớp 6… Không có thầy giáo, không thành lớp thì học lẫn nhau, người biết chữ dạy người không biết. Bàn học tự làm bằng tre, đến bữa là bàn ăn, sau đó là bàn học. Ai cũng tự giác, cố học để sau còn xây dựng đất nước, còn hàn gắn vết thương chiến tranh.

Lúc này, phà đã có ca nô kéo. Cũng có đêm máy hỏng, không có ca nô thì người dùng sức đẩy. Mỗi phà có 12 người đẩy. Đẩy bằng sào. Mỗi cây sào làm bằng cả cây hóp dài. Gốc cây hóp bọc sắt nhọn, khi cắm xuống dòng sông, có nhiều "bột", sào không bị trượt. Trời mưa rét, mỗi người được phát một cái áo tơi. Mỗi anh em còn được phát vải xanh để may quần áo công nhân.

Tối đến, từ 19 giờ, ô tô chở nặng, xe kéo pháo tấp nập xuống bến qua sông. Xe "mô nô" chở nặng, mỗi chuyến phà chở được hai chiếc, còn xe kéo pháo thì chở một. Khi phà cập bến bên Yên Bái, anh em nhanh chóng khiêng hai thanh cầu gỗ có giầm sắt, kê một đầu lên phà, một đầu lên bờ. Sáu người khiêng một cầu. Dù nặng, dù mưa rét, lầy trơn nhưng anh em đều cố thật nhanh, bắc hai thanh cầu một lúc cho xe lên phà. Khi phà đã sang được sông, anh em lại phân nhau, người phất cờ chỉ huy xe pháo lên bờ, người cắm neo, người cột dây cáp. Kể vậy thì đơn giản nhưng thực tế làm vất vả lắm.

Chẳng hạn, một cái neo bằng sắt nặng khoảng 30kg, cắm mũi sâu vào lòng đất, dùng sức người nhổ lên không dễ. Khi nhổ chỉ có hai người, phải cố sức lắm mới có thể nhổ được lên, yêu cầu lại phải nhổ thật nhanh cho phà tăng chuyến. Tất cả đều lần mò làm trong đêm tối, tuyệt đối không được dùng đèn lửa, đề phòng máy bay địch. Xe pháo thì đi nhiều; còn bộ đội, dân công, có đến nghìn người cần qua phà; còn xe đạp thồ nặng, cồng kềnh; còn dân công gánh theo quang thúng, bồ sọt…

Ngày ấy, người mình tốt lắm, giác ngộ lắm! Ai cũng cho đi chiến trường là tham gia cứu nước, là đánh giặc, giành lại độc lập. Khi đi phà, thấy công nhân vất vả, mọi người cùng xắn áo quần làm cùng. Thấy thủy thủ khiêng cầu nặng, thấy chống lầy cho xe thì dù là bộ đội, dân công hay người đi chợ qua sông đều xúm vào làm cùng, vừa làm còn vừa hát hò. Vui lắm! Quên hết mọi nhọc nhằn. Trời lạnh, đêm tối, cả dân, cả bộ đội ùm ũm dưới nước như thủy thủ”.

Còn ông Hồ Văn Phúc cũng ở thôn Nước Mát thì kể: “Ngày ấy, đất Âu Lâu còn rậm rạp, âm u lắm! Đường để ô tô đi chiến dịch mới mở tạm, nền đất, có đoạn được rải đá, có chỗ còn rậm cây như đi đường mòn. Lúc đầu, một số cán bộ về, xem xét dọc tuyến đường qua xã, tiếp đến là người về làm lán. Rồi suốt từ đầu xã đến cuối xã, các rừng, các đồi cọ đều là kho, phần nhiều là kho gạo. Trạm canh gác phòng không lập lên, kẻng làm bằng vỏ bom. Nghe có tiếng máy bay từ xa, người gác đã đánh kẻng báo cho mọi người. Ai có đèn đóm đều tắt hết.

Hồi ấy dân mình thiếu đói, bữa ăn chỉ là sắn, rau dại, thế mà kho gạo Nhà nước đặt khắp rừng. Mỗi gò chỉ có 1 - 2 anh bộ đội trông coi thì suốt đêm, nào nhận gạo từ bên kia sông chuyển tới, nào xuất gạo cho dân công chuyển đi. Người giao, người nhận đông, anh bộ đội vất vả suốt đêm, sáng ra ngủ lăn ngủ lóc. Dân đói, biết có kho gạo mà chẳng tơ hào. Có người qua kho, thấy gạo rơi vãi còn tiếc ngọc thực, nhặt cho hết, trả lại vào kho.
Khi chiến dịch mở, khu Nước Mát lại thêm hàng loạt lán, thành quân y viện. Các bà, các chị lại kéo đến, nấu nướng, chăm sóc, giặt giũ…”.

Riêng ông Đào Văn Phàn ở Lụ Điền, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái) bên cạnh cũng kể: “Ngày ấy, mình khí thế lắm mà địch cũng đánh phá ác liệt, ngăn chặn đường tiếp tế cho chiến trường. Suốt ngày, máy bay địch nghiêng ngó đánh phá, không ngớt tiếng máy bay, tiếng đạn bom. Rồi còn thêm loại "Bê - vanh - xít" (B26). Loại này gớm lắm! Lên đến nơi, không cần lượn, gặp mục tiêu là bắn, là thả bom luôn. Bê - vanh - xít có năm đầu.

Nó đi dọc sông Hồng ban ngày, gặp con gà trên bờ, gặp bè rác trôi sông, nó cũng bắn. Nó đánh dọc đường lên Điện Biên Phủ, trọng điểm đánh phá là bến Âu Lâu, Gành Son (Km8), đèo Bụt (Km17). Nó tìm kho, tìm người, đánh cả vào đường để lấp phá, chặn tiếp tế. B26 bắn bằng đạn đum đum chứ không bắn đạn thường, bắn cả sang đình làng Lụ Điền này, làm cháy to lắm…

Chúng ác mà dân ta không sợ, càng căm thù, càng hăng hái, quyết tâm hơn. Đường bị đánh, dân mình ơi ới gọi nhau kéo tới, cùng bộ đội, dân công sửa lại để thông xe. Người có sức thì xung phong đi bộ đội, đi dân công tiền tuyến. Chị em phụ nữ thì kéo nhau sang quân y viện. Giặt quần áo cho anh em thương binh, các bà, các chị còn phơi cho khô, còn xem đâu rách thì vá lại, cúc đứt thì đơm, sau đó mới gập gọn, đưa lại anh em.
Còn nạn nước to làm mất mùa, dân đói phải vào mạn trong, phải sang Phủ Bình tìm mua khoai lang, củ mài, cả củ nâu, củ đao về ăn. Thế mà nhà nào, các bà, các chị cũng lập "Hũ gạo nuôi quân", dành gạo cóp lại đấy, mỗi tuần một lần, có người đem đi giao để góp phần cho bộ đội ăn no đánh thắng”.

Ông Lê Thế Nhân ở Cửa Ngòi đến giờ vẫn nhớ kể lại: “Thời ấy, dù đói khổ, dù đạn bom song ai cũng gắng sức. Đến một ngày, từ phía chiến trường ra, bộ đội giải từng đoàn rất đông tù binh lốc nhốc. Nào Ma-rốc, nào Tây rạch mặt, Tây trắng… thế là vơi hết mọi mệt nhọc, vất vả, thiếu thốn, mà sướng mà vui.

Bọn lính địch ngày nào ra càn, ác thế, giờ bị bắt, đi đường vác cả súng chiến lợi phẩm cho ta, súng không có đạn, không có quy lát. Khi đang đi phà qua sông, có tiếng máy bay từ xa, chúng đã hỗn độn: "xì lồ” với nhau. Ra lúc này chúng sợ chính máy bay của chúng. Thấy vậy, sợ chúng nhảy xuống sông chết đuối, bộ đội ta phải quát ngồi im. Chúng nem nép làm theo".

Có lần, ông Hồ Văn Phúc ở thôn Nước Mát kể: “Bộ đội ta thu được loa đài của địch, đưa về mắc cái loa to tướng lên cây màng tang ở Gò Lọng. Mấy năm, dân mình chỉ nghe tiếng loa sắt tây, đưa lên chòi cao ngồi đọc tin chiến thắng, giờ nghe tiếng loa hiện đại, tin chiến thắng của chiến trường lớn, thật khoái! Loa phát hai lần mỗi ngày vào buổi sáng, buổi tối. Tin chiến thắng nhiều quá rồi phát cả buổi trưa. Rồi một hôm vào buổi trưa, loa phát tin đặc biệt. Mọi người rất thích nghe tiếng loa, giờ báo có tin đặc biệt, ai cũng chú ý lắng nghe. Rồi loa phát tin: “Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, bộ đội ta đã hoàn toàn giải phóng Điện Biên Phủ…”. Nghe đến đây mà tôi mừng rơn, sướng run cả người!

Rồi ô tô, xe kéo pháo, bộ đội ra đi hôm nào trong đêm tối, giờ về, đi giữa ban ngày, tươi vui của người chiến thắng. Rồi từng đoàn tù binh, nào da trắng, da đen, chân quấn vải áo vải quần, đôi giày thì ngoắc qua cổ. Chắc chúng đi đường xa, chân bị phòng loét không đi được giày.
Bộ đội, dân công, người Âu Lâu vồn vã chào hỏi nhau, cầm tay nhau, nói cười hả hê. Bao chịu đựng, đóng góp, mong ngày chiến thắng, giờ đã đến, đã thấy, chiến thắng ngoài sức tưởng tượng, ai mà không vui sướng…”.

Trần  Cao Đàm

Các tin khác
Thầy Minh luôn quan tâm đến việc học tập của các em học sinh.

YBĐT - Nơi vùng cao sương gió, mấy chục năm trong nghề, thầy giáo Vũ Ngọc Minh đã đưa biết bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức để từ đó trở về xây dựng quê hương. Tâm huyết của thầy như mạch nước ngày đêm không ngừng nghỉ...

Những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại các địa phương đã góp phần đưa nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa mạnh mẽ, đáp ứng mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

YBĐT - Không chỉ là xây dựng con đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hay hệ thống kênh mương nội đồng... mà phải là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn, đặc biệt là vai trò làm chủ của người nông dân, đó mới là xã NTM thực sự.

YBĐT - Là dân tộc nổi tiếng có nhiều nét văn hoá đặc sắc từ đời sống sinh hoạt, lễ hội đến phong tục, tập quán, dân tộc Thái là số ít dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có chữ viết riêng.

Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cái giếng trở thành nơi gặp nhau để chuyện trò trong mỗi sáng, mỗi chiều. Dân dã và gần gũi biết bao nhiêu, nhưng cái giếng chỉ còn vẹn nguyên trong ký ức. Hơn 100 năm làng Yên Bái mà từ đấy thành phố mọc lên đã có nhiều thay đổi lớn lao và khác lạ. Mặc lòng, trong ta tình yêu và cả niềm kiêu hãnh vẫn cứ dâng đầy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục