Trăn trở Khe Tiến

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2014 | 3:01:16 PM

YBĐT - Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có 1.359 hộ với 5.699 khẩu, gồm các dân tộc Tày, Mông và Kinh. Toàn xã có 17 thôn, trong đó có 4 thôn người Mông là: Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Tiến và Khe Ron. Trong khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong xã đang có những bước tiến đáng kể thì ở thôn Khe Tiến, trên bốn chục hộ dân đang cần hỗ trợ để thoát khỏi khó khăn.

Tổ trưởng bảo vệ rừng Vừ A Sang (thứ ba, phải sang) đã có mong muốn dời nhà ra khu ngoài cho có điện và đi lại dễ dàng nhưng chưa tìm được đất ở.
Tổ trưởng bảo vệ rừng Vừ A Sang (thứ ba, phải sang) đã có mong muốn dời nhà ra khu ngoài cho có điện và đi lại dễ dàng nhưng chưa tìm được đất ở.

Dông dài đường vào Khe Tiến

Đưa cho tôi đôi dép tổ ong, anh Trần Xuân Bài - Phó trưởng Công an xã Hồng Ca bảo: “Anh thay đi, để giày lại trụ sở xã để khi lội suối cho tiện!”. Không khỏi ngạc nhiên nhưng tôi vẫn thay dép rồi lên chiếc xe Win cùng Bài vào thôn Khe Tiến. Rời trụ sở UBND xã Hồng Ca vài trăm mét, chiếc xe rẽ phải gầm gừ ngược dốc. Vết bánh xe hằn sâu trên mặt bùn đang dần se lại.

Anh Phó trưởng Công an xã có vẻ phấn khởi: “Số anh em mình “đỏ” đấy, gần sáng nay trời ngớt mưa nên đường đi mới được như thế này, nếu không chỉ có vừa đi vừa đẩy thôi”. So với nhiều xã vùng cao đặc biệt khó khăn, Hồng Ca thuận lợi hơn là đã có đường giao thông đến tất cả các thôn.

Trong số 17 thôn của xã đã có dăm, bảy thôn đi được ô tô đến trung tâm dễ dàng nhờ được rải cấp phối, được bê tông hóa từ nhiều nguồn lực và đóng góp công sức của nhân dân trong xã. Dù không phải “thông suốt bốn mùa” bởi sự chia cắt của hơn hai chục ngòi, suối và nhiều đèo dốc nhưng đây vẫn là thuận lợi đối với địa phương vùng III này.

“Đoạn dốc này phải dài hơn hai cây số, ngược hết dốc là đến thôn Khuôn Bổ. Năm nào xã cũng vận động đồng bào Mông sửa chữa đường mới được thế này đấy, anh ạ!”, Bài nói.

Chiếc xe nảy tưng tưng, tôi nghe câu được câu chăng chuyện của anh phó công an xã. Không nhớ rõ đã bao lần tu sửa rãnh, rải đá, sỏi lên mặt đường nhưng địa hình dốc, bên là đồi, bên là suối, là ruộng thì việc giữ được con đường đến các thôn: Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Ron và cả thôn Khe Tiến là câu chuyện thường ngày ở xã! Có nghiêng ngả, rệu rã trên chiếc xe máy, có nhìn đất đá lớp mới đè lớp cũ nâng cao nền đường đến cả nửa mét mới thấm được việc giữ đường ở đây vất vả thế nào. Xã có thể khai thác được đá, sỏi từ các khe suối là một thuận lợi nhưng vận động cánh lái xe tải từ ngoài vào thu mua nông - lâm sản đóng góp bằng việc chở đá, sỏi rải đường mới là cách xã hội hóa “khôn khéo”.

Các anh đi đường xã, đường thôn thuận lợi, các anh giúp xã vài chuyến xe chẳng thiệt thòi gì! Cứ như vậy, cùng với sự tích cực tham gia của đồng bào, hơn chục km đường lởm chởm đất đá này dù đi lại còn hết sức khó khăn nhưng vẫn có vai trò quan trọng giúp đồng bào Mông ở bốn thôn mang nông - lâm sản đi bán và mua về những nhu yếu phẩm, vật tư phân bón, tạo điều kiện để thầy cô đến lớp, trẻ em đến trường...

Vào Khe Tiến xem đường, xem điện

Sau hơn 1 giờ đồng hồ “nhảy nhót” sau tay lái của anh Phó công an xã, cuối cùng chúng tôi cũng đến đầu thôn Khe Tiến. Giờ thì người ta có thể bình tĩnh để nhìn trở lại bên kia dòng Khe Tiến hiền hòa là thôn Hồng Lâu với con đường ngược núi trở ra. Nghĩ đến mà ngại. Tiếng trống thể dục giữa giờ vang lên dưới mái trường tiểu học, đường đi như thu nhỏ dần lại ở đầu thôn - nơi người ta thường gọi là khu ngoài hay khu Bãi Ổi.

Những cây cột điện cũng theo đường mà chấm dứt việc đưa điện lưới đến đây. Ở khu này chỉ có 18 hộ, phần đông số hộ ở Khe Tiến cư trú ở trung tâm thôn trở vào nhưng lại là nơi chưa có điện. Từ Bãi Ổi vào trung tâm thôn, còn gọi là khu trong phải đi thêm chừng hai cây số, nếu đi bằng xe máy, tay lái chắc phải dành cho người bản địa.

 
Đường vào khu vực trung tâm thôn men theo sườn đồi.

Cách đây 6 - 7 năm, đoạn đường này được bộ đội dùng mìn phá đá mở rộng con đường mòn vốn có để xe máy có thể đi lại dễ dàng hơn. Nhưng lối đi lắt nhắt quanh co trên sườn đồi vẫn như cạm bẫy giương lên chờ người sơ sểnh. “Có mấy vụ rơi xuống gần đến suối rồi! May người chỉ bị xây xát thôi! Chẳng ai dám đi xe máy vào đường này khi trời mưa, hoặc đêm tối” - tôi chẳng dám nhìn xuống bên taluy âm khi nghe Bài nói.

Năm 2011, thôn Khe Tiến được tách ra từ thôn Hồng Lâu. Thôn cách trung tâm xã 12 km, có 59 hộ 371 khẩu là người Mông sống nhờ vào việc canh tác 23,5ha lúa nước, 70 ha rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 98,3%, tỷ lệ người biết chữ phổ thông khoảng 27%, người biết nói tiếng phổ thông khoảng 33%.

Thỉnh thoảng thấy chiếc xe dựng bên đường, Bài giải thích đây là xe của cô giáo dạy mầm non, kia là xe người đến mua măng của dân. Đi lại khó khăn, sản xuất chủ yếu mang tính tự cung tự cấp dường như làm cho nhu cầu giao thương của đồng bào Mông ở khu trong không trở thành cấp bách. Trong khi đầu tư của Nhà nước còn phải tính toán thì giấc mơ có con đường rộng rãi vào thôn tiếp tục xa vời với hàng chục hộ dân đang sinh sống ở khu trong của thôn Khe Tiến.

Vừa tới khu trung tâm, bắt gặp ngôi nhà của ông Vừ A Ma, là một trong số ít người cao tuổi của thôn. Ngôi nhà cột gỗ rộng 4 gian, nền nhà được láng xi măng, mái lợp tấm phibrô ximăng kín đáo. Ngôi nhà được ông dựng lên nhờ chương trình hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167. “Vách ghép gỗ nhưng để hở thế này là để cho thoáng gió và có nhiều ánh sáng đây mà. Nếu không làm vậy chắc trong nhà sẽ tối lắm vì không có điện” - tôi đoán vậy.

Có lẽ phần nào tôi đúng, vì cả cái hội trường của thôn Khe Tiến và nhiều ngôi nhà của đồng bào Mông ở đây đều ghép hở như vậy. Đã có mấy hộ tận dụng dòng chảy lắp máy phát điện nước, rồi UBND xã cũng quan tâm đặt một máy để có ánh sáng cho hội trường thôn nhưng lũ về cuốn đi hết, để lại đường dây chờ ngày có điện. Đường đi khó thế, điện thì chưa đến mà có tới 41 hộ dân cư trú ở bản trong này để chịu khổ.

Hờ Thị Công ở thôn Hồng Lâu làm dâu thôn Khe Tiến nói: “Lấy chồng thì theo vào đây thôi! Ở đây không không có điện, không có tivi, không vui bằng ở nhà mình”. Không đài điện, không tivi nhưng may mắn là họ có chiếc điện thoại di động để liên lạc và nghe nhạc nhưng phải hạn chế lắm để tiết kiệm pin. Gà gáy gọi mặt trời lên thì mọi người ai vào việc nấy, chạng vạng thì cơm nước nhanh nhanh mà lên giường đi ngủ. Báo chí, truyền thông nói gì chẳng ai hay biết, con cái thì cứ đàn lũ sinh ra dưới trăng sao và bếp lửa, tỷ lệ hộ nghèo cao, số người biết chữ, biết tiếng phổ thông thấp là phải…

Mong muốn của người trong cuộc

Anh Vừ A Say năm nay 32 tuổi đã có năm con. Lấy vợ ra ở riêng, anh được bố mẹ chia đất làm nhà ở ngay đầu khu trong, giờ đang làm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng trông coi 314 ha rừng phòng hộ trên địa bàn. Có lẽ vì đi lại nhiều và cứ mỗi lần trở về nhà trên con đường chênh vênh, xa dần ánh điện ở khu ngoài, nên từ 2 năm nay anh đã tìm đất ở khu ngoài để làm nhà mà chưa được.

Mới đây, nhà Trưởng thôn Sùng A Dơ đã mua được đất dựng nhà chuyển ra ngoài lại càng thôi thúc những người trẻ tuổi ở khu trong có chung mong muốn di dời đến nơi có điện có đường và gần cả trường học của con cái. Vừ A Chua cưới vợ năm 2000 giờ có 3 mặt con, hai đứa học ở trường tiểu học bên thôn Hồng Lâu, con bé nhất học lớp mầm non trên hội trường thôn kia.

Chỉ về phía hội trường, Chua vui vẻ: “Thỉnh thoảng phải đến trường đón con đấy, nếu nhà ở ngoài sẽ đỡ hơn. Nhà nước bảo ra thì mình ra thôi!”. Vậy là vẫn đang chờ Nhà nước đây, tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của đồng bào nơi đây rõ ràng còn nặng nề. Nhưng dẫu sao họ đã nghĩ tới việc học hành của con em trong bản, mong cho sự vươn lên của thế hệ tương lai. Đó cũng là mong muốn của cô giáo ở điểm lớp mầm non Nguyễn Thanh Thùy khi nhắc đến những ông bố bà mẹ người Mông từ chỗ phải gọi điện giục giã, nay đã biết lặn lội trên 2 cây số vượt suối đưa đón con.

Còn cô Hoàng Thị Hồng Nhẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca thì kể lại những hành trình mang chữ của giáo viên, không ít lần đưa học sinh qua suối lũ giao cho bố mẹ các cháu. Cô Nhẫn trao đổi: “Trong số 263 học sinh của trường, ở thôn Khe Tiến hiện có gần 70 cháu đến học ở từ lớp 1 đến lớp 5. Chúng tôi cũng mong Nhà nước quy hoạch, tạo điều kiện cho dân ở thôn Khe Tiến ở tập trung ra khu ngoài thì các cháu đi học gần và đỡ vất vả hơn, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

 

Khu vực Bãi Ổi - nơi có 18 hộ dân đang cư trú có thể bố trí đất ở cho các hộ của thôn Khe Tiến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca nói nhiều về thực trạng ở thôn Khe Tiến. Theo ông Toàn, xã đã tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, thông qua các cuộc họp thôn và nhận định mong muốn của người dân là chính đáng. Trên địa bàn thôn, Bãi Ổi là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, gần ruộng, có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng rừng.

“Dân cư tập trung sẽ thuận lợi cho đầu tư lưới điện, làm đường giao thông, xây dựng trường học cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội. UBND xã cũng đã đề nghị huyện Trấn Yên chỉ đạo việc khảo sát lập phương án di dãn dân đối với thôn Khe Tiến” - ông Toàn nói.

Trên bốn chục hộ dân không phải là nhiều. Nhưng chuyển ra ngoài, khu trong chỉ làm nơi sản xuất phát triển kinh tế thì đồng bào sẽ được lợi nhiều hơn, mức độ đầu tư của Nhà nước chắc chắn sẽ thấp hơn. Vậy là lợi cả đôi đường, chắc chắn bài toán sẽ sớm tìm được lời giải trong nay mai.

Minh Quang

Các tin khác
Ông Vi Văn Tính (người ngồi giữa), ông Bùi Văn Như (ngồi bên trái) cùng ông Ngô Đức Trọng (Cựu TNXP xã Minh Bảo, TP Yên Bái) ôn lại kỷ niệm.

YBĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu" đã đi qua chặng đường 60 năm. 60 năm - dòng chảy thời gian ít nhiều đã cuốn theo dấu vết chiến tranh nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ.
(Ảnh mang tính minh họa)

YBĐT - Người ta thường nói, con cái là sự tiếp nối cuộc sống của cha mẹ, điều đó làm nên sự trường tồn của con người trong vũ trụ. Nhưng bỗng một ngày cha mẹ phát hiện ra sự tiếp nối của mình không giống như tự nhiên vốn có thì dường như vũ trụ đã hoàn toàn sụp đổ. Và trong cuộc đấu tranh khẳng định mình của những đứa con thuộc giới tính thứ ba này đang nhiều lắm những giọt nước mắt.

Người dân thôn Bu Cao có cuộc sống ấm no nhờ “hạ sơn”.

YBĐT - Trên cơ sở Dự án quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, trong giai đoạn 2006 - 2013, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 46 dự án để triển khai chương trình bố trí dân cư; tổng số hộ được sắp xếp, bố trí là 1.385 hộ, đạt 61%, trong đó 1.162 hộ được bố trí theo hình thức tập trung và 163 hộ được bố trí theo hình thức xen ghép.

Các nạn nhân vụ lừa đi lao động làm thuê không đúng địa chỉ ở xã Tân Đồng.

YBĐT - Con số 140 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Yên Bái chỉ là con số rất nhỏ so với số phụ nữ và trẻ em bị nghi mua bán trên thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục