Ký ức Điện Biên sống lại trong câu chuyện cựu chiến binh
- Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 1:57:42 PM
60 năm đã trôi qua, giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng ký ức về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Phạm Bá Miều.
Các cựu chiến binh thăm nghĩa trang Độc lập.
|
Không khí hào hùng của một thời khói lửa cùng đồng đội làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã sống lại qua những câu chuyện của ông.
Năm 1950, rời vùng quê lúa Thái Hòa (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), chàng trai Phạm Bá Miều gia nhập quân đội và được biên chế vào Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ khu cách mạng Việt Bắc (các tỉnh Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn), đơn vị của ông sang giải phóng vùng Thượng Lào, Hạ Lào (Lào), rồi quay về tham gia giải phóng thị xã Lai Châu.
Đến tháng 2/1954, đơn vị ông được lệnh kéo về khu Tà Lèng, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiệm vụ của đơn vị ông lúc đó là vừa chiến đấu vừa kiến trúc công sự, đắp ụ, đào giao thông hào từ Tà Lèng xuống đồi A1 - Sở chỉ huy của địch.
Ông Miều tự hào khoe về chiếc huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên được tặng thưởng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc: "Đến cuối tháng 2/1954, đơn vị chúng tôi đã phát triển được hệ thống công sự ra tới trận địa Điện Biên Phủ, với đường trục và đường chính rộng 1,2m, sâu ngập đầu, bên trên được ngụy trang như một dàn mướp."
"Thiết lập xong hệ thống kiến trúc công sự vào đến chân đồi A1 và C1, chúng tôi tiếp tục phát triển thành công sự trận địa theo từng Tiểu đội, Trung đội, Đại đội," ông Miều nói.
"Hệ thống công sự trận địa lúc này chỉ một người lách qua, có chỗ ngập đầu người và được ngụy trang như một mạng nhện. Với kiểu trận địa này, nếu ai không quen, không thông thuộc địa hình sẽ bị đi lạc," ông Miều nói rõ thêm.
Đặc biệt, trong câu chuyện mà chiến sỹ Điện Biên Phạm Bá Miều kể lại, đáng chú ý là quãng thời gian trên cương vị Tiểu đội trưởng, ông đã cùng với đơn vị đào hầm đặt khối bộc phá đánh Sở chỉ huy thực dân Pháp trên đồi A1.
Ông Miều kể lại: "Khi đào hầm công sự trận địa, rất nhiều anh em hy sinh và có những chỗ chúng tôi phải chiến đấu thay đồng đội. Nhiều ngày, chúng tôi đã ăn, ngủ ngay tại trận địa, thậm chí vừa ăn vừa đánh Pháp. Có hôm, cả xe tăng lẫn pháo cối của Pháp ngày đêm thi nhau bắn từ đồi A1 xuống công sự trận địa của ta như mưa. Lúc đó, ngồi trong hầm trận địa, tôi nghe như tiếng người xóc rổ bát loảng xoảng."
"Sau khi tiêu diệt được hai xe tăng của địch trên đồi A1 - hàng ngày ra bắn phá công sự trận địa của ta, đơn vị tiếp tục đào hầm để đặt khối bộc phá. Nhưng đào gần tới địa điểm Sở chỉ huy của địch, vướng giao thông hào bảo vệ của họ, đành phải dừng lại, nếu đào qua sẽ bị sập hầm và bị lộ. Do đó, cấp trên đã quyết định đặt khối bộc phá cách Sở chỉ huy của địch 20m để kích nổ."
"Với khối lượng gần 1 tấn, đêm 6/5, khối bộc phá đã được kích nổ và hất tung đất, phủ kín toàn bộ hầm Sở chỉ huy của địch. Đến sáng 7/5, địch đã phải kéo cờ trắng ra hàng," ông Miều tự hào nhớ lại.
Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham gia các nhiệm vụ trong quân đội. Đến năm 1958, ông Phạm Bá Miều được điều v ề công tác tại Huyện ủy Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cho tới khi nghỉ hưu.
Năm nay, ông Miều đã bước sang tuổi 84. Người Chiến sỹ Điện Biên năm xưa đang sum vầy cùng con cháu tại phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Sau mỗi vụ án thành công, mỗi đường dây ma túy được bóc gỡ, mỗi lần vinh dự được được đứng lên bục khen thưởng cho thành tích của cá nhân, tập thể, thì họ - những người lính trên mặt trận đấu tranh chống ma túy lại trở về với chính mình và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như những cột trụ bình thường khác trong các gia đình bé nhỏ của xã hội.
YBĐT - Những ngày qua, câu chuyện về xe quá tải trở thành chủ đề “nóng” khi ngành giao thông vận tải đồng loạt ra quân cân tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ chính tại hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và xung quanh chủ đề xe quá tải đang có rất nhiều chuyện đáng bàn!
Đã 60 năm trôi qua nhưng cụ Nguyễn Đình Thường, 83 tuổi ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) không thể quên những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến đấu 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.
YBĐT - Cuộc sống hiện đại đã mang theo nhiều sự thay đổi trong đó có văn hóa đọc. Nâng cao văn hóa đọc không chỉ là nâng cao tri thức mà còn nâng cao tính giáo dục. Phải làm gì để phát huy văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn của thời buổi công nghệ thay đổi từng ngày quả không phải điều dễ dàng.