Làm gì để phát triển văn hóa đọc?
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/4/2014 | 2:26:53 PM
YBĐT - Cuộc sống hiện đại đã mang theo nhiều sự thay đổi trong đó có văn hóa đọc. Nâng cao văn hóa đọc không chỉ là nâng cao tri thức mà còn nâng cao tính giáo dục. Phải làm gì để phát huy văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn của thời buổi công nghệ thay đổi từng ngày quả không phải điều dễ dàng.
Xe thư viện lưu động đạt hiệu quả tích cực trong việc đưa sách về cơ sở.
|
Văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc
Đọc sách để làm gì? Câu hỏi chừng như đơn giản nhưng cũng không dễ để trả lời. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường”. Có thể coi những cuốn sách là cầu nối của tri thức nhân loại đối với con người. Tùy vào nhu cầu của độc giả, sách phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu hoặc đơn thuần để giải trí. Các em thiếu nhi đọc sách tìm hiểu về thế giới xung quanh. Người lớn coi sách như một phương tiện giải trí, tìm hiểu, bổ sung kho tàng kiến thức bản thân. Thanh niên, học sinh, sinh viên tìm đến sách để nghiên cứu, nâng cao tầm hiểu biết. Kỹ sư, công nhân, giáo viên đọc sách phục vụ công việc. Nông dân đọc sách để áp dụng những tiến bộ vào sản xuất. Văn hóa đọc là điều thiết yếu của cuộc sống, góp phần xây dựng nền tảng tri thức và nhân cách.
Có những người cả cuộc đời yêu sách như ông Nguyễn Khắc Mạc (tổ 38, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái). Dưới hiên nhà, mái đầu bạc trắng nhuộm màu thời gian vẫn chăm chú dõi theo từng con chữ mà không cần dùng bất cứ loại kính nào. 90 tuổi, có lẽ ít người ở vào cái độ tuổi này còn được tinh tường như ông. Sống qua gần một thập kỷ, chứng kiến nhiều thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn gắn bó với những trang sách, tìm thấy niềm vui trong từng con chữ.
Với ông, mỗi quyển sách hay là một kho tri thức, là một thế giới rộng lớn. Không thể đếm hết ông đã đọc bao nhiêu cuốn sách nhưng ông có thể nói cả buổi về những tác phẩm kinh điển như “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Sống như anh”…
Ông chậm rãi bảo: “Tôi thích đọc nhất là những cuốn sách của Nga, đặc biệt là cuốn “Người mẹ” của nhà văn Mac xim Gorki. Ngày nào còn nhìn rõ, tôi còn đọc sách. Tôi cũng bảo ban con cháu chịu khó đọc sách. Thế giới rộng lớn và để hiểu hết chỉ có thể biết được qua những trang sách”.
Yêu sách, quý sách vậy nên cứ hàng tuần ông lại đến Thư viện tỉnh Yên Bái để mượn sách. Ngày trước, khi còn khỏe, ông túc tắc đi bằng xe đạp nhưng nay tay đã yếu, chân đã run, ông phải nhờ con cháu đưa đi, thấm thoát đã được nửa thế kỷ là bạn đọc của Thư viện tỉnh, chả thế mà cô thủ thư nào ở Thư viện tỉnh cũng quen mặt, quen tên ông.
Đã 90 tuổi nhưng ông Nguyễn Khắc Mạc vẫn đọc sách hàng ngày.
Những bạn đọc như ông Mạc bây giờ thật hiếm. Thư viện tỉnh lưu giữ nhiều tư liệu quý, đồng thời cũng là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa đọc đang ngày một thay đổi. Một không gian yên tĩnh, thoáng đãng phù hợp cho việc đọc sách, cơ sở vật chất ngày một khang trang, hiện đại nhưng lại thiếu bạn đọc. Nếu trước kia mỗi ngày Thư viện phục vụ từ 150-200 lượt người thì nay chỉ khoảng 50 người.
Cá biệt, có những ngày chỉ vài người. Phòng đọc dành cho thiếu nhi cũng như phòng đọc người lớn đều vắng vẻ, im lìm, bàn ghế trống không. Người duy nhất trong phòng là cô thủ thư đang sắp xếp lại những cuốn truyện trên giá, nhẹ nhàng bảo: “Có lẽ buổi chiều các em mới tới vì buổi sáng các em còn phải đến trường”.
Gắn bó với công tác thư viện gần 30 chục năm, bà Lê Tú Anh - Giám đốc Thư viện đã chứng kiến những thăng trầm của văn hóa đọc, bà cho biết: “Thời kỳ vàng son của thư viện là vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bạn đọc xếp hàng để mượn sách, đợi cả tiếng đồng hồ để có được quyển sách yêu thích. Nay, trong 200.000 cuốn sách của Thư viện và khoảng 10.000 cuốn được bổ sung hàng năm với 35% sách văn học, 20% sách thiếu nhi, còn lại là các lĩnh vực khác nhưng hẳn còn rất nhiều có những cuốn sách vẫn chưa từng được mượn.
Trước đây đã có những cơ quan, đơn vị phối hợp cùng với thư viện để mượn sách cho đoàn viên thanh niên nhưng cũng không duy trì được lâu. Chúng tôi không mong sẽ tạo ra một văn hóa đọc, hy vọng chỉ tạo được thói quen đọc sách cho các bạn trẻ”.
Có nhiều lý do để người ta không đến thư viện cũng như khiến văn hóa đọc thay đổi. Cuộc sống bận rộn với nhiều lo toan bộn bề, người ta không có thời gian dành cho sách nhưng lý do chính có lẽ do văn hóa nghe nhìn hiện nay đã lấn át văn hóa đọc.
Các phương tiện như tivi, máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng với sự bùng nổ của mạng Internet, với sự thay đổi từng ngày của công nghệ, người ta dễ dàng từ bỏ thói quen đọc sách hàng ngày mà thay vào đó là lướt net nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức… cũng là điều dễ hiểu vì chỉ những ngón tay lướt nhẹ trên màn hình là đã mở ra cả thế giới rộng lớn.
Giới trẻ ngày nay ngày càng “ngại” đọc, các bạn trẻ thích facebook và đọc truyện tranh nhiều hơn. Những bộ truyện tranh đang “nóng” như “Conan”, “Sin- cậu bé bút chì”, “Doraemon”, “Chú bé rồng”… trở thành niềm yêu thích của các cô bé, cậu bé tuổi ô mai.
Em Nguyễn Thị Trang – học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) cho biết: “Nhiều khi em cũng muốn đọc những tác phẩm văn học hay những sách khoa học thường thức nhưng những quyển đó dày, có quyển vài trăm trang nên thôi. Hơn nữa, việc học cũng đã chiếm gần hết quỹ thời gian. Đọc truyện tranh có hình họa hấp dẫn mà lại nhanh, chỉ 15 phút là đã xong 1 cuốn”.
Ngoài ra, giá sách hiện nay vẫn còn ở mức cao so với thu nhập trung bình của người dân Yên Bái. Để sở hữu một cuốn sách phải bỏ ra từ vài chục thậm chí vài trăm nghìn đồng trong khi đây chưa phải là nhu cầu thật sự thiết yếu đối với nhiều người.
Sách đi tìm người
“Thư viện xanh” của Trường Tiểu học Nam Cường đã hoạt động được 6 năm.
Nhưng như thế không có nghĩa là cuộc sống hiện nay không cần sách. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tính trung bình lượng sách theo đầu người của Yên Bái đạt 2,5 bản/người/năm, bao gồm cả sách giáo khoa. Đối với Yên Bái, khi mà mức sống chênh lệch giữa vùng miền còn khá lớn thì tại các vùng nông thôn và vùng cao luôn thiếu sách để đọc.
Hiện nay, hầu hết các trường học cũng đã được Nhà nước đầu tư các thư viện trường học, bổ sung sách hàng năm nhưng dường như chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Thiếu phòng đọc, thiếu cán bộ thư viện nên thư viện trong nhiều trường học vẫn dừng lại ở chức năng phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên, việc phục vụ đọc của học sinh còn nhiều hạn chế.
Do đó, có thể thấy trẻ em nông thôn không chỉ “khát” sân chơi mà còn “khát” sách nên mỗi lần có những chuyến xe thư viện lưu động là một lần các bạn nhỏ vùng cao, vùng sâu vùng xa được thỏa thích đắm mình trong những cuốn truyện cổ tích, bà con địa phương tìm hiểu các sách khoa học kỹ thuật phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh Yên Bái tổ chức được 14 chuyến xe thư viện lưu động và xây dựng 62 điểm mượn tập thể tại vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, còn liên kết với các trường để cấp thẻ thư viện cho học sinh và cấp miễn phí cho các em học sinh nghèo. Đây là những cố gắng của những người làm công tác văn hóa trong nỗ lực đưa sách đi tìm người.
Giải pháp
Khi mà nguồn kinh phí dùng cho việc mua sách và đầu tư xây dựng các thư viện, phòng đọc tại địa phương, trường học còn hạn chế thì việc phát huy hiệu quả của các thư viện sẵn có là điều cần thiết. Tại trường Tiểu học Nam Cường (phường Nam Cường, thành phố Yên Bái) đã duy trì tốt mô hình “thư viện xanh” nhiều năm nay. Những vỏ chai cũ thành tủ sách mini, ghế đá thành chỗ ngồi tạo ra môi trường đọc sách thú vị mỗi giờ ra chơi.
Cô giáo Hà Thị Thắm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không gian trong phòng đọc trước kia chật chội, chúng tôi dùng cách này để các em đọc sách, nhà trường còn xây dựng tủ sách tại các lớp học”. Đây là cách làm tiết kiệm, hiệu quả mà nhiều trường có thể áp dụng. Ngoài ra, các trường học có thể xây dựng tủ sách nhỏ tại các lớp học, dành thời gian hoạt động ngoài giờ giới thiệu về những cuốn sách hay và bổ ích.
Đối với thư viện có thể tặng sách cho những bạn đọc thường xuyên, tôn vinh người có sách hay được nhiều người đọc. Cần tiếp tục tổ chức những chuyến xe lưu động và nhân rộng thêm nhiều điểm mượn tập thể tại các địa phương vùng cao. Nhà nước cũng cần có chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở các thư viện miễn phí trong đó, sách cũng cần phải phù hợp với từng độ tuổi, từng đối tượng để thu hút bạn đọc.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam, đây có thể coi là luồng gió mát giúp cho văn hóa đọc phát triển.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Đến với thị xã miền Tây trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi xúc động khi thắp nén tâm nhang trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ, cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt và cả những mất mát, hy sinh khó nói hết bằng lời... để thấy yêu hơn mảnh đất, con người Nghĩa Lộ, thấm hơn khúc tráng ca còn vang mãi giữa miền ban trắng.
YBĐT - Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có 1.359 hộ với 5.699 khẩu, gồm các dân tộc Tày, Mông và Kinh. Toàn xã có 17 thôn, trong đó có 4 thôn người Mông là: Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Tiến và Khe Ron. Trong khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong xã đang có những bước tiến đáng kể thì ở thôn Khe Tiến, trên bốn chục hộ dân đang cần hỗ trợ để thoát khỏi khó khăn.
YBĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu" đã đi qua chặng đường 60 năm. 60 năm - dòng chảy thời gian ít nhiều đã cuốn theo dấu vết chiến tranh nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
YBĐT - Người ta thường nói, con cái là sự tiếp nối cuộc sống của cha mẹ, điều đó làm nên sự trường tồn của con người trong vũ trụ. Nhưng bỗng một ngày cha mẹ phát hiện ra sự tiếp nối của mình không giống như tự nhiên vốn có thì dường như vũ trụ đã hoàn toàn sụp đổ. Và trong cuộc đấu tranh khẳng định mình của những đứa con thuộc giới tính thứ ba này đang nhiều lắm những giọt nước mắt.