Nhớ mãi chiến thắng Đại Bục, Đại Phác

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2014 | 2:40:19 PM

YBĐT - Trong những ngày này, nhân dân xã Đại Phác huyện Văn Yên (Yên Bái) đang ra sức thi đua lao động, sản xuất hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2014, hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với những công trình, phần việc thật ý nghĩa như: mở đường giao thông thôn Đại Phác, làm mặt bằng nhà văn hóa thôn Tân Minh…

Mở đường từ thôn Đại Phác đi thôn Ba Luồng - công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Mở đường từ thôn Đại Phác đi thôn Ba Luồng - công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tuyến đường từ trung tâm xã Đại Phác đi vào thôn Ba Luồng - nơi thực dân Pháp lập đồn bốt đóng quân ngày trước nay đã được bê tông hóa và đang tiếp tục mở thông sang thôn khác.

Đứng trên đỉnh Gò Đồn, thôn Ba Luồng mà thực dân Pháp lập đồn bốt trước đây, nhìn ra cánh đồng Đại - Phú - An lúa xanh ngút tầm mắt, ông Hoàng Đình Pống - nguyên Đội trưởng Đội du kích xã Đại Phác nhớ lại: “Năm 1945, dưới sự chỉ huy của ông Chu Văn Sách - cán bộ Khu bộ Việt Minh, Đội tự vệ xã Đại Phác thành lập gồm có các ông: Hoàng Đình Miên, Hoàng Thái Sơn, Hoàng Đình Tam, Hà Đình Riện, Hoàng Đình Cù, Hoàng Đình Tọa, Hoàng Đình Văn, Hoàng Đình Hạ, Hoàng Đình Pống… do ông Hoàng Đình Tam làm Đội trưởng.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, tháng 10/1945, huyện Trấn Yên chủ trương xây dựng và phát triển đội du kích các xã. Đội du kích Đại Đồng được thành lập lúc đầu chỉ có một tiểu đội, sau đó phát triển thành trung đội do đồng chí Hoàng Cao Hỷ làm Trung đội trưởng. Đội du kích xã Đại Đồng chủ yếu làm nhiệm vụ võ trang tuyên truyền, bảo vệ chính quyền cách mạng do quân số ít, trang bị lạc hậu…

Đến năm 1947, Đội được củng cố, kiện toàn quân số lên đến 40 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở Đại Phác tham gia, do ông Hoàng Cao Sơn làm Đội trưởng. Khi đó, tôi được giao nhiệm vụ làm liên lạc.

Sau khi chiếm được Nghĩa Lộ và một số vị trí quan trọng của huyện Trấn Yên, ngày 18/10/1947, thực dân Pháp tấn công Yên Phú. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt một ngày đêm đã gây cho chúng nhiều thiệt hại. Do lực lượng ta yếu, đơn vị đã được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Đến sáng hôm sau, quân Pháp qua Ngòi Thia đánh chiếm Đại Phác và tiếp tục đánh chiếm một số vị trí: Đại Bục (An Thịnh), Dóm (Đông An), Phong Dụ, Châu Quế Thượng… Chiếm được vùng đất rộng lớn, thực dân Pháp đưa tay sai cũ ra lập chính quyền bù nhìn, phản động”.

Sau khi được củng cố, Đội du kích Đại Đồng được trang bị vũ khí tốt hơn, hoạt động trên địa bàn khá rộng lớn. Đơn vị đã tiến hành hàng chục trận phục kích, tập kích các toán quân tuần tiễu, các đợt di chuyển quân của địch, diệt một số tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Tháng 12/1947, tỉnh đưa 2 đội vũ trang vào vùng địch tạm chiếm. Quân ta mở một loạt đợt tập kích, phục kích vào các vị trí tiền tiêu của giặc, thu được nhiều thắng lợi. Tháng 1/1948, Bộ Chỉ huy Khu 10 dùng một tiểu đoàn của Trung đoàn Sông Lô, 3 trung đội pháo cối phối hợp với Trung đoàn 115 đánh vào hàng loạt đồn bốt giặc bên hữu ngạn sông Hồng.

 

Ông Hoàng Đình Pống kể chuyện đánh đồn Đại Phác cho cháu, chắt.

Thất bại ở đồng bằng và bị quân ta đánh mạnh, quân Pháp rút khỏi 10 đồn bốt khác nhau, trong đó có đồn Đại Bục, Đại Phác.

Cuối tháng 5/1948, quân Pháp ở Nghĩa Lộ và Văn Bàn mở cuộc tiến công chiếm lại các xã thượng huyện Trấn Yên, lập lại các đồn Dóm, Đại Bục, Đại Phác. Ngay sau khi lập lại đồn Đại Phác, chúng thiết lập chính quyền tay sai, tổ chức các đội lính dõng, thường xuyên càn quét, dồn dân vào quanh đồn để làm hàng rào bảo vệ; vơ vét lương thực, bắt dân đi phục vụ, đào đắp xây đồn; lùng sục khủng bố những gia đình có người tham gia kháng chiến…

Trong một cuộc càn quét làng Ốc Nhồi, Pháp đã đốt cháy một số nhà dân, bắn chết 2 người, bị thương 2 người. Giữa năm 1948, quân Pháp dùng máy bay ném bom đốt cháy 48 ngôi nhà tại làng Chè Vè (An Thịnh). Những hành động tàn bạo, dã man của thực dân Pháp làm cho đồng bào các dân tộc rất căm phẫn.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã Đại Đồng, tháng 10/1948, Đội du kích Đại Phác được thành lập do ông Hoàng Đình Pống làm Đội trưởng. Đội có nhiệm vụ bí mật, luồn sâu, nắm chắc mọi hoạt động của quân địch đồng thời làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, làm công tác tuyên truyền, công tác địch vận (vận động địch ra hàng, vận động những người lầm đường lạc lối rời bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình, trở về với cách mạng…).

Năm nay đã 89 tuổi, ông Hoàng Đình Pống vẫn nhớ tường tận những tội ác của thực dân Pháp gây ra ở các xã trong vùng chúng đóng đồn bốt. Ông Pống kể: Vào cuối năm 1948, đầu năm 1949, Đội du kích Đại Phác đã phối hợp với Đội du kích Đại Đồng tiến hành nhiều trận phục kích đánh địch làm cho quân Pháp và tay sai kinh hoàng. Như trận tập kích một đơn vị địch khi chúng nghỉ qua đêm tại nhà một tên phản động ở thôn Đại Bục đã diệt 2 sỹ quan Pháp và 1 lính khố đỏ, làm bị thương 2 tên, thu 13 khẩu súng các loại; trận tập kích tại Khe Giang khi chúng từ đồn Thíp ra Đại Phác, diệt và bắt 8 tên, trong đó có 3 tên Pháp… Đội du kích xã phối hợp với đội chủ lực (Đại đội 518), tập kích tại khe Nước Lạnh khi chúng hành quân từ Nghĩa Lộ ra. Trận này, địch chết rất nhiều, ngày hôm sau chúng mới vào lấy được hết xác…

Năm 1949, khi bộ đội chủ lực chuẩn bị đánh đồn Đại Bục, Đại Phác mở đầu cho Chiến dịch Sông Thao của bộ đội ta, quân Pháp càn quét bắt dân vào gần đồn bốt để làm hàng rào bảo vệ. Bố, mẹ, hai vợ chồng anh tôi và một cháu bị bắt, tôi đã chạy thoát. Đội du kích Đại Phác sơ tán vào Vực Vôi, thôn Đại Thành, Đại Phác, cách đồn Pháp đóng khoảng 5km, tôi làm công tác liên lạc, địch vận...

Chiều ngày 19/5/1949, Tiểu đoàn 11 do đồng chí Vũ Yên làm Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh đồn Đại Phác. Sau gần hai giờ chiến đấu quyết liệt, đồn đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Những người dân các xã bị Pháp bắt đã được bộ đội, quân địa phương giải cứu trở về nhà, trong đó có bố, mẹ, anh chị và cháu tôi.

Chiến dịch đánh đồn Đại Bục, Đại Phác mở đầu trong Chiến dịch Sông Thao giành thắng lợi có ý nghĩa rất lớn. Một vùng rộng lớn thuộc hữu ngạn sông Hồng được giải phóng; các xã trong vùng chuyển sang giai đoạn xây dựng hậu phương, huy động sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và di tích đồn Đại Phác đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

 Trường Cao (Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đại Phác 1945 - 2013)

Các tin khác
Bà con người Dao thôn 7 góp công bê tông hóa đường liên thôn.

YBĐT - Trong những ngày đầu tháng Tư này, chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên). Đi đến đâu cũng bắt gặp một khí thế sôi nổi, tất bật.

Dân công vận tải bằng xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua lời giới thiệu của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 89 đường Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy thăm ông Nguyễn Văn Tiệp, cán bộ ngành thương mại nghỉ hưu. Năm nay 84 tuổi, tay đã run run do tuổi tác, nhưng nhắc đến những ngày đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, giọng ông vẫn hồ hởi: "Gian khổ lắm, nhưng vui, lạc quan lắm".

Các cựu chiến binh thăm nghĩa trang Độc lập.

60 năm đã trôi qua, giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng ký ức về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Phạm Bá Miều.

Cán bộ, chiến sĩ  lực lượng chức năng Công an tỉnh kiểm nghiệm tang vật của một vụ án ma túy.

YBĐT - Sau mỗi vụ án thành công, mỗi đường dây ma túy được bóc gỡ, mỗi lần vinh dự được được đứng lên bục khen thưởng cho thành tích của cá nhân, tập thể, thì họ - những người lính trên mặt trận đấu tranh chống ma túy lại trở về với chính mình và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như những cột trụ bình thường khác trong các gia đình bé nhỏ của xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục