Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa:

Huy động sức mạnh cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2014 | 2:36:32 PM

YBĐT - Yên Bái là mảnh đất in đậm dấu ấn lịch sử và có nền văn hóa truyền thống lâu đời. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.

Di tích lịch sử văn hóa Cổng Đục (Đồn Cao) đang xuống cấp.
Di tích lịch sử văn hóa Cổng Đục (Đồn Cao) đang xuống cấp.

Trải qua thời gian cùng những tác động của thiên nhiên, chiến tranh nên một phần các di tích đang bị xuống cấp rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội để các di tích lịch sử được bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị.

Cái khó bó cái khôn!

Thực hiện chủ trương gắn bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) truyền thống cách mạng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH,TT&DL) tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc khảo sát, lập hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL công nhận xếp hạng các di tích để từ đó có cơ sở đầu tư bảo vệ, tôn tạo.

Trong những năm qua, nhiều di tích đã và đang được đầu tư nhằm giữ gìn các giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống, mang lại ý nghĩa thiết thực trong giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhắc tới Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. 

Khu DTLS-VH Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nơi đã từng diễn ra cuộc phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945 và cùng ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm chân chấn động địa cầu".

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 27/9/1996 theo Quyết định số 2410- QĐ/VH của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Từ năm 2005 - 2007, di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 7.450 triệu đồng. Mặc dù đã được tôn tạo nhưng do kinh phí hạn hẹp nên khu di tích này hiện nay cũng đang xuống cấp. Do khu vực vành đai chỉ là đất, chưa được kè đá nên khi gặp thời tiết bất lợi, phần đất quanh di tích dễ bị sụt lở.

Năm 2012, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, một phần của lô cốt duy nhất còn lại của di tích đã bị sập vỡ. Không những thế, toàn bộ taluy dương dài 120m của khu di tích nằm sát với đường Pú Lo cũng bị rạn nứt sát vào khu tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể di tích. Dù tỉnh và địa phương đã kịp thời tu sửa phần lô cốt với kinh phí 70 triệu đồng song đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Cùng với Khu DTLS-VH Căng và đồn Nghĩa Lộ, nhiều DTLS-VH được trùng tu tôn tạo bằng nguồn vốn đầu tư phát triển từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là: di tích đền Nhược Sơn (huyện Văn Yên) và ba di tích cấp quốc gia được hỗ trợ chống xuống cấp bằng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Kại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, di tích Làng Dọc - Chiến khu Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, di tích Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình với tổng kinh phí 1.850 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho bảo tồn, tôn tạo hệ thống DTLS-VH, danh lam thắng cảnh như: Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, di tích Lễ đài sân vận động Yên Bái - nơi Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái năm 1958 với tổng mức đầu tư trên 7,2 tỷ đồng.

 

Di tích lịch sử - văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho các thế hệ cần được trùng tu, nâng cấp.

Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước thì rất khó và đó là bài toán không đơn giản trong bảo tồn, tôn tạo DTLS-VH - cách mạng hiện nay. Bởi khi nhu cầu bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử đòi hỏi rất lớn thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", công tác xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích được Yên Bái hết sức quan tâm. Qua tuyên truyền, kêu gọi, nhân dân và du khách thập phương tham gia ủng hộ, Yên Bái đã huy động nguồn xã hội hóa lên tới trên 22 tỷ đồng (tính từ năm 2008 đến nay).

Nguồn vốn này góp phần không nhỏ trong bảo tồn các di tích khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành những địa chỉ hấp dẫn, thu hút du khách thập phương như: chùa Tùng Lâm - Ngọc Am, chùa Minh Pháp, cụm di tích đình - đền - chùa Nam Cường (thành phố Yên Bái), đền Mẫu Thác Bà (huyện Yên Bình), đền Đông Cuông, đình Mường A (huyện Văn Yên)... Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy việc đóng góp của nhân dân chủ yếu cho các di tích mang tính tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh còn với những di tích lịch sử - cách mạng thì việc huy động còn rất nhiều khó khăn, hầu như chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Nhất thiết phải bảo tồn

Hiện nay, các di tích lịch sử trên địa bàn đã và đang xuống cấp nghiêm trọng như: DTLS-VH Cổng Đục thuộc Đồn Cao Yên Bái ở phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái là nơi đã ghi dấu cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Mặc dù có giá trị to lớn về lịch sử nhưng khi đặt chân đến đây nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi sự hoang phế. Toàn bộ khu vực xung quanh cỏ dại và cây cối mọc um tùm, còn phía bên trong thì gạch vữa đang bị bong dần ra do sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và đầu hầm phía Đông đã bị sập nát.
Hiện, toàn tỉnh có 719 di sản, trong đó có 54 di tích được xếp hạng (41 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia). Đây là những di sản văn hóa quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.                                     

Ông Trần Đức Tiến - Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc cho biết: "Dù hàng năm chính quyền và nhân dân địa phương đã cố gắng gìn giữ di tích bằng việc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên phát cỏ, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhưng hiệu quả không cao. Địa phương cũng muốn đầu tư, tôn tạo khu di tích nhưng do kinh phí hạn hẹp, nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Trước mắt khu di tích cần đầu tư kinh phí để khoanh vùng bảo vệ, sửa chữa lại đầu hầm phía Đông, san phẳng khoảng sân phía trước, sau và xung quanh để trồng cỏ tạo cảnh quan, lắp hệ thống chiếu sáng... tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục truyền thống cách mạng và thu hút du khách đến với di tích".

Ngoài DTLS-VH Cổng Đục (Đồn Cao) còn rất nhiều di tích lịch sử cần được quan tâm đầu tư tôn tạo và gìn giữ như: trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 10 (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình), di tích lịch sử Gò Cọ làng Chiềng (xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên), di tích đồn cổ Đại Lịch (xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn), Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ... là những khu di tích lịch sử cách mạng và là những chứng tích lịch sử cần phải được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Qua đó, giúp các thế hệ càng thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của đất nước, dân tộc và địa phương.   

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Yên Bái chính là những bằng chứng lịch sử ghi lại quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân Yên Bái trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nếu không được sự quan tâm kịp thời rất có thể những di tích này sẽ mất đi giá trị lịch sử vốn có của nó.

Nói về vấn đề này, ông Lê Xuân Định - Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Yên Bái thừa nhận: "Sự tôn tạo, trùng tu, bảo vệ các di sản, nhất là các di sản lịch sử đã được tỉnh và ngành văn hóa hết sức quan tâm. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế trong khi nhu cầu trùng tu, tôn tạo rất lớn. Thời gian qua, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế".

Một điểm yếu nữa là Yên Bái vẫn chưa khai thác hiệu quả những danh lam, thắng cảnh, di tích với phát triển du lịch, chưa thu hút cộng đồng vào hoạt động bảo tồn di tích lịch sử. Thực tế, vốn đầu tư của Nhà nước dành cho các DTLS-VH còn hạn chế. Do đó, Yên Bái cần huy động các tổ chức, cá nhân vào cuộc để cùng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho các di tích, nhất là các di tích lịch sử đúng với tầm vóc và giá trị của mỗi khu di tích.

"Trong thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng một quy định về nguồn thu xã hội hóa ở các di tích tín ngưỡng, tâm linh để điều tiết nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ bảo quản, trùng tu, tôn tạo các DTLS-VH của địa phương", ông Định cho biết thêm.

Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giúp nhân dân nhận thức đúng giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc của các di sản và có ý thức tự giác chung tay bảo tồn, phát huy giá trị các di sản là việc làm rất quan trọng. Bởi người dân chính là chủ thể gìn giữ những giá trị quý báu của cha ông để lại.

Song song với đó, phải gắn bảo tồn các di sản văn hóa với phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Yên Bái giàu tiềm năng du lịch với du khách trong nước để các nhà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư khai thác, cần phối hợp, hợp tác với các công ty du lịch đưa các điểm DTLS-VH gắn các tour, tuyến du lịch, kết hợp giáo dục truyền thống cho du khách.

Sự liên kết chặt chẽ giữa công ty lữ hành du lịch với chính những địa phương có tiềm năng về du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử không chỉ có tác dụng thúc đẩy kinh tế du lịch mà còn phát huy được các giá trị di tích lịch sử, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Rõ ràng, việc bảo tồn, phát huy giá trị của DTLS-VH là việc làm không thể chậm trễ. Và để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội để những di tích lịch sử sẽ mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc Yên Bái nói riêng.   

   Thanh Chi

Các tin khác
Cụ Lê Văn Đam (chỉ tay) và cụ Đoàn Văn Bằng hoài niệm về những tháng ngày lịch sử trên bến Âu Lâu...

YBĐT - Những người bơi đò trên bến Vạn Lâu hơn 60 năm về trước giờ chỉ còn vài cụ nhưng những người trong làng Vạn Lâu từng chứng kiến những thời khắc hào hùng ra trận trên bến sông này những năm chống Pháp thì còn có thêm vài cụ nữa.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động.

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp của Yên Bái trong những năm gần đây liên tục gặt hái được nhiều thành công. Năm nào cũng vậy, ba mùa gối vụ, lúa xuân, lúa mùa, cây vụ đông đều bội thu, an ninh lương thực được bảo đảm, nhiều vùng còn sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường.

Các thành viên của đội xe ôm tự quản chờ, đón khách.

YBĐT - Không tranh giành khách, không hét giá, dừng đón khách theo qui định, những “xe ôm tự quản” ở thị trấn Mậu A huyện Văn Yên (Yên Bái) dần tạo dựng niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Tuy nhiên, vượt lên trên đó là những “chiến công” thầm lặng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) và giúp đời, cứu người...

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, từ khắp nơi trong cả nước, khách du lịch nườm nượp cùng nhau lên thành phố Điện Biên Phủ. Sau một chặng dài, Quốc lộ 6 trải dài trong sắc trắng hoa ban, đưa du khách về với với những ký ức hào hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục