Ký ức cung đường 13

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2014 | 2:51:14 PM

YBĐT - Ký ức của một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của cựu thanh niên xung phong Trần Dần (tên khai sinh Trần Văn Dần) - nguyên Phó ty Giao thông - Vận tải Nghĩa Lộ, Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong C264 với hơn 200 thành viên có nhiệm vụ chính mở hơn 30km đường thuộc cung đường 13A - tuyến đường huyết mạch đến chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Trần Dần cùng con gái Trần Thị Xa nhớ về người vợ, người mẹ Hoàng Thị Dẻo đã khuất.
(Ảnh: Đoàn Hà)
Ông Trần Dần cùng con gái Trần Thị Xa nhớ về người vợ, người mẹ Hoàng Thị Dẻo đã khuất. (Ảnh: Đoàn Hà)

Ông Dần đưa cho chúng tôi xem Kỷ niệm chương "Cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác". Đôi mắt của người cựu thanh niên xung phong 87 tuổi đời, 67 tuổi Đảng ấy dường như xa xăm hơn khi trở về ký ức... Sinh ra tại Hà Nội, khi vừa bước qua tuổi 18, chàng thanh niên trẻ Trần Dần được lệnh đi theo làm công tác cần vụ, bảo vệ kiêm thư ký cho đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Phó bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang sang nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Ông Dần cho biết: “Mặc dù ban đầu có hơi lo lắng về sự thay đổi địa phương và điều kiện công tác nhưng với sức trẻ cùng kiến thức trong công tác giao thông, năm 1949, tôi được Tỉnh ủy Yên Bái tin tưởng, giao nhiệm vụ mới tại Tỉnh đoàn Yên Bái, trực tiếp lãnh đạo thanh niên tham gia Chiến dịch Lý Thường Kiệt, Chiến dịch Hòa Bình và Chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ”.

Thực hiện mệnh lệnh chỉ huy của Trung ương Đảng về việc giải phóng Điện Biên, lúc này, tuyến đường 13A nối liền với đường 6, nối Yên Bái với Sơn La trở thành tuyến đường huyết mạch, là nơi chuyển quân, lương thực, đạn dược, pháo lớn... Nhiệm vụ làm đường, sửa đường trở thành nhiệm vụ chính phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên cung đường 13A, tỉnh Yên Bái có hơn 30km từ Ngã ba Ba Khe đến đỉnh đèo Lũng Lô là đường hoàn toàn mới, có nhiều hang động, nhiều núi đá lớn, cộng với dòng suối Ngòi Lao rộng, gây nhiều khó khăn cho các phương tiện.

Khắc phục khó khăn đó, năm 1953, Tỉnh đoàn Yên Bái thành lập Đại đội thanh niên xung phong C264, phân công đồng chí Trần Dần làm Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy hơn 200 thành viên phối hợp với nhân dân Khu tự trị Thái Mèo, bao gồm các xã: Thượng Bằng La, Đại Lịch, Cát Thịnh... tham gia mở đường.

Ông Trần Dần cho biết: "Tuy phải làm đường dã chiến hàng ngày trong điều kiện rất khó khăn song hơn 1.000 dân công hỏa tuyến đã kề vai sát cánh cùng Đại đội thanh niên xung phong làm đường, cống, cầu, đường ngầm không kể ngày đêm, đảm bảo thông suốt cho xe đi lại".

Cũng chính người dân địa phương đã nghĩ ra những cách làm đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả là xếp những cây gỗ dài 2m thành hình chữ A chéo (sau này gọi là hầm chữ A), cứ cách 50 thước lại đặt một chiếc, trên đó đặt những tấm phên nứa lên trên; nhân dân còn chặt cây to trong rừng, đẽo thành dầm đặt lên trên để làm cầu cho xe đi qua.

Chính trong những ngày đó, tình yêu giữa ông với cô gái Tày xã Thượng Bằng La Hoàng Thị Dẻo - đội viên đội xung kích đánh bom đã nảy nở. “Giữa công trường ác liệt, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng, dồn hết sức lực cho công việc" - ông Dần tâm sự.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau đó, ông Dần và bà Dẻo tổ chức kết hôn. Kết hôn chưa được bao lâu, ông tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ huy công trường đường Tây Bắc cùng hơn 3.000 quân và dân giữ cho giao thông từ Hòa Bình đến Thuận Châu thông suốt.

“Cả đời tôi đi đây đi đó, một mình bà ấy quán xuyến, chăm nom, dạy dỗ 4 đứa con nên người” - ông Dần bộc bạch - "May mắn cho tôi được lên Yên Bái công tác để gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình”.

Những người thanh niên xung phong năm xưa nay người còn, người mất nhưng lúc nào người Trưởng ban liên lạc Hội cựu thanh niên xung phong C264 cũng mang theo mình một chiếc cặp da với các loại giấy tờ, với đầy đủ danh sách hội viên.

Giọng nói của ông bỗng dưng chùng xuống, day dứt khi nói vẫn còn số ít anh em ở Đại Lịch, Chấn Thịnh chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước: "Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp để công nhận cho họ, để con cháu sau này được tự hào vì đã có ông, bà trực tiếp tham gia sửa đường, giữ đường, giúp kháng chiến thắng lợi".

Thanh Huyền

Các tin khác
Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công thị xã Thanh Hóa đã chở được 345,5kg, đạt kỷ lục chở nặng nhất bằng xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thiềng (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đã chuyên chở hàng trăm kg lương thực, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Ảnh: H.N

YBĐT - Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ ấy tên là Xuân. Ông có dáng người hơi khác với anh em trong cơ quan, cao to, lộc ngộc thường thấy mặc bộ quần áo ta màu xanh công nhân. Chiếc quần ống voi hơi cộc so với khổ người của ông, chân đi đôi giày vải không tất nên dáng ông lúc nào cũng lộc ngộc, thô thô.

Gia đình anh Dương Ngọc Chinh ở thôn Đồng Tâm lúc nào cũng đông người đan rọ.

YBĐT - Bằng sự quyết tâm gìn giữ vốn nghề truyền thống của người dân, có một làng nghề vẫn tồn tại và âm thầm phát triển bất chấp những đổi thay của thời gian. Đó là nghề đan rọ tôm của người dân xã Phúc An huyện Yên Bình (Yên Bái).

YBĐT - Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ – TTg ngày 24/8/2006 được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Yên Bái, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn từ chính quyền các cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục