Gỡ “nóng” trong xây dựng các công trình trọng điểm
- Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 4:33:51 PM
YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 109 dự án, 7.776 hộ bị ảnh hưởng, 434 hộ phải di dời, thu hồi 2.175,44 ha đất. Từ đó cho thấy GPMB luôn là vấn đề "nóng". Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các vướng mắc liên quan đến GPMB đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
|
Nhìn từ công trình nâng cấp quốc lộ 32C
Công tác GPMB quốc lộ 32C đoạn qua tỉnh Yên Bái được thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn hơn 1 km hai bên hành lang chưa thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần ra hạn chót phải bàn giao mặt bằng nhưng vì nhiều lý do mà các địa phương chưa thể hoàn thành. Chứng kiến trong một buổi sáng, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên ngồi giải thích cho một hộ dân về các loại đất, mức giá đền bù mà họ được nhận theo quy định. Khi mặt trời đứng bóng, hộ dân này vẫn không đồng ý với kết quả kiểm kê, áp giá đền bù.
Ông Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên cho biết: "Có rất nhiều trường hợp chúng tôi phải làm việc không dưới 10 lần nhưng vẫn không có kết quả. Có người dân đọc ra cả chục loại văn bản, chỉ thị, nghị định từ trung ương đến địa phương nhưng tất cả đều không liên quan, ăn nhập đến chính sách đền bù GPMB đang thực hiện. Những nhận thức chưa đúng của người dân khiến công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn".
Hiện tại, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đang có nhiều hộ còn vướng mắc làm ảnh hưởng chung đến tiến độ GPMB toàn tuyến. Ông Nguyên Văn Hà ở thôn Gò Bông khẳng định: "Đất trước cửa nhà tôi được để lại từ thời ông bà, tuy chúng tôi chưa làm sổ đỏ nhưng đó vẫn là đất thổ cư nên việc áp giá đền bù cũng phải theo khung giá đất thổ cư, nếu không tôi không đồng ý". Còn các hộ khác như: Trần Văn Khương, Nguyễn Bá Hà, Vũ Hồng Bái, Đào Thị Bình ở thôn Tiền Phong vì nhiều lý do vẫn chưa ký nhận tiền đền bù: cần hỗ trợ đào tạo nghề, vi phạm do cơi nới công trình kiến trúc, một số hộ thì cho rằng giá đền bù thấp nên không đồng ý...
Một việc cũng thường xảy ra đối với các dự án GPMB đó là việc cơ nới, xây dựng các công trình kiến trúc trái phép trên hành lang giải phóng. Minh Quân là một ví dụ. Ngay sau khi khởi công, nắm được lộ tuyến giải phóng, lập tức các công trình cơi nới “mọc” lên như nấm. Chủ tịch UBND xã “ngạc nhiên” không ngờ dân mình “chăm chỉ” đến thế, chỉ sau 2 ngày nghỉ cuối tuần đã có hàng chục hộ dân chăng đèn, giăng bạt thâu đêm để xây dựng. Ông tá hỏa báo cáo lên huyện thành lập đoàn thanh tra. Kết quả, 25 hộ bị lập biên bản dừng thi công và kiên quyết không đền bù với những công trình xây mới trong thời gian thực hiện GPMB.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung trong tháng 7 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến thời điểm này, GPMB quốc lộ 32C đạt trên 90%. Vật kiến trúc xây dựng sau thời điểm thông báo GPMB sẽ không đền bù, kiên quyết yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ. Với trường hợp cho rằng giá đền bù thấp, do không có căn cứ điều chỉnh nên sẽ giữ nguyên. Hơn nữa, trên 500 hộ đã chấp nhận giá đền bù và đã nhận tiền, nếu chỉ vì đáp ứng một vài hộ thì hàng trăm hộ khác sẽ không đồng tình, dẫn đến hậu quá khó lường. Đối với trường hợp một hộ dân không có sổ đỏ nhưng vẫn yêu cầu đền bù theo khung giá đất ở chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật".
Người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái cơi nới các công trình kiến trúc trong phạm vi GPMB đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Đến công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trong số các dự án GPMB thì Dự án GPMB đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tiêu tốn nhiều sức lực, thời gian nhất. Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái có tổng diện tích đất phải thu hồi 664 ha với 3.320 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Tuy hiện nay, mặt bằng đã được bàn giao đầy đủ cho các nhà thầu và chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ thông tuyến nhưng vẫn còn hàng loạt vướng mắc liên quan đến hành lang an toàn và các tuyến đường gom dân sinh.
Trong buổi làm việc gần đây của đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh với các nhà thầu tại huyện Văn Yên, đại diện nhà thầu Doosan cho biết, hiện nay, nhà thầu đang thi công phần hàng rào an toàn và hộ lan của gói thầu A6. Tuy nhiên, trên gói thầu này còn 60 điểm vướng mắc liên quan đến mặt bằng, người dân khiếu nại một số vấn đề như: giá đền bù đất GPMB không thỏa đáng, yêu cầu bổ xung đường gom dân sinh, đất trong biên bản GPMB chưa nhận được đền bù, mốc GPMB cắm trên thực địa không khớp với hồ sơ thi công nhà thầu được bàn giao, một số diện tích canh tác của người dân không thể khắc phục đề nghị thu hồi vĩnh viễn...
Trong quá trình thực hiện GPMB và làm đường gom dân sinh, nhà thầu mới chỉ quan tâm đến thuận lợi của mình trong quá trình thi công mà chưa quan tâm đến ý kiến của người dân địa phương, dẫn đến những bức xúc của người dân. Theo ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, công tác GPMB cần có sự thống nhất trong quan điểm, trước sau như một. Nếu hôm nay thông báo người dân như thế này, mai lại vì lý do nào đó mà thay đổi thì dễ làm mất lòng tin người dân, dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện kéo dài, đồng thời gây khó khăn cho địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo chính sách.
Cần những giải pháp quyết liệt
Sau gần 2 năm, công trình nâng cấp quốc lộ 32C mới tạm hoàn thành GPMB. Nếu ngay từ đầu huyện Trấn Yên tập trung sức lực, nghiêm túc chỉ đạo chắc chắn tiến độ sẽ nhanh hơn. Chỉ đến khi UBND huyện kiện toàn lại Hội đồng GPMB tuyến quốc lộ 32C, lúc này công tác GPMB mới thực sự được triển khai, cộng với những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, dễ hiểu tại sao tiến độ GPMB lại chậm như vậy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trở ngại trong công tác GPMB ở các địa phương. Theo ông Cao Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường một vẫn đề rất khó khắc phục đó là lỗ hổng trong công tác quản lý đất đai trước đây. Người dân tự kê khai để đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến diện tích không chính xác, gây khó khăn cho công tác kiểm đếm, đền bù. Đối với người dân, cái họ quan tâm nhất đó là chính sách áp giá đền bù, những văn bản pháp luật liên quan, trong khi đó, cán bộ làm công tác GPMB thì lại ít kinh nghiệm.
Ông Lê Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Minh Quân thẳng thắn nói: "Cán bộ làm công tác GPMB phải là người có kinh nghiệm, có đủ trình độ, nắm chắc chính sách thì mới có thể giải thích thấu đáo, triệt để cho người dân hiểu". Vấn đề nhân lực làm công tác GPMB ở các địa phương hầu hết là thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, do đó ảnh hưởng đến công tác.
Chính sách đền bù GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Chính phủ phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan mới đem lại hiệu quả. Đồng thời, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương và những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện, công tác GPMB phải chú ý đến lợi ích của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, chủ động giải quyết những vướng mắc, khó khăn và có những giải pháp phù hợp cho từng khu vực, từng dự án cụ thể và cả từng hộ dân trong công tác bồi thường GPMB. Nếu công tác GPMB ở các địa phương không được thực hiện tốt sẽ xảy ra hiện tượng dự án treo, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi xuống thăm xã Hát Lừu đúng vào dịp đồng bào dân tộc Thái ở bản Hát, bản Lừu đang thu chiêm làm mùa. Năm nay, người Thái Hát Lừu được mùa nên vui lắm. Có lẽ đó là lý do duy nhất mà giữa trưa hè nắng như đổ lửa nhưng tiếng cười, tiếng nói của các mẹ, các chị vẫn đầy ắp trên các cánh đồng Nà Tà - Nàng Cầu...
YBĐT - Nhiều đối tác đã nhận xét, anh chị có duyên với cây chè Yên Bái. Người dân trong thôn thì bảo, doanh nghiệp đã giúp họ có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Người phụ trách KCS với kinh nghiệm 40 năm gắn bó với cây chè Yên Bái lại khẳng định: "Nhà này liều nhưng giỏi. Không biết gì về cây chè mà dám làm chè và đã làm thành công".
YBĐT - Kỳ nghỉ hè của bọn trẻ ở vùng cao là những buổi trưa nắng chói chang lang thang với cây cỏ, là vội vã đưa trâu đi cùng trong những buổi chơi hay là những cái bóng lũn cũn theo mẹ lên nương, làm rẫy, ra đồng gặt lúa... Vẫn biết là khó khăn, thiếu thốn ở vùng cao mà những đứa trẻ phải cùng chịu đựng chung với người lớn nhưng thực sự vẫn thấy xót xa lắm!
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6/2014, chúng tôi lên “cao nguyên” Mù Cang Chải tìm hiểu về công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy nơi đây. Quốc lộ 32 (đoạn qua đèo Khau Phạ) đã được sửa chữa đi lại thuận tiện hơn trước. Qua Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn… đến đâu cũng gặp hình ảnh đồng bào Mông thu hoạch lúa xuân, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi. Vậy mà, nơi vùng cao xa xôi bình yên này vẫn tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn ma túy.