Chống ma túy trên “cao nguyên” ruộng bậc thang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/7/2014 | 2:56:01 PM

YBĐT - Những ngày cuối tháng 6/2014, chúng tôi lên “cao nguyên” Mù Cang Chải tìm hiểu về công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy nơi đây. Quốc lộ 32 (đoạn qua đèo Khau Phạ) đã được sửa chữa đi lại thuận tiện hơn trước. Qua Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn… đến đâu cũng gặp hình ảnh đồng bào Mông thu hoạch lúa xuân, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi. Vậy mà, nơi vùng cao xa xôi bình yên này vẫn tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn ma túy.

Đội CSĐTTPVMT, Công an huyện Mù Cang Chải bàn phương án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn.
Đội CSĐTTPVMT, Công an huyện Mù Cang Chải bàn phương án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn.

Thực trạng

Cách đây gần hai thập kỷ, cuộc chiến chống loài hoa anh túc - “nàng tiên nâu” ở huyện vùng cao Mù Cang Chải diễn ra hết sức quyết liệt. Vì lợi nhuận và do số người nghiện hút thuốc phiện quá nhiều nên có những năm, đồng bào trồng hàng ngàn hec-ta cây anh túc vào nương lúa, nương ngô. Song qua tuyên truyền, vận động, đồng bào không tái trồng cây anh túc nữa… và ngô, lúa nương lại lên xanh tốt quanh năm trên những bản người Mông.

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã mà cuộc chiến “ba bỏ” (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ buôn bán tàng trữ) thuốc phiện trên huyện vùng cao này đã đạt được những kết quả quan trọng. Số người nghiện hút thuốc phiện giảm từ trên 3.000 người (lúc cao điểm nhất) xuống còn 500 người năm 2014...

Tưởng như việc bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện giảm nhiều thì kèm theo phải giảm tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy. Nhưng không; đa số những người nghiện thuốc phiện trước kia chưa cai nghiện được nay chuyển sang sử dụng, mua bán hêrôin, ma túy tổng hợp trái phép với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.

Ma túy được cất giấu vào đồ dùng, túi xách, bầu lọc gió, đèn xi nhan xe máy, vào “chỗ kín” của phụ nữ…từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vào địa bàn Nậm Khắt, Hồ Bốn, Chế Cu Nha, La Pấn Tẩn, Nậm Có… bằng xe máy, ô tô khách, đi bộ qua những con đường mòn trên rừng vào bất kỳ thời gian nào. Sau đó, chia ra bán lẻ cho các đối tượng nghiện, gây không ít khó khăn cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) Công an huyện Mù Cang Chải trong đấu tranh với loại tội phạm này.

 

Lãnh đạo xã Dế Xu Phình xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện.  

Xác lập, tổ chức phá các chuyên án

Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 năm nay, huyện Mù Cang Chải không tổ chức mít tinh rầm rộ như những năm trước nhưng CBCS Đội CSĐTTPVMT Công an huyện vẫn lặng lẽ lên đường sang các xã của tỉnh bạn và các xã trên địa bàn để nắm bắt các thông tin, phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy của các đối tượng.

Mặc dù rất bận rộn với công việc, Đại úy Sùng A Chư - Đội trưởng Đội CSĐTTPVMT Công an huyện Mù Cang Chải vẫn “ưu tiên” dành thời gian tiếp chúng tôi. Vừa rót trà mời khách, anh vừa chia sẻ những khó khăn của CBCS trong đấu tranh phòng, chống ma túy: “Do địa bàn khá rộng, rừng núi chia cắt lại giáp ranh với nhiều xã của tỉnh Sơn La, Lai Châu nên việc bám địa bàn, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy rất khó khăn, gian khổ. Nhiều khi anh em phải đi bộ, ở trong rừng 3 - 4 ngày, bộ đàm, điện thoại hết pin hoặc khu vực rừng sâu không có sóng, chỉ có lương khô và nước khe, suối... nhưng vẫn phải nằm phục kích “chờ” bắt đối tượng. Chưa kể, cán bộ, phương tiện thiếu, kinh phí công tác hạn hẹp, ngôn ngữ bất đồng, một số anh em lên đây công tác được 2 - 3 năm bắt đầu quen địa bàn, quen công việc lại luân chuyển đi nơi khác, hoặc chuyển công việc khác...”.

Khó khăn là thế, song với quyết tâm không để tệ nạn ma túy hủy hoại cuộc sống bình yên của đồng bào, CBCS Đội CSĐTTPVMT Công an huyện Mù Cang Chải vẫn vượt lên những khó khăn, quyết tâm đấu tranh bắt giữ các đối tượng mua bán, tàng trữ, sản xuất thuốc phiện trái phép, vận động đồng bào bỏ trồng cây thuốc phiện, vận động những gia đình có người nghiện đi cai nghiện... đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Có những chuyên án CBCS của Đội mất rất nhiều thời gian để vạch trần thủ đoạn của đối tượng như Chuyên án 135L.

Đội trưởng Sùng A Chư kể: “Qua quá trình theo dõi, trinh sát, nắm bắt thông tin, Đội  báo cáo lãnh đạo Công an huyện xác lập chuyên án. Đầu tháng 5/2014, trinh sát báo cáo từ cơ sở, đối tượng Lý Dua Giàng, trú tại xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) sang huyện Mường La, tỉnh Sơn La mua ma túy vận chuyển về địa bàn huyện theo đường xã Nậm Khắt. Đội báo cáo lãnh đạo Công an huyện do đồng chí Quách Minh Điệp - Phó trưởng Công an huyện, Trưởng Ban chuyên án lập tức lên đường phá án. Tổ công tác chia làm nhiều mũi mai phục tại xã Nậm Khắt “đón” Lý Dua Giàng từ Mường La mua ma túy trở về. Sau nhiều giờ phục kích, đến 20 giờ, ngày 12/5/2014, Lý Dua Giàng đi xe máy về đến xã Nậm Khắt.

Tổ công tác dùng biện pháp nghiệp vụ dừng xe kiểm tra người và xe của Giàng nhưng không thấy ma túy cất giấu trong xe, hay túi quần, áo. Tổ công tác đưa Giàng về Phòng khám Đa khoa khu vực ngã ba Kim (xã Púng Luông) nhờ y, bác sỹ dùng biện pháp nghiệp vụ kiểm tra lấy trong hậu môn của Giàng ra một bao cao su, trong đó cất giấu 29 viên ma túy tổng hợp, trọng lượng 2,71 gam. Tuy số lượng ma túy không nhiều nhưng đây là đối tượng mua bán ma túy “khá lớn” ở Mù Cang Chải, Đội đã mất nhiều thời gian, công sức nên quyết định phá án”.

Một thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy vào địa bàn Mù Cang Chải là chúng thường xuyên thay đổi hành trình để “qua mắt” các chiến sỹ của Đội đó là khi đi phá Chuyên án 136L. Qua theo dõi, nắm tình hình, trinh sát từ cơ sở báo về: Ngày 26/11/2013, Vàng A Tếnh, trú tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đi xe khách sang Mù Cang Chải giao “hàng”. Tếnh đi xe khách từ nhà sang Sơn La đến bến xe thị xã Nghĩa Lộ, bắt xe khách đi lên Mù Cang Chải. Đến khoảng 17 giờ, ngày 27/11/2013, Tổ công tác phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện dừng xe tại địa bàn xã La Pán Tẩn kiểm tra phát hiện Tếnh ngồi ngay sau ghế lái xe có biểu hiện lo sợ, định đứng lên xuống xe.

Tổ công tác yêu cầu kiểm tra túi xách để cạnh thì hắn quanh co không nhận đó là túi xách của mình. Nhưng phụ xe và các hành khách ngồi bên cạnh Tếnh đều xác nhận khi lên xe từ thị xã Nghĩa Lộ, Tếnh đã mang theo túi xách này. Qua kiểm tra phát hiện trong túi sách có 1 bánh hêrôin, trọng lượng 342,53gam Tếnh đã bị bắt giữ cùng tang vật.

Không chỉ nam giới, trên “cao nguyên” ruộng bậc thang nữ giới phạm tội về ma túy khá nhiều. Trong các chuyên án mà lực lượng Công an huyện xác lập, phá án năm 2013, có một chuyên án bắt được hai “nữ quái” ở hai tỉnh phạm tội. Sau khi theo dõi đối tượng khoảng 2 tháng, ngày 12/01/2013, Đội CSĐTTPVMT, báo cáo lãnh đạo Công an huyện xác lập Chuyên án 113M. Đến ngày 19/01/2013, trinh sát của Đội từ cơ sở báo về: Giàng Thị Cở, trú tại xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) mua ma túy từ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) về đến địa bàn xã Mồ Dề thì bị bắt, thu giữ 23,19 gam hêrôin. Mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mù Cang Chải khám xét khẩn cấp người và chỗ ở của Lảo Thị Ly ở xã Ngọc Chiến - đối tượng bán ma túy cho Cở, thu giữ 38,92 gam hêrôin và 19 triệu 980 ngàn đồng Ly vừa bán hêrôin cho Cở.

Để phá những chuyên án như vậy, nhiều khi CBCS của đội gặp phải tình huống hết sức nguy hiểm.

- Sau gần 12 năm công tác tại Đội CSĐTTPVMT? Chư có thể chia sẻ một kỷ niệm nhớ nhất của mình khi đi làm nhiệm vụ?. Tôi hỏi.

- Mình không bao giờ quên ngày 30/4/2014, khi mới công tác tại Công an huyện 2 năm, được cử sang tỉnh Điện Biên làm nhiệm vụ. Mình đi xe máy từ Điện Biên theo hai đối tượng mua bán ma túy sang Lai Châu, đến đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, hai đối tượng dừng xe vào rừng cất giấu ma túy, rồi xuôi đèo xuống xã Tú Lệ ăn uống. Sau khi ăn uống xong, hai đối tượng ngược lên đỉnh đèo lấy ma túy đi bán. Mình đã bí mật liên lạc với anh em trong Đội tổ chức đón trên đỉnh đèo, bắt Mùa A Dì, trú tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (Điên Biên) và một đối tượng nữa, thu giữ 320,21 gam hêrôin khi hai đối tượng vừa lấy ma túy cất giấu ra khỏi rừng. Vụ này mình phải đi một tuần mà trong người không có khóa số 8, không súng hay một vũ khí thô sơ nào để tự vệ…

Năm 2013, Đội CSĐTTPVMT xác lập, phá thành công 4 chuyên án, bắt 22 vụ/42 đối tượng, thu giữ 157,07gam thuốc phiện, 444,11gam hêrôin… tham gia triệt phá 300m2 cây thuốc phiện tại địa xã Chế Tạo và 4.800m2 trên địa bàn huyện bạn. 6 tháng đầu năm nay, Đội đã xác lập phá thành công 1 chuyên án, bắt 19 vụ/22 đối tượng, thu giữ 363 gam hêrôin, 29 viên ma túy tổng hợp, 58,17 gam thuốc phiện và một số vật chứng khác… Tham gia triệt phá 68m2 cây thuốc phiện, bắt hai đối tượng sản xuất chất ma túy trái phép là: Hảng Giàng Páo, trú tại xã Dế Xu Phình và Thào Thị Dở, trú tại xã Kim Nọi, thu giữ 7,2 gam nhựa thuốc phiện...

Vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy trên vùng cao Mù Cang Chải vẫn hết sức cam go, bởi số người nghiện ma túy trên địa bàn còn lớn, trên 500 người. Trong đó, nghiện hút thuốc phiện trên 100 người, còn lại là chích,hít hêrôin. 

Chính vì vậy, hàng ngày nhiều đối tượng trong và ngoài huyện vẫn tìm cách đưa ma túy vào địa bàn. Các đối tượng phạm tội ma túy hoạt động hết sức tinh vi, trong khi lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy mỏng. Năm 2014, Đội có 12 CBCS nhưng công việc không xuể vì ngoài nhiệm vụ đấu tranh bắt giữ tội phạm về ma túy, hàng năm đến đầu mùa thu, CBCS Đội còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân không tái trồng cây thuốc phiện.

Tệ nạn ma túy đã làm hàng trăm gia đình ở Mù Cang Chải tan cửa nát nhà, hàng trăm người phải đi thi hành án, nhiều thanh niên mất hết tương lai do lâm vào nghiện ngập.

Để cuộc chiến phòng, chống tệ nạn ma túy trên “cao nguyên” ruộng bậc thang hiệu quả, mang lại cuộc bình yên cho đồng bào vùng cao, tới đây, ngoài sự cố gắng của các lực lượng làm công tác phòng, chống tệ nạn ma túy của huyện, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm thành lập cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone chữa bệnh cho những người nghiện như một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện. Mặt khác, bản thân mỗi người nghiện, người phạm tội về ma túy sau cai nghiện, hết hạn thi hành án trở về địa phương cần tích cực lao động sản xuất “làm lại cuộc đời”, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Xin được mượn lời tâm sự của chị Hờ Thị Xày, trú tại bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn thay phần kết của bài viết này: “Chồng mình phạm tội mua bán trái phép chất ma túy bị tòa án xử phạt 15 năm tù, đi cải tạo được hơn 8 năm rồi. Mình ở nhà khổ lắm, lúc con nhỏ làm nương, ruộng nuôi chúng nó ăn học. Lúc nó lớn lên lại đòi lấy chồng, lấy vợ nhanh quá. Cuối năm 2013, một mình mình phải lo cưới vợ cho con trai. Đầu năm 2014 lại gả chồng cho con gái. Khổ lắm! Mình chỉ mong chồng cải tạo cho tốt sau này về giúp mình làm ruộng, làm nương không tái phạm tội nữa để vợ, con và các cháu sống vui vẻ hơn”.

Cao chính

 

Các tin khác
Cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích sẽ phát huy hiệu quả đồng vốn, chính sách, nâng cao năng lực xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay tiền để đi học chuyên nghiệp (cho vay học sinh, sinh viên) là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Một phần diệnt tích xưởng chế biến bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

YBĐT - Sau 10 năm cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp hàng đầu trong “làng” chè thì nay Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân không có việc làm vùng chè nguyên liệu đã gần hết, nhà xưởng, máy móc không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hoang tàn.

Một nương chè ở thôn Trực Khang còn khá tốt nhưng đã cấy xen quế.

YBĐT - Tháng Sáu Âm lịch, mưa xuống rồi nắng lên, đây là thời điểm chè rộ búp. Ông Nguyễn Văn Ân nhìn qua khung cửa, hướng mắt về phía khu đồi Yên Định - nơi mà xưa kia là vùng chè tốt tươi, giờ kín đặc quế, keo, bồ đề, chép miệng rồi buông một câu: “Tiếc, tiếc thật! Nhưng thôi, cây chè đã kết thúc sứ mệnh lịch sử ở xã Hưng Thịnh này rồi”!

Người dân rất chủ quan khi vẫn thường xuyên chở quá số người quy định trên thuyền

YBĐT - Gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven hồ, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cư dân vùng sông nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa trên những chiếc thuyền nan tròng trành ấy là sự bất an, mất an toàn và cả những hiểm họa khôn lường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục