“Lúa tốt” đâu chỉ nhờ “ruộng mật”!
- Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2014 | 10:03:46 AM
YBĐT - “Cơn khát” chọn trường sau một thời gian đã có phần “hạ nhiệt”. Đối với thành phố Yên Bái, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo, điều hành chính quyền cơ sở, phòng chức năng về công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Các đơn vị đã xây dựng phương án phân tuyến tuyển sinh cụ thể, hợp lý cho từng địa bàn, trường học.
Đầu tư phòng học chất lượng là cần thiết nhưng chưa phải là yếu tố quyết định thành tích của mỗi học sinh.
|
Cây lúa sinh trưởng cho năng suất cao một phần nhờ “bờ xôi, ruộng mật” nhưng phần lớn công việc trồng lúa, nhà nông cần phải có giống tốt, ngâm ủ gieo mạ đúng kỹ thuật, rồi việc cấy cũng phải đúng thời vụ, chăm sóc đúng cách… mới mong có được mùa vụ bội thu. Đối với công tác giáo dục học sinh, nhất là ở bậc tiểu học, trung học cơ sở (THCS) cũng vậy - vất vả như người nông dân trồng cây lúa. Việc chọn trường “ruộng mật” cho con học trái tuyến liệu có phải yếu tố quyết định kết quả học tập của các cháu?
Đã thông tỏ về tư tưởng
Nhiều năm trước, một số phụ huynh trên địa bàn thành phố Yên Bái có con vào lớp 1 và lớp 6 đầu cấp cho rằng môi trường học tập ở một số trường còn nhiều vấn đề hạn chế. Có giai đoạn, học sinh không chịu học tập, thường xuyên xảy ra những vụ học sinh nhà trường gây gổ, quậy phá trong trường, thậm chí sang cả trường khác để đánh nhau… Trong khi đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc bố trí giáo viên giảng dạy không được quan tâm đúng mức. Không những phụ huynh băn khoăn, lo ngại mà ngay cả một số cháu học sinh cũng từng giãy nảy khi bố mẹ có ý cho con vào học tại những ngôi trường được cho là “không thân thiện” trên địa bàn.
Để tìm hiểu về tâm tư của phụ huynh học sinh, rất may chúng tôi gặp được chị Vân Anh phụ huynh của cháu Nguyễn Tấn Hoàng, học sinh Trường THCS Nguyễn Du. Trao đổi về vấn đề chọn trường, chọn lớp, chị vui vẻ cho hay: “Cháu Hoàng nhà tôi năm nay lên lớp 7 rồi, năm vừa qua cả lớp 6D của cháu có tới gần 90% học sinh giỏi. Không những vậy, được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh, cháu đã đạt giải khuyến khích. Quả thật, năm cháu Hoàng nhà tôi chuyển cấp lên lớp 6 tôi cũng rất lo lắng tìm đủ cách cho cháu được vào trường tốt. Tôi cũng đã cho cháu thi vào một ngôi trường được cho là “hot” của thành phố. Tuy nhiên, việc chọn trường cho cháu như vậy là không đúng tuyến theo qui định".
Được biết, nhà chị Vân Anh thuộc tổ 20, phường Hồng Hà nên hồ sơ chuyển cấp được chuyển từ Trường Tiểu học Hồng Thái (nơi cháu học trước đây) lên Trường THCS Nguyễn Du. Chị cũng đã “cậy cục” đủ cách để xin rút hồ sơ nhưng lãnh đạo nhà trường kiên quyết từ chối các trường hợp xin chuyển như con chị. Chấp hành qui định nhưng trong tư tưởng của chị thì rất lo lắng, băn khoăn. 3 năm tiểu học, Hoàng đều đạt học sinh giỏi, bây giờ học ở ngôi trường có tiếng học sinh nghịch ngợm liệu có ảnh hưởng tới kết quả học tập của cháu? Nên hồi đó, gia đình cũng có ý định cho cháu học một năm tại đây rồi sẽ xin chuyển sang trường khác.
"Bây giờ thì tôi đã yên tâm, thậm chí không có ý định chuyển trường cho cháu nữa" - chị Vân Anh quả quyết. Theo chị, Trường THCS Nguyễn Du đã có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, bố trí giáo viên giảng dạy hợp lý, các cháu được rèn luyện ý thức kỷ luật tốt hơn trước nên nhiều em đã đỗ vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành của tỉnh.
Như một số phụ huynh khác, anh Nghiêm Văn Hợp có con là Nghiêm Thị Phương Thúy, học sinh lớp 8A2- Trường THCS Lê Lợi cho biết: “Trước đây tôi cũng có nhu cầu xin chuyển trường cho cháu khi vào đầu cấp lớp 6 nhưng lãnh đạo nhà trường đã giải thích việc chuyển trường của cháu sẽ không đúng tuyến theo qui định nên không cho rút hồ sơ. Bây giờ, đã qua 2 năm học học tại trường, cháu đều đạt học sinh giỏi, tôi rất mừng".
Anh cho rằng, từ cấp tiểu học đến THCS cháu đều học tại những ngôi trường không như gia đình mong muốn. Nhưng ngược lại, cháu vẫn phát huy và duy trì được thành tích học tập. Trước đây, nghe các bậc cha mẹ nói Trường Lê Lợi không được đánh giá là trường tốt nên rất ít phụ huynh muốn con vào đây. Tuy nhiên, mấy năm cháu Thúy học tại đây, anh thấy đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã có sự đổi mới trên các lĩnh vực về bố trí nhân lực, cải thiện môi trường học tập, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ở Trường THCS Lê Lợi, mỗi khối chỉ có 2 lớp học nên việc quan tâm, theo dõi học sinh được chặt chẽ và sâu sát hơn. Bản thân các phụ huynh có con theo học tại trường như anh cũng thấy rất yên tâm, phấn khởi. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng hết sức quan tâm kèm cặp, tạo điều kiện học tập thuận lợi, sâu sát ý thức tự học của cháu.
Duy trì giờ tự học giúp em Nguyễn Tấn Hoàng có thành tích học tập tốt.
Phân tuyến hợp lý… môi trường thân thiện
Thực tế môi trường học tập ở các trường không đồng đều khiến vào mùa tuyển sinh đầu cấp học, nhiều phụ huynh học sinh tìm cách hợp lý hóa hồ sơ như xin tạm trú, nhập khẩu vào các phường có trường tốt đóng trên địa bàn hoặc tìm đủ cách “xin, chạy…” để chuyển trường cho con học trái tuyến. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền thành phố Yên Bái đã chỉ đạo phòng chức năng, chính quyền cơ sở tập trung các biện pháp như: điều tra phổ cập, phân tuyến đối với các trường, tuyên truyền các qui định về tuyển sinh đầu các cấp học…
Qua đó, việc tuyển sinh đã có chuyển biến tích cực hơn, các phụ huynh học sinh đã có sự thay đổi về nhận thức tư tưởng trong vấn đề chọn trường cho con. Thực hiện Kết luận của Thành ủy Yên Bái và Công văn của Sở Giáo dục - Đào tạo về việc hướng dẫn tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2014- 2015, UBND thành phố Yên Bái đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thực hiện tốt các nội dung liên quan tới công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Yên Bái cho biết: “Phòng đã phối hợp với các xã, phường làm tốt công tác điều tra, rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi ra lớp, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết việc tuyển sinh, phân tuyến tuyển sinh năm học 2014 - 2015. Trên cơ sở phương án phân tuyến tuyển sinh của Phòng Giáo dục - Đào tạo, các địa phương, trường học đã có những đề nghị điều chỉnh cụ thể, phù hợp đối với từng tổ dân phố, nhất là nơi địa bàn giáp ranh các phường bảo đảm cho các cháu đi học thuận tiện, giảm tải các trường đông học sinh. Các hồ sơ tuyển sinh vào các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều bảo đảm hợp lệ theo qui định tuyển sinh”.
Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trên địa bàn thành phố Yên Bái, UBND thành phố đã đề nghị Công an thành phố, UBND các phường xác minh các thông tin đối với các trẻ sinh năm 2003 và 2008 có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn phường, trên cơ sở đó đảm bảo việc tuyển sinh đúng qui định đã phân tuyến. Căn cứ vào quá trình rà soát, phổ cập giáo dục, phường Nguyễn Thái Học vẫn còn trường hợp phát sinh (22 trường hợp tuyển sinh THCS và 29 trường hợp tuyển sinh tiểu học).
Theo kiểm tra, rà soát của chính quyền phường, các trường hợp phát sinh do điều tra phổ cập sót, trong thời gian xác minh vắng mặt hoặc xin chuyển vùng nhưng đến nay lại quay về địa phương… Tuy nhiên, các trường hợp phát sinh đều có hồ sơ hợp lệ nên UBND phường Nguyễn Thái Học đã đề nghị Phòng Giáo dục - Đào tạo cho phép tuyển sinh theo qui định.
Thay lời kết
“Cơn khát” chọn trường sau một thời gian đã có phần “hạ nhiệt”. Đối với thành phố Yên Bái, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo, điều hành chính quyền cơ sở, phòng chức năng về công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Các đơn vị đã xây dựng phương án phân tuyến tuyển sinh cụ thể, hợp lý cho từng địa bàn, trường học.
Cùng với đó, công tác phân bổ, điều chuyển cán bộ làm công tác quản lý, giáo viên dạy giỏi tạo sự đồng đều về nhân lực giữa các trường học trên địa bàn. Đồng thời, các cấp, ngành, các nhà trường đã chú trọng tới đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực… Điều quan trọng, các bậc phụ huynh học sinh đã thông tỏ các qui định về tuyển sinh đối với các lớp đầu cấp học. Tư tưởng chọn trường tốt cho con của không ít phụ huynh đã có sự thay đổi tích cực. Bởi yếu tố quyết định đến kết quả học tập của các học sinh phần lớn phụ thuộc vào ý thức học tập tự vươn lên của mỗi cháu, cùng sự giáo dục của mỗi gia đình.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - "… Hôm đó có các bác trên huyện xuống thăm ông nội, Páo lân la tới gần xin ông cho đi học tiếp và nói rằng: "Xin ông bảo bố mẹ cho cháu được học hết cấp ba để đi thi, nếu không thi được cháu sẽ ở nhà làm nương...".
YBĐT - Ở cái thôn Khe Ron đặc biệt khó khăn của xã vùng ba Hồng Ca (Trấn Yên) - nơi có 100% người Mông sinh sống, cái đói, cái nghèo đang là hiện hữu số một, ít ai nghĩ rằng lại có đôi vợ chồng người Mông làm kinh tế giỏi như thế.
YBĐT - Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của một con người giàu nghị lực.
YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ nhưng nỗi đau da cam còn đó, dai dẳng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Yên Bái có 1.359 nạn nhân da cam, trong đó có 613 nạn nhân thế hệ thứ 2, cũng là ngần ấy lần ruột thắt lòng đau của những người mẹ ngay khi hạ sinh giọt máu của mình với hình hài không toàn vẹn. Và nước mắt đắng lòng ấy vẫn dài theo năm tháng đến tận bây giờ trong sự chịu đựng phi thường cùng cả tình yêu không gì đong đếm nổi của tình mẫu tử.