Những thiết chế hợp lòng dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/9/2014 | 9:01:51 AM

YBĐT - Yên Bái với 1.230 NVH ở khu dân cư, thôn, bản đã và đang góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trích đoạn trong lễ Cấp sắc của người Dao được biểu diễn tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Khe Đát, Tân Đồng, Trấn Yên.
Trích đoạn trong lễ Cấp sắc của người Dao được biểu diễn tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Khe Đát, Tân Đồng, Trấn Yên.

Nghỉ hưu gần 20 năm nay, mỗi lần sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, ông Trần Kha ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái lại phải tìm nhà dân để họp nhờ. Cả trăm đảng viên, trăm hộ dân, nhà mặt phố lấy đâu ra nhà rộng để hội họp? Nhờ nhà dân thì đâu có thể tùy ý giờ giấc, sinh hoạt cũng không thể kỹ lưỡng. Có thời gian chi bộ, tổ dân phố lại tính phương án nhờ hội trường của UBND phường, của các trường học đóng trên địa bàn vào những ngày nghỉ. Nhưng cũng có tháng không nhờ được khiến các kế hoạch sinh hoạt của chi bộ, tổ dân phố gặp không ít khó khăn.

Đã thành nếp, cứ vào ngày mùng 5 hàng tháng, ông Trần Kha - đảng viên, một cán bộ hưu trí ở phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái lại cùng các đảng viên ở chi bộ phố tập trung tại nhà văn hóa (NVH) khu dân cư để sinh hoạt chi bộ định kỳ - một địa điểm theo ông là quá lý tưởng cho không chỉ sinh hoạt chi bộ mà còn tất cả những hoạt động của khu phố. Nghỉ hưu gần 20 năm nay, ông đã chứng kiến đủ cả những khó khăn khi mỗi lần sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố.

“Việc tìm địa điểm để sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố không phải khó do dân mà vì cả trăm con người thì phải họp trong nhà rộng, nhà dân thì mặt phố, chủ yếu nhà "ống", phòng khách nhỏ, lấy đâu ra?” - ông Kha bắt đầu câu chuyện. Tìm được rồi, cũng phải tính luân chuyển địa điểm, có kỳ sinh hoạt không bố trí được nhà dân để họp nhờ, phải tính họp nhờ hội trường phường, trường học. Đó là lúc hội trường rỗi, nhà trường nghỉ học chứ khi cần kíp không bố trí được, việc họp chỉ còn cách... hoãn. Cũng vì khó khăn trong địa điểm sinh hoạt chung mà những phong trào của khu phố theo đó cũng bị hạn chế.

"Đó chỉ là vấn đề của những năm về trước, còn từ khi NVH phố Đoàn Kết được đưa vào sử dụng thì tất cả các hoạt động, phong trào của địa phương rất sôi nổi, NVH không chỉ là nơi họp mà đã được phát huy hiệu quả của một thiết chế văn hóa cơ sở" - ông Kha phấn khởi nói.

Về khu phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh, chúng tôi được tới thăm quan NVH của khu. Ông Đinh Gia Hoàng - người được chi bộ, khu phố và nhân dân giao nhiệm vụ quản lý NVH và cũng là một đồng chí trong cấp ủy chi bộ khu dân cư hãnh diện chỉ tay lên những bức ảnh treo trên tường hội trường: “Từ ngày có NVH, tất cả các hoạt động, phong trào của khu phố được tổ chức đều đặn hơn, sôi nổi hơn. Chị nhìn này, đây là hoạt động văn nghệ - thể thao trong Ngày hội Đại đoàn kết năm 2011, năm 2012, năm 2013 của chúng tôi; đây là hình ảnh tổng kết sinh hoạt hè của các cháu thiếu nhi; đây là hình ảnh kỷ niệm ngày 8/3 của Chi hội Phụ nữ khu phố; đây là hình ảnh mừng thọ người cao tuổi mùa xuân vừa rồi...”.

Những bức ảnh người dân đang phấn khởi với hoạt động thi đấu kéo co, cầu lồng, cờ tướng, những bức ảnh ghi lại tiết mục múa hát văn nghệ “cây nhà lá vườn” của chính người dân trong khu phố, hay lũ trẻ vui tươi trong ngày tổng kết hè... là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả quản lý hoạt động NVH ở khu dân cư Đoàn Kết. Các đồng chí trong cấp ủy chi bộ khu phố khi trao đổi với chúng tôi đã khẳng định, NVH nếu chỉ là nơi họp hành của chi bộ, tổ dân phố thì vài trò, ý nghĩa, hiệu quả chỉ còn một nửa. Tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, các phong trào thanh thiếu nhi vừa sinh động, vừa thiết thực, gần gũi với đời sống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, chính trị của nhân dân là yếu tố sống còn của NVH ở khu dân cư.

Tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã hướng mọi hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở, xác định rõ, làng, thôn, bản, cụm dân cư, tổ dân phố là nơi cần tăng cường các thiết chế văn hóa. Từ đó, việc xây dựng NVH làng, thôn, bản trở thành phong trào rộng khắp. Đến nay, 100% khu dân cư của thành phố Yên Bái đã có NVH.

Khu dân cư Hồng Tiến, phường Hồng Hà là đơn vị cuối cùng của thành phố Yên Bái đưa NVH vào hoạt động. Dù mới đưa vào sử dụng nhưng NVH khu phố Hồng Tiến đã phát huy hiệu quả: sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7, tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi, phong trào văn nghệ trong khu phố đã sôi nổi hơn trước.

Trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, NVH có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Mạng lưới NVH làng, thôn, bản, khu dân cư phát triển rộng khắp trong cả nước. Riêng Yên Bái với 1.230 NVH ở khu dân cư, thôn, bản hiện có đã và đang góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Khi về một số khu phố ở phường Yên Ninh, Hồng Hà, Minh Tân, Yên Thịnh ở thành phố Yên Bái, ý kiến người dân đều chia sẻ với chúng tôi rằng, NVH không chỉ cuốn hút bà con tham gia phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi mà đây đã là nơi sinh hoạt chính trị - văn hóa - xã hội rất hiệu quả của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội. Điều này rất đúng. Không chỉ riêng ở thành phố, có dịp về thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên chúng tôi thấy công trình nhà sinh hoạt cộng đồng ở làng văn hóa này thực sự có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, thôn đã huy động các nguồn lực xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Đó là một ngôi nhà sàn xây dựng đúng theo kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc.

Trong 5 gian nhà rộng rãi ấy có nơi thờ Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi khi cấp ủy chi bộ thôn tổ chức triển khai nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước hay tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tại khuôn viên nhà cộng đồng, người dân không quên thắp những nén hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị Đại tướng của nhân dân.

Vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, Hội đồng làng tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa văn nghệ. Truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ, phát huy. Các tiết mục múa, hát dân gian, những trích đoạn lễ hội, lễ cưới truyền thống của người Dao cũng được bà con xây dựng và đưa vào biểu diễn trên “sân khấu” NVH.

NVH khu dân cư, nhà sinh hoạt cộng đồng - những tên gọi có thể khác nhưng đều là những thiết chế văn hóa cơ sở với mục đích đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Nó cũng giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Những NVH khu phố, nhà sinh hoạt cộng đồng còn là nơi để nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thiết chế văn hóa cơ sở đó có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái.


Những mô hình, kinh nghiệm quản lý hoạt động NVH, nhà sinh hoạt cộng đồng đang cần được nhân rộng. Để phát huy tốt hơn vai trò, hiệu quả của những thiết chế văn hóa cơ sở này, kinh nghiệm cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị biết khai thác, phát huy phong trào quần chúng sẽ tạo ra sức hấp dẫn riêng cho NVH và có hiệu quả thiết thực trong mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thanh Ba

Các tin khác
Ông Đặng Xuân Nghĩa thu hoạch nhãn ghép.

YBĐT - Nhãn là loại cây ăn quả khá phổ biến ở huyện Văn Chấn. Cây nhãn đã gắn bó với người dân nơi này từ rất lâu. Có thời điểm, giá trị kinh tế cao của nhãn là niềm tự hào của không ít hộ gia đình.

Công an huyện Văn Yên, xã Yên Phú gặp gỡ, tuyên truyền các bậc làm cha làm mẹ quan tâm, quản lý con cái nhất là trong lứa tuổi vị thành niên.

YBĐT - Các em gái làm mẹ khi còn là những đứa trẻ, những em bé được sinh ra ốm o, còi cọc, trong khi bố của chúng vướng vào vòng lao lý… là những kết cục đau lòng từ các vụ án “Giao cấu với trẻ em”. Có lẽ, chính tính chất và những hệ luỵ của loại án này mà từ cơ quan điều tra đến cơ quan truy tố và xét xử trên địa bàn huyện Văn Yên đều ái ngại mỗi khi phải đối mặt. Điều đáng nói là các vụ án loại này đang có chiều hướng gia tăng.

YBĐT – Với tình yêu, tinh thần hướng về biển đảo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Yên Bái đã chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Chi đoàn Báo Yên Bái xây dựng cột mốc đảo Trường Sa tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nà Hẩu. Đây là cột mốc Trường Sa đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Yên Bái.

Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh tham gia khai hoang ruộng nước cùng đoàn viên thanh niên phục vụ bà con thôn Tà Chử, xã Bản Công trong Năm thanh niên tình nguyện 2014.

YBĐT - Ở một huyện vùng cao đa số là đồng bào Mông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp như huyện Trạm Tấu thì mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước đến với cơ sở đều là sự bỡ ngỡ với bà con. Bởi thế, đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, tận tụy với công việc sẽ là điều kiện tiên quyết đưa các chủ trương, chính sách đi vào thực tế đời sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục