Xuất khẩu lao động huyện “30a”: Băn khoăn chất lượng nguồn nhân lực
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2014 | 9:33:42 AM
YBĐT - Gần 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt Đề án 71), hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ngôi nhà đang xây bằng tiền đi lao động xuất khẩu của gia đình anh Lò Văn Vin ở thôn Vũng Tàu, xã Hát Lừu.
|
Qua xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều gia đình đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Không những thế, người lao động sau khi trở về được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, có tính kỷ luật trong lao động và tay nghề nâng cao nên dễ tìm được việc làm. Song, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Tâm lý người lao động…
Với ước mơ chính đáng vươn lên thoát nghèo, nhiều lao động ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải háo hức đăng ký XKLĐ với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”, không ít người sớm trở về trong thất vọng, rơi vào cảnh nợ nần. Năm 2010, anh Lò Văn Thành, ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) đăng ký đi lao động ở Malaysia. Sau khi làm được một thời gian, anh đã tự ý bỏ về nước bởi lương ít, không đủ sống, phải ra ngoài kiếm việc làm thêm.
- Thu nhập hàng tháng của anh được bao nhiêu? Tôi hỏi.
- Ở bên đó làm nghề mộc, được 5 - 7 triệu đồng/tháng thôi. Tuy nhiên, chi phí mọi thứ đều đắt đỏ nên không tháng nào gửi được tiền về cho vợ con. Làm ở công ty không đủ phải ra ngoài tìm việc làm thêm để lấy tiền về nước. Cực khổ lắm, anh à! - anh Thành tâm sự.
Chen ngang câu chuyện, chị Hoàng Thị Quỳnh, vợ Thành, một tay đang bế con, một tay đang cho đàn gà ăn, nói vọng lên: “Chồng em đi XKLĐ từ khi con còn bé mà bây giờ nó đã được 3 tuổi. Trong khi đó cuộc sống vẫn chẳng thay đổi gì, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần vì tiền vay ngân hàng đi xuất khẩu chưa trả hết. Bây giờ em không muốn chồng đi xuất khẩu nữa, ở nhà có gì ăn nấy”. Còn với trường hợp của anh Thào A Súa ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) thì lại khác. Anh XKLĐ sang thị trường Libya từ năm 2009 nhưng phải trở về nước trước thời hạn do chiến sự xảy ra. Vì vậy, cuộc sống cũng không khác trước là bao. Vẫn hết sức khó khăn…
Thực tế, đến nay mới chỉ số ít lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đã trả hết nợ cho ngân hàng, xây dựng nhà cửa khang trang, nâng cao thu nhập cho gia đình. Điển hình như gia đình ông Lò Văn Tể ở thôn Vũng Tàu, Hát Lừu, Trạm Tấu có con là Lò Văn Vin đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã được gần 2 năm. Tuy nhiên, trường hợp như trên cũng hiếm hoi.
Theo tổng hợp báo cáo của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, công tác XKLĐ theo Đề án 71 còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến thị trường lao động các nước có nhiều biến động. Nhưng hơn cả là do tập quán, nhận thức của người dân không muốn cho người thân đi làm ăn xa nên đã có nhiều trường hợp tự ý bỏ về trước thời hạn, số lao động xuất khẩu đã giảm so với các năm trước.
Lý giải nghịch lý muốn có thu nhập cải thiện đời sống nhưng không muốn đi làm ăn xa, ông Lê Trí Hà - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến số lao động ở 2 huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giảm, trước hết phải kể đến là do tâm lý người lao động ngại đi làm ăn xa, nhiều lao động đã học xong tiếng, vay vốn… nhưng người thân không cho đi. Đặc biệt là do lực lượng lao động nhiều nhưng chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao làm ảnh hưởng đến tư tưởng số lao động đang học hoặc chuẩn bị tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp XKLĐ chưa chủ động tham gia tuyển nguồn, hoặc có doanh nghiệp đã tuyển chọn, đào tạo, thu tiền rồi nhưng chưa đưa, không đưa lao động đi xuất khẩu, gây mất niềm tin từ người lao động. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan khác như do biến động tình hình chiến sự tại Libya, động đất, sóng thần tại Nhật Bản nên lao động phải về nước trước thời hạn".
Anh Lò Văn Thành, thôn Hát 1 đi LĐXK năm 2010 ở Malaysia đã bỏ về do thu nhập thấp, áp lực công việc nhiều.
Tay nghề chưa cập
Từ năm 2009 - 2013, Mù Cang Chải có 124 lao động và huyện Trạm Tấu có 115 lao động xuất cảnh. Hai huyện này chủ yếu LĐXK ở thị trường lao động có mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng như: Malaysia, Libya, Ả rập Xê út… Còn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc có thu nhập cao hơn - từ 10 - 20 triệu đồng/tháng khá hạn chế bởi tay nghề, trình độ lao động chưa đáp ứng.
Theo bà Đỗ Thị Hương - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Trạm Tấu, những năm gần đây, thị trường Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động, còn thị trường Nhật Bản rất khó khăn đã khiến một số lao động ở địa bàn dù đã được học tiếng, thi đạt kết quả nhưng vẫn phải chờ, người lao động không biết đến khi nào mới có thể tìm được việc làm. Bên cạnh đó, cũng phải nhắc lại rằng, trình độ, tay nghề của lao động chưa cập. Thế nên như năm 2010, số lao động đăng ký tham gia xuất khẩu của Trạm Tấu là 191 người, trong đó chủ yếu thị trường Malaysia 98 lao động, Libya 73 lao động, còn lại Nhật Bản và Hàn Quốc có 5 lao động. Năm 2011 có 26 lao động tham gia xuất cảnh nhưng chỉ duy nhất 1 trường hợp đủ điều kiện tham gia lao động tại Hàn Quốc.
Tương tự huyện Trạm Tấu, tại huyện Mù Cang Chải, từ tháng 8/2009 đến hết năm 2012 có 61 lao động xuất cảnh, chủ yếu vẫn là các thị trường có mức thu nhập trung bình như: Libya, Malaysia… còn thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản chỉ có 3 trường hợp.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Tuy nguồn lao động dồi dào, song đa số là lao động thủ công, chưa có tay nghề, trình độ học vấn thấp nên chỉ thích hợp với các thị trường có mức thu nhập trung bình. Còn đối với các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc cứ 10 trường hợp thì được một trường hợp tạm đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, trong những năm gần đây, lao động đi xuất khẩu tại các nước tiên tiến vẫn rất khó khăn”.
Giải pháp tháo gỡ
Đề án 71 là chính sách ưu đãi đặc biệt về XKLĐ dành cho các huyện nghèo (huyện “30a”) trên cả nước và Yên Bái có hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải được hưởng lợi từ chính sách này. Người lao động ở các huyện nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ chi phí học văn hóa, 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng của Đề án khi tham gia XKLĐ gặp rủi ro... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH khả năng: “Bên cạnh một số hạn chế về chính sách, công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ đã được các huyện nghèo triển khai rất tích cực qua các năm từ nguồn kinh phí theo Đề án 71, Chương trình 30a. Tuy nhiên, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thực sự đa dạng, phù hợp với đặc điểm địa hình, tâm lý, trình độ, phong tục, tập quán cũng như văn hóa của số đông đối tượng thụ hưởng chính sách là người dân tộc. Thời gian tới cần tập trung xây dựng nguồn lao động xuất khẩu, vận động những người trong độ tuổi lao động tự giác tham gia học nghề, học ngoại ngữ; nâng cao năng lực dạy nghề cho các trường dạy nghề trong tỉnh để đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề tạo nguồn cho hoạt động XKLĐ; đổi mới hoạt động của các ban chỉ đạo cấp huyện trong chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp đến địa bàn tuyển chọn lao động và người lao động khi tham gia XKLĐ; mời gọi các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, năng lực tài chính, có thị trường đa dạng, phong phú để hợp tác tuyển lao động tại địa phương đưa đi xuất khẩu...“.
Người lao động ở các huyện nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ chi phí học văn hóa, 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng của Đề án 71 khi tham gia XKLĐ gặp rủi ro... |
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát; Thạch Sanh đánh trăn tinh bằng các âm thanh “á”, “phập”, “bốp”; Lang Liêu mơ thấy mình “Vào bếp với người nổi tiếng”. Có thể tin hay không, đó chính là nội dung những câu chuyện cổ tích Việt Nam đang đến với trẻ thơ được bày bán trên giá sách?
YBĐT - Những năm gần đây, tội phạm về hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em trên địa bàn huyện Văn Chấn có chiều hướng gia tăng cả số vụ và đối tượng phạm tội. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, cần được xét xử nghiêm minh theo pháp luật.
YBĐT - Yên Bái với 1.230 NVH ở khu dân cư, thôn, bản đã và đang góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
YBĐT - Nhãn là loại cây ăn quả khá phổ biến ở huyện Văn Chấn. Cây nhãn đã gắn bó với người dân nơi này từ rất lâu. Có thời điểm, giá trị kinh tế cao của nhãn là niềm tự hào của không ít hộ gia đình.