Đìu hiu “đường 7”
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 8:24:51 AM
YBĐT - Khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành, đại bộ phận phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách chuyển sang tuyến đường này. Quốc lộ 70 “vang bóng một thời” nay lượng phương tiện rất thưa thớt, thương mại dịch vụ hết khách, hàng quán đìu hiu.
11 giờ ngày 30/10 hàng loạt hàng ăn uống khu Km9 không hề có bóng khách.
|
Quốc lộ 70 mà người dân quen gọi với cái tên “đường 7” là huyết mạch giao thông quan trọng nối Lào Cai, nơi có cửa khẩu quốc tế lớn với các tỉnh miền xuôi. Đoạn chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái (từ ngã ba Km9, thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình đến xã An Lạc huyện Lục Yên) dài hơn 70km. Suốt một thời gian dài, quốc lộ 70 hết sức tấp nập người và phương tiện qua lại, mở ra cơ hội lớn cho người dân huyện Yên Bình, Lục Yên phát triển thương mại, dịch vụ. Có thể nói, nhờ “đường 7”, nhiều người trở nên giàu có, người ít vốn cũng có việc làm và thu nhập, nông sản bà con làm ra cũng dễ bán. Khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành, đại bộ phận phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách chuyển sang tuyến đường này. Quốc lộ 70 “vang bóng một thời” nay lượng phương tiện rất thưa thớt, thương mại dịch vụ hết khách, hàng quán đìu hiu.
Quốc lộ 70 từ Yên Bái đi Lào Cai là cung đường đèo dốc, quanh co, mặt đường khá hẹp nên đã quá tải từ rất lâu, việc di chuyển hơn 160km qua đoạn đường này phải mất từ 4 đến 6 giờ (không kể những hôm tắc đường). Quãng đường, tốc độ xe chạy và khoảng thời gian như vậy đã mở ra cơ hội lớn cho người dân sinh sống hai bên đường phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là hàng ăn. Nếu hành khách xuất phát từ hai đầu vào buổi sáng thì cũng phải ăn bát phở, bát bún và đến điểm cuối cùng đã cuối giờ nên cũng phải làm bát cơm.
Nắm được quy luật này, hàng loạt quán ăn đã mọc lên, nhiều nhà hàng quy mô rất lớn, tập trung ở ngã ba Km9, Km60 và khu vực ngã ba Khánh Hòa (huyện Lục Yên). Ưu điểm của các nhà hàng trên tuyến đường này là giá cả phải chăng, tuyệt đối không có chuyện “cơm tù” hay chặt chém về giá cả, dù khách Tây hay ta, khách miền trong, miền ngoài; thứ hai, thực phẩm ở đây sạch, trong đó, nhiều món đã trở thành thương hiệu của “đường 7” như gà rang, cá hồ, lợn mán... Khách tới, nhà hàng niềm nở, phục vụ; nhiều nhà hàng đón cả chục xe khách, xe tải mỗi bữa. Dịch vụ ăn uống trên tuyến đường này đã trở thành thương hiệu, nhiều nhà xe đã chọn các nhà hàng ở đây làm nơi dừng chân; nhiều lái xe đường dài cũng có thói quen chạy cố lên “đường 7” để được thưởng thức gà rang, cá hồ, trâu nướng…
Không có điều kiện làm hàng ăn, nhiều người chọn đoạn đường thẳng, có bóng mát mở hàng giải khát cũng có thu nhập khá nhờ việc các bác tài nghỉ giải lao; khách đi đường dừng xe thư giãn; người có kỹ thuật đầu tư sửa chữa xe, làm lốp. Chị Hoa ở xã Trúc Lâu (huyện Lục Yên) chỉ cần đầu tư vài triệu đồng làm hệ thống cấp nước mui, bán cho các anh xe tải, chở nặng tưới vào lốp, ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn đồng, đủ nuôi con ăn học lại rất phù hợp với sức khỏe và điều kiện của chị. Nông dân dọc tuyến đường thường mang nông sản ra phục vụ khách thập phương, nào chuối tiêu, chuối tây, khoai mán, ngô tươi rồi rau, măng các loại. Xe cứ vào mua hàng, chất lượng tươi ngon, không hóa chất độc hại và giá cả rất mềm, các bà bầm người Tày, người Dao răng đen kít, cười nói tíu tít, phục vụ du khách.
Rồi cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, xe tải, xe khách chuyển sang đó gần như toàn bộ, thế là cơ hội làm ăn của người dân Yên Bình, Tân Hương, Cảm Ân, Khánh Hòa… dọc quốc lộ 70 tan biến nhanh đến ngỡ ngàng. Vừa hôm nào xe còn đi chật cả đường, đỗ kín cả sân, khách vào gọi món rôm rả như nhà có đám cưới, nay vắng hoe, thi thoảng mới có cái xe tải trong làng, ngoài xã đi chở nông - lâm sản; vài tiếng mới có chuyến xe khách chạy đường ngắn, chẳng chiếc nào dừng cho mất thời gian.
Hàng ăn là thế, hàng nước còn kém hơn, riêng mấy hàng làm lốp hay dịch vụ cấp nước mui đại đa phần đã đóng cửa. 7 giờ 30 ngày 29/10, chúng tôi vào hàng phở Đào Oanh tại Km32 (xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình). Ngôi nhà sàn vừa mới dựng rất khang trang nhưng chỉ có duy nhất một khách.
Chủ quán tâm sự: “Khó khăn lắm rồi các anh ạ! Quán nhà em gần chợ Tân Nguyên còn túc tắc được khoảng một phần ba, một phần tư so với trước đây, những quán xa thì đã đóng cửa hoặc chuẩn bị đóng cả rồi”. Lần nào qua đây cũng thấy quán đông nườm nượp, giờ doanh thu tụt thê thảm, chúng tôi chia sẻ với anh rồi đi tiếp.
Một nhà hàng ăn uống lớn ở Khánh Hòa đã chuyển sang nghề chế biến gỗ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng chục quán ăn, quán nước trên tuyến đường đã đóng cửa, nhiều quán chưa đóng nhưng thực phẩm phải để ngăn đá tủ lạnh đã đông cứng, gà chưa mổ, bếp nguội lạnh! Khu vực Km60 luôn là điểm dừng chân lý tưởng với 4 nhà hàng lớn gồm: Toản Cúc, Nhượng Đường, Đại Cương, Sơn Hương trước kia đông khách là thế, giờ cũng vắng hoe, nhà nào cũng để lộ ra khoảng sân rộng mệnh mông.
Xót xa nhất là nhà hàng T - H bên trên trung tâm xã Phúc Lợi (huyện Lục Yên). Gia chủ cũng là người mạnh tay đầu tư, nhà hàng rộng đến cả trăm mét mặt đường, có khu ăn uống, vệ sinh, bán công nghệ phẩm; xe vừa, xe nhỏ đến là đỗ vào khu ga ra có mái che, xe lớn có bãi đỗ rộng mênh mông, thoải mái quay đầu. Tiếc rằng mới đầu tư này nhà bà đã phải đóng cửa, cả tỷ đồng vốn giờ chỉ để phủ bụi, không biết nhà đầu tư đã có phương án gì chưa?
Hàng loạt hàng quán phải đóng cửa do hết khách gây ra sự lãnh phí tiền của xã hội, hàng trăm lao động mất việc làm. Chỉ tính đơn giản, mỗi quán ăn thu hút từ 5 đến 7 lao động, mỗi hàng giải khát, sửa xe, làm lốp 2 lao động, đã có đến cả trăm người đã mất việc.
Chị Lò Thị Hiệp đang làm bếp cho một nhà hàng ở xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên) với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, hết khách, hết việc chị xin nghỉ về nhà chờ tìm nhà hàng khác. Chị cho biết: “Quán đang bán mỗi ngày 5 đến 7 triệu đồng, có hôm cả chục triệu đồng tiền hàng, bỗng nhiên không còn khách, có ngày, từ sớm đến đêm mới có cái xe tải vào gọi hai bát mỳ tôm trứng. Thấy gia chủ khó khăn quá, mấy chị em làm công chủ động xin nghỉ sau 5 năm gắn bó!”.
Một chị bán hàng (đề nghị không nêu tên) ở Hồng Quang (huyện Lục Yên) cho biết: “Từ ngày có đường cao tốc, doanh thu quán chỉ còn một phần tư đến một phần năm, khách quen, khách lạ giờ đã hết, thi thoảng có đoàn đi phượt bằng xe máy vào ăn nhưng khách đi phượt bằng mô tô, siêu tiết kiệm, họ không nhiều tiền hoặc lấy việc ngao du làm vui thú nên chi tiêu ăn uống hạn chế lắm”.
Cùng nỗi lo thương mại dịch vụ khó khăn sau khi đường cao tốc hoàn thành, ông Nguyễn Viết Máy - Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: “Thôn 8 của xã nằm trọn trên tuyến quốc lộ 70, bà con thôn 8 rất thức thời, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ; hàng loạt, quán ăn, đại lý công nghệ phẩm, cửa hàng nông - lâm sản và các ngành nghề khác mọc lên đã biến Khánh Hòa trở thành một trong những địa điểm sầm uất nhất tuyến đường này. Nay “đường 7” thưa xe, vắng khách, nhiều hộ dân rơi vào thế khó, đóng cửa hoặc buôn bán cầm chừng”.
Mỗi năm, Khánh Hòa được giao chỉ tiêu thu hơn 200 triệu đồng tiền thuế (năm 2014 này là 293 triệu đồng), trong đó, riêng thương mại, dịch vụ mỗi tháng đang cho thu hơn 19 triệu đồng, như vậy, đại bộ phận số tiền thuế mà xã thu nộp từ nguồn thương mại, dịch vụ. Ông Máy khẳng định: “Năm nay, Khánh Hòa hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, sang năm nếu vẫn mức này hoặc cao hơn thì chúng tôi sẽ rất khó khăn!”.
Điểm ăn uống khu vực Km 60 rất vắng vẻ dù đã đến bữa trưa.
Khoanh tay nhìn cái khó chắc hẳn không phải là giải pháp, với người dân “đường 7” càng không như vậy. Ông Tuấn ở xã Động Quan (huyện Lục Yên) đã quyết định bỏ món tiền tích lũy ra mua chiếc xe tải, trị giá hơn 300 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết: “Không thể chần chừ được nữa, chuyển nghề thôi, cho dù nghề mới vất vả hơn nghề cũ”. Giống như ông Tuấn, rất nhiều hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ đã và đang chuyển sang ngành nghề mới như: chế biến gỗ, trồng rừng, đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc.
Ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái (huyện Yên Bình) cho biết: “Bà con nhân dân trong xã và các xã bạn dù có kinh doanh tài giỏi, thành đạt đến mấy cũng xuất thân từ nông dân; khi kinh doanh khó khăn họ quay lại nghề cũ, rất thuận lợi vì đã có vốn liếng, biết tính toán làm ăn”.
Tại xã Khánh Hòa ngành nghề thu gom, chế biến gỗ rừng trồng đang rất phát triển, đã có hơn 10 hộ làm nghề này và thu hút cả trăm lao động; rất nhiều nhà khác thôi kinh doanh đã mua xe ô tô về chở thuê, kết hợp với buôn bán nông - lâm sản hoặc mua trâu, bò về chăn nuôi bán công nghiệp; một số hộ vẫn duy trì nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ, đặc biệt là hàng ăn nhưng đã có những thay đổi về quy mô cho thích nghi với tình hình mới.
Tính chủ động trong việc chuyển đổi ngành nghề của người dân là tín hiệu rất đáng mừng như các cụ xưa có câu “cái khó ló cái khôn”, tuy nhiên để bà con tự xoay sở sẽ chậm và kém hiệu quả. Giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện cho họ về đất đai, vốn, kiến thức… là điều rất cần thiết lúc này.
Lê Phiên – Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Nhờ chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thu hút giáo viên... của Đảng, Nhà nước nên sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Yên Bái nói chung và huyện Trạm Tấu những năm gần đây thực sự khởi sắc.
YBĐT - Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của bí thư chi bộ nói chung và bí thư chi bộ thôn, bản (BTCBTB) nói riêng trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của những "thủ lĩnh" chi bộ cả về số lượng và chất lượng.
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956 của Chính phủ), Yên Bái được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện bài bản.
YBĐT - Kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2014, các trường tiểu học bỏ việc chấm điểm học sinh mà thay vào đó các thầy cô giáo sẽ trực tiếp nhận xét đánh giá học sinh. Sau 1 tháng thực hiện theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện nhận xét đánh giá học sinh đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế cần được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.