Tái cơ cấu - điều kiện Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/1/2015 | 10:48:24 AM

YBĐT - Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nhìn một cách tổng thể và so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chủ lực như: chè, lúa gạo, quế vỏ, cây ăn quả... chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm.

Hầu hết diện lúa vùng cao đã được chuyển đổi làm hai vụ. (Ảnh: Người Mông Mù Cang Chải gieo cấy lúa mùa).
Hầu hết diện lúa vùng cao đã được chuyển đổi làm hai vụ. (Ảnh: Người Mông Mù Cang Chải gieo cấy lúa mùa).

>> Bài 1: Những kết quả vượt bậc

Tuy đã có những quy hoạch và hình thành phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng nhìn một cách tổng thể thì sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, lợi thế từng vùng. Dẫu đã hình thành và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nhưng quy mô nhỏ, quá trình chuyển dịch còn chậm, thiếu tính bền vững; đặc biệt là các khâu trong sản xuất đơn lẻ, chưa tạo được chuỗi sản xuất. Vùng lúa hàng hóa quy hoạch 5.000ha nhưng chưa cụ thể và hàng hóa vẫn chưa nhiều, nông dân tự sản xuất, tự tiêu và làm theo phong trào là chính.

Vùng chè kinh doanh trên 9.000ha nhưng sản xuất, chế biến yếu, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất sơ chế là chính, thiếu thị trường hay nói chính xác là không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vùng chè nguyên liệu rộng lớn, nhà máy chế biến nhiều, song đều không có chiến lược dài hơi, công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, làm ăn chụp giật, không có sản phẩm cụ thể, thương hiệu sản phẩm gần như không có gì ngoại trừ sản phẩm chè Suối Giàng (Văn Chấn). Vùng tre măng Bát Độ được coi là một điển hình và đang phát huy hiệu quả khá tốt nhưng cũng tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững.

Hiện nay, cả vùng nguyên liệu rộng lớn ở Trấn Yên chỉ có duy nhất một doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm, chưa đủ bảo đảm cho sản xuất bền vững của người dân trong việc mở rộng diện tích cũng như giá cả. Vùng chuyên canh sắn cũng vậy, tuy đã gắn vùng nguyên liệu với chế biến nhưng diện tích phát triển quá nhiều, vỡ quy hoạch, vượt quá khả năng tiêu thụ của nhà máy, phần còn lại chủ yếu trông vào thị trường tự do dẫn đến tình trạng "được mùa rớt giá"...

Còn lại, tất cả các vùng sản xuất hàng hóa khác đều tự sản, tự tiêu, hiện nay vẫn phát huy tốt là do khối lượng sản phẩm chưa nhiều. Đấy là chưa nói đến công nghệ chế biến, bảo quản nông, lâm sản gần như chưa có gì, nhiều khâu trong sản xuất vẫn là thủ công hoặc có máy móc thì cũ kỹ, lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp. Cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất đã có nhưng có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả không cao.

Mô hình sản xuất rất nhiều và hiệu quả nhưng không nhân rộng được, nhất là các mô hình ứng dụng sản xuất theo hướng an toàn. Đặc biệt là mối liên kết 4 nhà: "Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp" còn lỏng lẻo. Nhà nông vẫn sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Nhà doanh nghiệp chỉ biết mua sản phẩm khi được mùa, được giá chứ chưa dám chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân. Các nhà khoa học vẫn còn ở đâu đó rất xa, chưa có dấu ấn trong các mô hình. Nhà quản lý cũng phần lớn hô quyết tâm lúc đăng đàn chứ chưa cụ thể, quyết liệt bằng hành động. Âu cũng là tình trạng chung không chỉ riêng Yên Bái.

Định hướng cho phát triển

Nhìn rõ những hạn chế, tồn tại của ngành sản xuất nông nghiệp và hướng đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVII đã ra Nghị quyết  về "Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2020".

Quan điểm là phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung phát huy hiệu quả theo chuỗi giá trị và mở rộng vùng sản xuất các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường; tạo mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Mục tiêu của Nghị quyết là trên cơ sở ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và dự báo xu thế thị trường để xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác vùng sản xuất tập trung tăng từ 1,5 lần trở lên so với năm 2015.

Mục tiêu cụ thể: Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, duy trì ổn định diện tích hiện có, trong đó tập trung xây dựng với diện tích 2.500ha ở những địa phương có điều kiện như cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Đại - Phú - An và Đông Cuông (Văn Yên), cánh đồng Mường Lai -Vĩnh Lạc (Lục Yên) và vùng đặc sản nếp Tú Lệ (Văn Chấn); xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản (vùng bưởi Khả Lĩnh tại xã Đại Minh và Hán Đà (huyện Yên Bình) và vùng cam, quýt huyện Văn Chấn, Lục Yên  với quy mô 450ha; xây dựng vùng sản xuất chè an toàn, tập trung phát triển vùng chè đen, chè xanh chuyên canh tập trung với quy mô 4.000ha và vùng chè Shan tuyết đặc sản 400ha; xây dựng vùng rau an toàn với diện tích 100ha tập trung ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ; xây dựng vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại tập trung gắn cơ sở giết mổ, chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh 500ha tại Yên Bình, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Ngoài ra, còn tập trung phát triển một số sản phẩm lâm nghiệp đặc thù có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: quế, tre măng Bát Độ, cây sơn tra...

Có thể nói, những mục tiêu từ tổng quát đến cụ thể của Nghị quyết được đánh giá rất cao, được các cấp, các ngành và hàng vạn hộ nông dân hồ hởi đón nhận. Đó thực sự là một định hướng mang tầm chiến lược và dài hơi phù hợp với xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhưng để từ nghị quyết biến thành những hành động cụ thể và áp dụng vào thực tiễn là cả một quá trình cần có sự nỗ lực cao của toàn hệ thống chính trị, người dân. Nếu không làm tốt thì nghị quyết dù có hay đến đâu cũng chỉ nằm trên giấy!

 Thanh Phúc
(Bài 3: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu)

Các tin khác
Mùa chè. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

YBĐT - Đã hết rồi cái thời sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, con trâu đi trước cái cày theo sau. Giờ đây, sản xuất không chỉ lấy năng suất, sản lượng mà phải lấy giá trị kinh tế làm thước đo cho mỗi héc-ta canh tác, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách vững chắc.

YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên. Chính vì thế, anh đi hết từ vùng đất này qua vùng đất khác để ghi vào trong ảnh của mình những nét thân thuộc nhất, yêu thương và gần gũi nhất của mảnh đất Yên Bái. Cuốn sách ảnh "Yên Bái quê tôi miền sơn cước" là một phần ký ức trong anh, như một lời tri ân của Thanh Miền với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ trong anh.

YBĐT - Với diện tích ổn định 175 ha ngô vụ xuân hè và thu đông, được phát triển mạnh ở các thôn Cang Kỳ, Pang Cáng, Giàng A, Giàng B, Bản Mới, Suối Lóp, cây ngô đã thực sự trở thành cây xóa nghèo ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khi mà từ cây ngô, nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo; số hộ có thu nhập 70 đến 100 triệu đồng/năm từ ngô ở Suối Giàng không còn là chuyện hiếm...

Nhờ cây ngô, nhiều hộ nông dân ở Trạm Tấu không chỉ xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

YBĐT - Những năm qua, việc phát triển cây ngô trên đất đồi dốc được nông dân huyện vùng cao 30a Trạm Tấu chú trọng. Đây là hướng đi đúng, không chỉ thay thế dần việc trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả mà còn giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục