Tái cơ cấu - điều kiện Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Bài 3: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/1/2015 | 9:35:07 AM

YBĐT - Có những vật nuôi, cây trồng chỉ ở mức độ 15-20 ha thì hiệu quả nhưng làm tới hàng trăm héc-ta là không tiêu thụ được. Đó là bài toán của cung - cầu. >> Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ

Mùa quả ngọt.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
Mùa quả ngọt. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Muốn xây dựng một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, nhất thiết chúng ta phải thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù ở một tỉnh miền núi, ta nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng địa bàn vừa phát huy lợi thế vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị phù hợp với cung cầu, thị trường.

Như đã nói, hạn chế lớn nhất là sản xuất thiếu quy hoạch, quản lý quy hoạch, yếu tố cung cầu chưa được chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ và phong trào. Bất cứ người nông dân nào cũng khát khao làm giàu cho mình và cho xã hội nhưng làm như thế nào, trồng cây gì, nuôi con gì thì nhiều trong số họ còn hoang mang. Muốn phát triển trồng trọt thì thiếu đất, muốn đầu tư cho chăn nuôi thì thiếu vốn nên họ vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng, được mùa mất giá. Năm 2014 là năm sản xuất nông nghiệp thành công nhất từ trước đến nay trên cả ba mặt: diện tích, năng suất, sản lượng nhưng tổng doanh thu của toàn ngành chỉ đạt trên 5.627 tỷ đồng, chia đều cho mỗi héc-ta canh tác cũng mới đạt khoảng 50 triệu đồng - chưa phải là cao. Để nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân, tiến tới nền sản xuất bền vững, nhất thiết phải tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.

Trước mắt, đó là tập trung vào tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô vừa, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chẳng hạn như trong quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa nên tập trung vào cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ) hay cánh đồng Đại –Phú - An (Văn Yên), làm theo chuỗi giá trị chứ không phân khúc, xé lẻ như thời gian qua. Muốn làm được phải thực hiện dồn điền đổi thửa. Không thể sản xuất hàng hóa thành công trên một cánh đồng có hàng trăm ngàn thửa ruộng nhỏ lẻ. Đây là vấn đề không mới, các địa phương đã triển khai nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn và còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Sự vào cuộc của “4 nhà” đã có nhưng rất lỏng lẻo, chưa cụ thể và rạch ròi.

Rau, quả đem lại thu nhập cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nông dân Văn Chấn thu hoạch cà chua vụ ba.

Xuất phát từ những tồn tại đã nêu, chúng ta cần nhìn nhận một cách có trách nhiệm với ngành “trụ cột của nền kinh tế” để có những hướng đi và cách làm hiệu quả. Tất nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn thì cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của mỗi người nông dân. Tuy nhiên, quan trọng là huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần ban hành và xây dựng thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp và hộ nông dân. Việc này chúng ta đã làm nhưng chưa đủ và dàn trải, gây lãng phí và kết quả thu lại chưa đạt yêu cầu.

Một vấn đề nữa là cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp (quy hoạch, thực hiện quy hoạch và giám sát quy hoạch); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về khoa học kĩ thuật cũng như khoa học công nghệ. Việc xây dựng các đề án phát triển các loại cây trồng phải có sự giám sát và sát thực tiễn, phát huy các mô hình đã thử nghiệm và tìm giải pháp nhân ra diện rộng; đặc biệt, có sự hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.

Một vấn đề mấu chốt là phải có sự vào cuộc cụ thể của “4 nhà”, đặc biệt là nhà doanh nghiệp để huy động tổng hợp thế mạnh trong phát triển sản xuất. Thời gian qua, mặc dù đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa chịu trách nhiệm đến cùng với người nông dân, nông dân cũng không vì doanh nghiệp. Có ký kết, có thỏa thuận nhưng đến khâu cuối cùng thì lại mạnh ai nấy làm dẫn đến không hiệu quả. Sản xuất hàng hóa chỉ thành công khi đã có định hướng của Nhà nước; hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học; cung ứng nguồn lực và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp và người nông dân làm theo một quy trình chuẩn. Nông dân, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau bàn về cơ chế, sự liên kết, tiên đoán cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu, theo dõi sát diễn biến thị trường.

Một vấn đề nữa là vì sản xuất hàng hóa nên nhất thiết phải tính đến thị trường. Có những vật nuôi, cây trồng chỉ ở mức độ 15-20ha thì hiệu quả nhưng làm tới hàng trăm héc-ta là không tiêu thụ được. Đó là bài toán của cung cầu. Để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngoài các cơ chế chính sách hiện hành, tỉnh, ngành nông nghiệp cũng cần xây dựng cơ chế mang tính đặc thù khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không thể thành công khi phải ký kết hợp đồng với hàng trăm, ngàn hộ dân nhỏ lẻ mà phải ký với đại diện của nhóm hộ hay một tổ chức của nông dân. Một vấn đề nữa không thể không nói đến là sản xuất hiện nay cho thấy nhóm cây lương thực chúng ta cũng đã cơ bản đạt ngưỡng từ diện tích, năng suất, sản lượng. Biểu đồ lúa gạo đi lên nhưng biểu đồ đời sống nông dân thì không thay đổi đáng kể.

Chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại đang ngày càng phát triển. (Ảnh: Hồng Duyên)

Theo một số chuyên gia thì lúa gạo chỉ cần đủ ăn và dự trữ khoảng 20% đề phòng thiên tai, bão lũ thì chuyển dần sang rau, hoa và cây ăn quả. Rau, quả là nền nông nghiệp “5 trong 1” (ngon, bổ, làm thuốc, làm đẹp, tô điểm cảnh quan). Có lẽ không có ngành nào lại áp dụng công nghệ cao nhất của thời đại bằng ngành rau, hoa quả: Công nghệ cho mang lại lợi ích kinh tế cao đồng thời tạo bước đệm cho sự phát triển công nghiệp nông thôn. Sản xuất 3 vụ (2 lúa, 1 màu) mới chỉ đạt trên dưới 100 triệu đồng/ha, cây chè đạt khoảng 30 triệu/ha, cây măng tre 20 triệu/ha, cây lâm nghiệp trên dưới 10 triệu đồng/ha nhưng cây rau, hoa quả ở thị trấn Nông trường Trần Phú, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm (Văn Chấn); vùng rau, hoa thị xã Nghĩa Lộ và xã Phù Nham, Văn Chấn đã đạt tới 250-300 triệu đồng/ha. Đấy là chúng ta chưa kể chuỗi giá trị gia tăng, chế biến sau thu hoạch. Đó cũng là những điểm nhấn để ngành nông nghiệp Yên Bái  nên chú trọng đưa cây rau, cây ăn quả vào sản xuất hàng hóa.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ, chiến lược lâu dài nhưng với thực tại của nền sản xuất, chúng ta cần phải làm nhanh, làm ngay và có định hướng tầm nhìn của Đảng, Nhà nước và các ngành quản lý chuyên môn chứ không phải tầm nhìn cảm tính, mò mẫm của người nông dân.

Thanh Phúc

Các tin khác
Hầu hết diện lúa vùng cao đã được chuyển đổi làm hai vụ. (Ảnh: Người Mông Mù Cang Chải gieo cấy lúa mùa).

YBĐT - Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nhìn một cách tổng thể và so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chủ lực như: chè, lúa gạo, quế vỏ, cây ăn quả... chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm.

Mùa chè. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

YBĐT - Đã hết rồi cái thời sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, con trâu đi trước cái cày theo sau. Giờ đây, sản xuất không chỉ lấy năng suất, sản lượng mà phải lấy giá trị kinh tế làm thước đo cho mỗi héc-ta canh tác, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách vững chắc.

YBĐT - Thanh Miền đến với nhiếp ảnh như một cái duyên. Chính vì thế, anh đi hết từ vùng đất này qua vùng đất khác để ghi vào trong ảnh của mình những nét thân thuộc nhất, yêu thương và gần gũi nhất của mảnh đất Yên Bái. Cuốn sách ảnh "Yên Bái quê tôi miền sơn cước" là một phần ký ức trong anh, như một lời tri ân của Thanh Miền với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ trong anh.

YBĐT - Với diện tích ổn định 175 ha ngô vụ xuân hè và thu đông, được phát triển mạnh ở các thôn Cang Kỳ, Pang Cáng, Giàng A, Giàng B, Bản Mới, Suối Lóp, cây ngô đã thực sự trở thành cây xóa nghèo ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khi mà từ cây ngô, nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo; số hộ có thu nhập 70 đến 100 triệu đồng/năm từ ngô ở Suối Giàng không còn là chuyện hiếm...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục