Thào Thị Dở làm việc hay

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/3/2015 | 12:51:18 PM

YBĐT - Là một trong năm đại biểu ưu tú của huyện Mù Cang Chải được tham dự Hội nghị biểu dương bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014, có lẽ Thào Thị Dở là nữ Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất nhưng cũng là đại biểu để lại nhiều ấn tượng nhất tại Hội nghị với những nhận xét đáng trân trọng: cán bộ nữ dân tộc Mông trẻ tuổi, luôn tươi cười, thân thiện và có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán...

Chị Thào Thị Dở (thứ 3, trái sang) trao đổi kinh nghiệm công tác với các hội viên phụ nữ xã La Pán Tẩn.
(Ảnh: Anh Hải)
Chị Thào Thị Dở (thứ 3, trái sang) trao đổi kinh nghiệm công tác với các hội viên phụ nữ xã La Pán Tẩn. (Ảnh: Anh Hải)

Vốn là người con của bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn - một trong 13 xã vùng cao đặc biệt khó khăn huyện Mù Cang Chải, ngay từ nhỏ, Thào Thị Dở đã luôn đau đáu trong lòng nỗi lo lắng của người chị gái trong một gia đình đông anh em mỗi khi tết đến, xuân về là làm gì và làm thế nào giúp cha mẹ có đủ đồ cúng tết...

Theo phong tục của đồng bào Mông, dù nghèo khó đến đâu thì ngày tết cũng phải có được miếng bánh, miếng thịt, con gà để cúng tổ tiên trong đêm 30 bởi đó là lễ cúng quan trọng nhất trong năm. Cũng như người Mông ở các thôn, bản khác trong xã, trong huyện, người Mông trong bản Pú Nhu của cô cũng quan niệm rất rõ ràng là đêm 30 tết mà không có gì cúng tổ tiên thì cả năm đó gia đình sẽ không gặp may mắn, thuận lợi trong làm ăn, sinh sống. Thế nên, dù gia đình đông con thì các mẹ, các chị - những người phụ trách cuộc sống của mỗi gia đình đều phải cố gắng làm sao có được 2 con gà, 1 chót cơm, một rổ gạo và mấy chiếc bánh dày cúng đêm 30. Đây chính là lý do mà phong tục trước kia đồng bào Mông thường tổ chức ăn tết sớm hơn 1 tháng so với các dân tộc khác để nhà ai cũng có gạo, có cơm đón tết, nếu ai tết muộn thì chẳng có gì để cúng tổ tiên.

Đã vậy, người Mông còn quan niệm, trong dịp tết, tất cả các dụng cụ lao động sản xuất cũng phải được nghỉ ngơi như chủ nhà cho đến ra Giêng mới tiếp tục được dùng. Bản Pú Nhu nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, lại cách xa trung tâm xã cả giờ đi bộ vẫn còn nhiều lắm những hộ nghèo, đông con, lại phải lo ăn tết, chơi tết và nghỉ tết quá lâu mới lên nương, lên rẫy khiến cho lịch gieo cấy không bảo đảm, thức ăn dự trữ cạn kiệt, cái đói, cái nghèo cứ thế đeo bám bao đời mãi chẳng buông.

Đó là chưa kể đến các hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi như: để người chết lâu ngày trong nhà không cho vào áo quan, mổ nhiều trâu, bò; trong cưới hỏi thì thách cưới cao, ăn nhiều ngày, nhiều bữa... gây lãng phí, mất vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế. Những hộ nghèo lại càng túng bấn hơn khi không may có người chết vào dịp lễ, tết. Chị Thào Thị Dở tâm sự: "Nếu gia đình nào không may có người thân mất vào dịp tết là thiếu đói cả năm vì ngày tết đã ăn trước 1 tháng, lại nghỉ không lao động sản xuất, đi vay lợn, gà về lo ma chay, con cháu tập trung ngồi bón cơm cho người chết không đi làm được, đến lúc đi làm lại lo trả nợ không xong. Gặp phải thời tiết không thuận lợi, mưa lũ hay nắng hạn thì trở thành hộ đứt bữa".

Sau khi phấn đấu và được kết nạp vào Đảng, tuy chỉ là một trong 2 đảng viên nữ song cùng với các đảng viên nam trong bản, chị Dở đã tích cực tới từng gia đình, thậm chí lên từng mảnh nương để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực sản xuất, thâm canh tăng vụ như: trồng lúa xuân để ra tết có lương thực ăn, trồng cây ngô trên nương, trên đồi đất dốc thay thế cây lúa nương đã cằn cỗi cho năng suất thấp.

Tiếp đến là vận động bà con trong bản tích cực đóng góp ngày công tham gia làm đường giao thông nông thôn, xóa bỏ bớt các hủ tục lạc hậu và tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin để con cháu đỡ đi gánh nợ phải trả sau đó. Ban đầu vận động nhiều người chưa hiểu, chưa thông nhưng chị vẫn kiên trì tìm tới nhà già làng, trưởng bản và những cụ già, trưởng dòng họ, đặc biệt là ông Lý A Dì là người có uy tín trong đồng bào để thuyết phục trước, rồi nhờ họ vận động con cháu làm theo. Vậy là người dân ở Pú Nhu dần đã hiểu ra: "Những lời con bé Dở nói thế mà hay!" và từng hộ, từng hộ, chẳng ai bảo ai cứ thế làm theo. Từ một cán bộ Đoàn, rồi vào Đảng, tham gia hội phụ nữ, Bí thư Chi bộ thôn, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã... là cả hành trình phấn đấu, tu dưỡng và cống hiến của nữ đảng viên dân tộc Mông sinh năm 1988 - Thào Thị Dở.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái và Huyện ủy Mù Cang Chải về việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán từ năm 2013, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ xã La Pán Tẩn, với vai trò Bí thư Chi bộ, chị Dở đã tổ chức họp Chi bộ với các trưởng bản, trưởng dòng họ, già làng có uy tín trong bản. Năm đầu họp, có rất nhiều ý kiến của đảng viên, già bản, trưởng bản không đồng ý, có người còn nói: "Con Dở nó dở thật rồi, sao lại bỏ phong tục của đồng bào?" nhưng chị chẳng nản lòng. Cuộc họp chưa đả thông tư tưởng các già làng, chị lại dành thời gian buổi tối tới từng nhà để vận động như năm nào đi vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa và thực hành tiết kiệm. Gia đình nào vắng, chị chẳng ngại nắng mưa, sớm tối đích thân lên tận nương, tận lán vận động.

Trưởng bản, già làng chưa nghe ra, chị nhẹ nhàng, tỉ tê thuyết phục với tình cảm và tấm lòng chân thành của người con, người cháu kết hợp với sự mềm dẻo trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Khi tới các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong bản, chị thuyết phục rằng, việc tổ chức ăn chung một tết Nguyên đán với đồng bào các dân tộc sẽ có thời gian tập trung sản xuất vụ đông xuân, phòng  chống đói, rét cho gia súc, phòng chống cháy rừng và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đến nhà các hộ kinh tế khá hơn và gia đình trưởng bản, chị tuyên truyền để họ thấy được việc ăn chung một tết sẽ vui hơn, các dân tộc đoàn kết, thân ái hơn, con em đi học ở thành phố và bà con đi làm ăn xa lúc đó cũng được về nghỉ ăn tết với gia đình. Đặc biệt là vui tết chung thì nhân dân sẽ tiết kiệm được kinh tế vì không phải mổ nhiều lợn, gà. Ở gia đình già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng, chị lại lập luận rất cụ thể, thuyết phục, ăn chung một tết sẽ được cùng nghe thông tin trên đài, báo, ti vi về truyền thống của nhiều dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Hơn nữa, đó cũng là lúc Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, mặt trận sẽ có nhiều hoạt động đi thăm hỏi, chúc tết bà con, hỗ trợ gạo và quà tết cho các hộ nghèo cùng có điều kiện đón xuân vui vẻ... Kết quả, người nữ Bí thư Chi bộ trẻ tuổi cùng với 8 đảng viên trong Chi bộ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của già làng Lý Thào Xang, của Trưởng bản Lý A Giao, trưởng các dòng họ Lý, họ Thào, họ Mùa và 111 hộ gia đình đồng bào Mông trong bản Pú Nhu.

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, thấy rõ hiệu quả thiết thực của việc ăn chung một tết tiết kiệm, vui vẻ, đoàn kết, có thời gian tập trung sản xuất vụ đông xuân, lúa ngô nhiều hơn, các hộ khó khăn đỡ tốn kém vì vay nợ, Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua, cả bản Pú Nhu lại tiếp tục đón một tết chung thứ ba vui vẻ đầy ắp tiếng cười, tiếng hát vì bà con đã tự nguyện, tự giác cùng chủ động đón tết chung mà "không cần đợi cô Dở đến vận động" như lời nhận xét rất mộc mạc và chân thành của Trưởng bản Lý A Giao.

Đồng chí Giàng Chứ Ly - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn khẳng định: "Thào Thị Dở là cán bộ nữ nhiệt tình công tác và năng động nên ngoài thành công trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết, với vai trò Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã - đơn vị làm điểm, cô ấy còn vận động hội viên thực hiện tốt phong trào "5 không, 3 sạch" và triển khai thực hiện Dự án thị trường vệ sinh của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ở xã, ở bản đạt kết quả cao".

Chính sự cố gắng trong công tác vận động quần chúng và phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, nữ Bí thư Chi bộ bản Pú Nhu đã góp phần cùng các đảng viên trong bản đưa Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh năm 2013 và 2014. Nhiệm kỳ này, chị đã thôi giữ vai trò Bí thư Chi bộ để tập trung tốt hơn cho công tác lãnh đạo hội viên phụ nữ dân tộc Mông trong xã. Hiện Đảng bộ xã La Pán Tẩn cũng đã hoàn thành cơ cấu nhân sự để chị tham gia ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, đưa chị vào nguồn bồi dưỡng vị trí Chủ tịch Hội Phụ nữ trong thời gian tới. Đây cũng là môi trường rèn luyện và phấn đấu tốt để chị Thào Thị Dở phát huy năng lực của mình, làm thêm nhiều việc hay, việc tốt cho quê hương vùng cao, góp phần cùng 84 đảng viên trong Đảng bộ đưa La Pán Tẩn về đích sớm trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hương

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi bò bán công nghiệp
tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên.

YBĐT - Trước những thách thức phải đối mặt như hiện nay, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cấp bách để phát triển chăn nuôi bền vững. Vậy đâu là giải pháp để đạt mục tiêu đề ra? Bài 1: Thực trạng và rào cản

Chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ở Côg ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.

YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ chăn nuôi có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về một thị trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh.

Trung tá Vũ Xuân Hải - Trưởng Công an phường Hồng Hà trao đổi với cán bộ khu dân cư Hồng Phú.

YBĐT - Từ một điểm "nóng" về an ninh trật tự (ANTT), Hồng Hà đã gây dựng thành công thế trận an ninh nhân dân vững chắc khi cả 9/9 khu dân cư và 4/4 đơn vị trường học trên địa bàn phường đều đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, trở thành điểm sáng về phương trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của thành phố. Thành công ấy theo Trung tá Vũ Xuân Hải là khởi nguồn từ sức mạnh lòng dân...

Mô hình nuôi gà trong vườn bưởi của gia đình chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho thu nhập kinh tế cao.

YBĐT - Là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, song nhờ có một Đảng bộ mạnh với những cán bộ, đảng viên đều tay, hay việc, sẵn sàng đến tận hộ gia đình để tìm hiểu, lắng nghe rồi hướng dẫn, trao đổi và bày cách làm ăn cho dân nên nhiều năm qua Đảng bộ xã Bạch Hà chẳng những liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh mà còn là một trong những địa bàn xã vùng sâu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào phong trào xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục