Bản Thái vui tiếng hát

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/4/2015 | 9:33:01 AM

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh, người Thái cư trú chủ yếu ở các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và phần lớn tập trung tại thị xã Nghĩa Lộ. Cũng như các dân tộc khác, lời ca, tiếng hát, các làn điệu dân ca, múa xòe luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Thái.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (giữa) truyền dạy làn điệu dân ca Thái cho những hạt nhân văn nghệ.
(Ảnh: Ngọc Đồng)
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (giữa) truyền dạy làn điệu dân ca Thái cho những hạt nhân văn nghệ. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Để lưu giữ những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc quý báu ấy trước sự mai một theo năm tháng trong xu thế hội nhập văn hoá khu vực và thế giới, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn, lưu truyền các làn điệu dân ca dân gian, bài hát truyền thống và múa xòe cổ thông qua các sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, tập luyện và đặc biệt là duy trì Câu lạc bộ (CLB) “Dân ca Thái”.

Năm 2014, CLB “Dân ca Thái” của xã Nghĩa An chính thức được thành lập với 37 thành viên là hạt nhân các đội văn nghệ của xã do bà Điêu Thị Xiêng làm chủ nhiệm. Với lòng nhiệt huyết của mình, bà Xiêng đã tuyên truyền, vận động các nghệ nhân tham gia sinh hoạt đều đặn và truyền dạy hát, múa cho lớp nam, nữ trẻ tuổi. Để hoạt động hiệu quả, hàng tháng, CLB đều tổ chức sinh hoạt vào giữa tháng. Tùy theo năng khiếu và sở thích của từng người, các thành viên trong CLB được lựa chọn những làn điệu dân ca, bài hát, múa phù hợp với khả năng của mình. Sau đó, CLB chia ra làm 2 nhóm duy trì tập luyện. Nhóm thứ nhất chuyên khai thác, sưu tầm, sáng tác mới các bài hát. Nhóm thứ hai khai thác, tập luyện các điệu múa cổ... Hai nhóm này đều được những người có kinh nghiệm truyền dạy, hướng dẫn cách hát, múa làm sao cho đúng với truyền thống, đặc biệt là các làn điệu dân ca, dân vũ cổ của dân tộc.

Bà Điêu Thị Xiêng - Chủ nhiệm CLB “Dân ca Thái” xã Nghĩa An tâm sự: “Là người Thái, từ nhỏ tôi vốn rất yêu thích những bài ca, bài thơ, múa hát của dân tộc mình. Khi hát những làn điệu dân ca ấy mang lại cho tôi nhiều cảm xúc về làng quê, cảnh vật, thiên nhiên và tình cảm anh em, nam nữ… Cho nên, tôi đã vận động các nghệ nhân tham gia vào việc truyền đạt lớp trẻ học tập, tiếp thu để cùng lưu giữ. Tuy nhiên, tôi cũng mong được các cấp, các ngành chức năng quan tâm hơn nữa  việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái, bảo đảm cho việc lưu giữ lâu bền”. 

CLB “Dân ca Thái” được thành lập là vô cùng có ý nghĩa, đã góp phần không nhỏ cho việc nâng cao nhận thức đối với thế hệ trẻ để hiểu sâu hơn về giá trị và có ý thức bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó tiếp tục kế thừa, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống quý báu đó. Chị Hoàng Thị Sơi - thành viên CLB “Dân ca Thái” xã Nghĩa An cho hay: “Từ khi được tham gia vào CLB, tôi thấy rất vui vì có cơ hội tìm tòi, học hỏi thêm và sáng tạo những làn điệu dân ca theo những ý tưởng của mình. Tôi mong muốn trở thành nghệ nhân hát hay, múa giỏi của CLB để được đi giao lưu ở nhiều nơi”.

Sau quá trình tập luyện, khôi phục, đến nay, xã Nghĩa An đã có các đội văn nghệ hát dân ca, dân vũ, múa xòe điêu luyện, uyển chuyển. Mỗi khi lễ, tết hay đám cưới, hội họp… khách đến dự sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca Thái mượt mà, sâu lắng. Những lời ca, tiếng hát đó thường ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và hát về lao động, sản xuất, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, thổ lộ cảm xúc trong tình yêu đôi lứa... Những làn điệu này cũng được xem là món ăn tinh thần của dân tộc Thái dành cho khách quý, người thân, bạn bè gần xa mỗi khi đến thăm quê, thăm nhà...

Cùng lời ca, tiếng hát, người Thái ở xã Nghĩa An còn tích cực lưu giữ và sáng tạo mới các điệu múa xòe. Những động tác của xòe phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn của con người với thiên nhiên, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc. Ngày nay, múa xòe đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng của người Thái. 36 điệu xòe nổi tiếng của người Thái hiện nay được bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ đã trải qua hàng trăm năm được gìn giữ, lưu truyền lại.     

Với vai trò làm nồng cốt cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, khi có ngày hội vui, các thành viên trong CLB “Dân ca Thái” đều tham gia đông đảo và nhiệt tình. Thường ngày, đôi bàn tay của các chị chỉ quen với cái cày, cái cuốc. Vậy mà, mỗi khi có hội, bước lên sân khấu, các chị đã trở thành những nghệ nhân, diễn viên điêu luyện, uyển chuyển và duyên dáng với các điệu múa xòe, giọng hát thật mượt mà, say đắm.

Ông Hà Đức Thuy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết: “Thời gian qua, xã chúng tôi đã khai thác và phát huy tốt những giá trị văn hóa của địa phương. Các ngày lễ hội đều có các đội văn nghệ trong CLB của xã tham gia và nhất là tham gia rất tích cực vào vòng đại xòe của thị xã Nghĩa Lộ dịp trước. Người Thái nói chung và các dân tộc khác trên địa bàn xã nói riêng rất vui mỗi khi được tham gia hoặc thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ và điệu xòe của đồng bào Thái. Vì sau mỗi lần sinh hoạt hay hưởng thụ văn hóa, mọi người đều cảm thấy giải tỏa được sự mệt nhọc sau những buổi lao động vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống”. Chính vì lẽ đó, đã từ lâu người Thái có câu: “Không hát không vui, không múa cây lúa, cây ngô không trổ bông, không ra bắp và không xoè trai gái không thành đôi…".

Nghĩa An đã khá thành công trong việc phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là thành lập CLB “Dân ca Thái” của xã và các đội văn nghệ, đội múa xòe để gìn giữ, lưu truyền cho muôn đời sau. Và đây cũng là những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Những lời ca, điệu múa của đồng bào Thái sẽ luôn hiện hữu ở những cuộc vui nhỏ của gia đình như: lễ mừng nhà mới, mừng thọ, đám cưới, ăn hỏi cho đến những lễ hội lớn của bản làng như: ngày hội rằm tháng Giêng, tết xíp xí, lễ hội hái hoa ban, lễ mừng cơm mới... Điệu xòe hòa nhịp cùng tiếng hát đã tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với những ai từng một lần đặt chân đến vùng đất này.

 Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Mầu xanh của rừng ở Yên Bình hôm nay đã trải dài khắp 26 xã, thị trấn và đảo hồ Thác Bà. Việc phát triển mạnh nghề trồng rừng không chỉ góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,5 triệu đồng/người/năm và giảm thêm 4,74% hộ nghèo trong năm 2014 mà nó còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ - phòng chống cháy rừng ( PCCCR).

YBĐT - Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ luôn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh theo phương châm "vững mạnh, rộng khắp", đồng thời gắn việc xây dựng lực lượng DQTV với phát triển kinh tế. Nhờ đó, thị xã Nghĩa Lộ ngày càng có nhiều những quân dân tiêu biểu với các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Người dân thôn Tà Xùa, xã Bản Công (Trạm Tấu) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - 5 năm, Trạm Tấu đã viết tiếp những huyền thoại về những con đường ý Đảng, lòng dân, vươn lên những đỉnh non xanh cao vời vợi, từ đó, có điện, có trường, có trạm, có những quán "cóc" mang hương vị phố huyện...

Lực lượng cảnh sát cơ động trước giờ tuần tra.

YBĐT - Là lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT); bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị - kinh tế - văn hóa; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống khắc phục thiên tai; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt..., những năm qua, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động (CSBV&CĐ) Công an tỉnh luôn mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng danh lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh trấn áp các loại tội phạm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục